Cuốn sách tập hợp 25 bài chuyên khảo về lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ thời sơ sử đến nửa đầu thế kỷ 20.
Chiều 29/12, Tri Thức Trẻ Books cùng tác giả Trần Hậu Yên Thế tổ chức buổi giao lưu, ra mắt sách Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác tại Hà Nội với sự góp mặt của TS Phạm Long – nhà nghiên cứu mỹ thuật độc lập; nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý; ông Đỗ Kim Cơ – Giám đốc Tri Thức Trẻ Books.
Chuyên khảo về lịch sử mỹ thuật Việt
TS Trần Hậu Yên Thế là nhà nghiên cứu mỹ thuật. Cuốn Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác mới lên kệ của ông tiếp tục hành trình nghiên cứu và tìm lại những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam một thời. Sách do Nhà xuất bản Mỹ thuật liên kết Tri Thức Trẻ Books phát hành.
Trong lời giới thiệu sách, đơn vị xuất bản viết: “Tác giả như đứa trẻ không chỉ mải mê ngắm cánh cửa đồ sộ mà lại ham thích, ngắm nghía cái bản lề, then cài, những chi tiết tưởng nhỏ nhặt, để suy nghĩ về cơ chế đóng mở của chiếc cửa ấy”.
Xuyên suốt cuốn sách, ông đi sâu tìm hiểu lịch sử mỹ thuật Việt từ thời sơ sử cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Từ đó, tác giả đem đến cho người đọc những góc nhìn mới lạ về sự đa dạng khi “soi” mỹ thuật Việt qua nhiều nguồn tư liệu.
Tại sự kiện, ông Đỗ Kim Cơ – Giám đốc Tri Thức Trẻ Books – chia sẻ: “Với cuốn sách này, bản thân tác giả đã thể hiện mong muốn so sánh, đối chiếu để tìm ra mối liên hệ, ảnh hưởng ngầm của nhiều nền văn hóa khác tới mỹ thuật Việt Nam”.
Ở tiêu đề cuốn sách, tác giả sử dụng động từ “soi” thay vì “nhìn”, bởi theo ông, “soi” nghĩa là nhìn một cách kỹ lưỡng để làm tỏ tường hơn vấn đề mà mình đang nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cũng cho biết bản thân chữ “soi” đã tạo cho ông sự hứng thú khi đọc cuốn sách này.
“Tác giả đã vận dụng nhiều công cụ quan sát, lý thuyết và nguồn tài liệu khác nhau. Cuốn sách cho thấy bút pháp nghiên cứu, khảo sát đối tượng, hiện vật, vấn đề của mỹ thuật bằng nhiều góc cạnh”, TS Phạm Long nói.
Bên cạnh đó, Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác còn cho thấy từ những khía cạnh nghiên cứu mới, người đọc có thể tìm lại được những giá trị lâu đời của nền mỹ thuật. Chính sự cộng hưởng, giao thoa, phản xạ của các yếu tố mỹ thuật đã tạo nên hứng thú, kích thích trí tư duy của độc giả.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng điểm đặc biệt của công trình này là tác giả không sử dụng những tài liệu nghiên cứu mang tính chất tổng kết, mà nhìn nhận sự vật từ những thứ nhỏ nhất bằng sự gắn bó mật thiết với chúng.
“Đọc cuốn sách, ta thấy được nền mỹ thuật nói riêng, văn hóa nói chung có nhiều chi tiết, dấu vết đã bị lãng quên. Tưởng chừng như rất nhỏ, song chúng cũng có ảnh hưởng nhất định tới văn hóa”, nhà văn Nguyễn Trương Quý nói.
Theo ông, khi nghiên cứu về mỹ thuật, tác giả đã biết dừng đúng chỗ để người đọc tự gợi mở tư duy và hệ thống được tiến trình phát triển của mỹ thuật.
Chuyến du hành cùng mỹ thuật
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cũng nhận xét Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác là công trình được diễn giải chi tiết, hấp dẫn, đem lại thú vị không chỉ cho giới nghiên cứu mà còn với độc giả trẻ ngày nay.
“Khi đọc, ta thấy được đam mê của người viết. Cuốn sách này còn có thể sử dụng như một tài liệu nhập môn, bổ trợ cho các chuyên ngành nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật”, cây bút Nguyễn Trương Quý gợi ý.
Trong khi đó, TS Phạm Long nhận định tác phẩm là “minh chứng thuyết phục cho một bối cảnh cởi mở và chủ trương nghiên cứu tích hợp, đa chiều”.
Có thể nói, cuốn sách này như “chuyến du hành cùng nghệ thuật Việt xuyên không gian và thời gian. Mỗi chi tiết hay vấn đề được nêu lên và biện giải luôn là những mắt xích của sự đan cài nhiều nền văn hóa, truyền thống tôn giáo”, TS Phạm Long nói thêm.
“Tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ nét văn hóa của dân tộc”, TS Trần Hậu Yên Thế.
Để đưa người đọc lên chuyến du hành cùng văn hóa, mỹ thuật, tác giả Trần Hậu Yên Thế cho biết chính niềm tự hào dân tộc, lòng ngưỡng mộ trước nhiều bảo vật quốc gia đã thôi thúc ông đi tìm nguyên do của nhiều tạo hình mỹ thuật.
“Nền mỹ thuật Việt Nam luôn có sự tác động của nhiều yếu tố. Nói cách khác, văn hóa Việt có sự pha trộn, giao thoa. Tôi chỉ làm rõ hơn những luận điểm mà các bậc tiền bối đã nghiên cứu trước đó và mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ nét văn hóa ấy của dân tộc”, TS Trần Hậu Yên Thế bày tỏ.
Chia sẻ bên lề sự kiện, tác giả cũng nhận định không nhiều bạn trẻ ngày nay có hào hứng đọc sách. Khi phương tiện nghe nhìn quá đa dạng, nếu sách không tạo được ấn tượng về thị giác, sẽ khó lòng tiếp cận độc giả trẻ.
“Thông tin là điều quan trọng nhất, nhưng hình ảnh cũng quan trọng không kém. Khi viết cuốn sách này, tôi cũng nghĩ đến việc giữa chiếc smartphone và cuốn sách, bạn trẻ sẽ chọn gì? Điều đó thôi thúc tôi tạo ra một công trình nghiên cứu với nhiều hình ảnh ấn tượng, ‘soi’ sự vật, hiện tượng một cách đa diện”, tác giả nói.
Thông qua cuốn sách, tác giả hướng bạn đọc tái nhận thức những giá trị cốt lõi của nền văn hóa truyền thống và sáng tạo trong tư duy để phát triển nền văn hóa ấy ở bối cảnh hiện tại.
Theo Zing