Covid-19 gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng nhưng chính những chính sách có phần quyết liệt thái quá của các chính phủ trong việc giảm thải carbon đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trong khi nền kinh tế thế giới đang phải vật lộn để tăng trưởng trở lại sau đại dịch thì một cuộc khủng hoảng năng lượng bất ngờ xuất hiện, lan rộng và thổi bùng ngọn lửa lạm phát tại châu Âu, Trung Quốc. Nó giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất, vốn đã gặp đủ thứ rắc rối sau cơn khủng hoảng chip hay gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Châu Âu đang thiếu điện và khí đốt trầm trọng trong khi giá cả tăng đột biến ngay trước giai đoạn cao điểm nhu cầu sử dụng vào mùa đông. Điều tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc – quốc gia đối mặt với tình trạng khan hiếm than, nguồn sản xuất điện chính của nước này.
Covid rõ ràng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng hỗn loạn này. Tuy nhiên, sự thiếu tầm nhìn và cách tiếp cận “quá tay” của các chính phủ nhằm đạt mục tiêu trung hoà carbon trong lĩnh vực năng lượng mới là nguyên nhân chính.
Các quốc gia châu Âu đang điên cuồng bổ sung nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và than bằng bất cứ giá nào trong khi trước đó chính họ đã rút bớt ngân sách cho lĩnh vực này để tập trung hoàn toàn vào các giải pháp xanh như năng lượng tái tạo.
Tình huống trớ trêu này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 vào tháng tới, hay còn gọi là COP26. Tại đây, các quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục giảm gấp đôi cam kết từ bỏ nhiên liệu truyền thống để sớm đạt mục tiêu phát thải bằng 0.
Một nhóm các bên liên quan và các nhà môi trường đã kêu gọi đẩy nhanh việc “thoát” khỏi nhiên liệu hoá thạch mà không để ý đến hậu quả của việc thiếu hụt năng lượng.
Tóm lại, tình hình này đã tạo ra vô số ồn ào và lộn xộn, đặc biệt là với người dùng phổ thông – những người từng mơ mộng được hít thở bầu không khí trong lành và bầu trời xanh mà không phải đánh đổi bất cứ thứ gì.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách. Một nguồn cung cấp than, khí, dầu, điện và tất cả dạng năng lượng khác ổn định, đáng tin cậy là không thể thiếu trong quá trình phục hồi kinh tế sau Covid đầy mong mạnh hiện tại.
Với việc khí đốt tự nhiên trữ kho của châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục trong khi giá ngoài thị trường đã tăng 400%, các nhà sản xuất điện tại đây đã bắt đầu nối lại liên hệ với Nga để mua than. Tuy nhiên, kể từ khi châu Âu bắt đầu tránh xa loại nhiên liệu được xem là “bẩn” này, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu của mình sang châu Á. Điều này đồng nghĩa châu Âu giờ đây phải tìm đến Mỹ để tìm kiếm nguồn than.
Cuộc khủng hoảng này đang lan rộng ra ngoài biên giới châu Âu và Trung Quốc bởi các thị trường năng lượng toàn cầu kết nối chặt chẽ với nhau. Giá LNG cao khiến một số công ty điện lực ở Nhật Bản chuyển sang sử dụng dầu. Một số nhà sản xuất điện ở Ấn Độ cũng có động thái tương tự khi giá khí đốt nhập khẩu cao trong khi trữ lượng than thấp.
Nhu cầu dầu lên cao nhưng liên minh OPEC+ vừa quyết định không tăng thêm nguồn cung cho thị trường so với thoả thuận 400.000 thùng/ngày trước đây. Giá dầu lập tức tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 năm, gây ra áp lực lạm phát lớn hơn.
Tại châu Âu, các bộ trưởng đang tìm cách thống nhất một phản ứng chung hoặc phối hợp để đảm bảo nguồn cung và giảm bớt áp lực. Ở Trung Quốc, chính quyền trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng. Quốc gia này đã chỉ thị cho các công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước làm mọi thứ cần thiết để mua đủ nguồn cung cho tất cả loại nhiên liệu mùa đông.
Tuy nhiên theo Nikkei, sai lầm lớn nhất của các chính phủ hiện nay là coi tình trạng khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời và tiếp tục loại bỏ nhiên liệu truyền thống để theo đuổi các mục tiêu môi trường đầy tham vọng.
Điều cần thiết trong giai đoạn hiện tại là chọn một cách tiếp cận cân bằng hơn: tiếp tục khai thác nhiên liệu hoá thạch một cách hiệu quả để giảm lượng phát thải carbon, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển các giải pháp năng lượng sạch.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị