Giữ nghề dệt vải truyền thống của người Dao bản Mo

10:05 | 05/05/2022

Có hẹn từ trước, một ngày nắng ấm, băng qua tuyến đường nông thôn mới đã bớt gập ghềnh của miền sơn cước, chúng tôi tìm về bản Mo nơi bà con đồng bào dân tộc Dao tuyển sinh sống… Trong những nếp nhà đơn sơ, những bà, những chị phụ nữ người Dao nơi đây vẫn miệt mài giữ gìn và bảo tồn nghề dệt vải thủ công truyền thống từ sợi bông.


Phụ nữ dân tộc Dao ở bản Mo se sợi chỉ bông (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thanh Cường.

Người Dao tuyển ở bản Mo, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có truyền thống mùa xuân trồng cây bông, mùa hạ thu quả bông chín và cuối thu, đầu đông, lúc nông nhàn thì se bông, dệt vải, nhuộm chàm, may áo mới. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng cao Lào Cai, bộ trang phục truyền thống của bà con đồng bào Dao tuyển ở bản Mo cũng được lớp người già truyền dạy và họ đều tự tay mình làm ra nguyên liệu dệt thành vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền để trang trí trên váy, áo của mình.

Giờ đây, dù cho cuộc sống hiện đại đã lan tỏa đến những bản làng vùng cao, đường về bản Mo đã rộng mở, người Dao tuyển bản Mo cũng có thể xuống chợ phiên Vĩnh Yên vào thứ Bảy, chợ phiên Nghĩa Đô vào Chủ nhật, hoặc có thể đặt hàng online để mua vải dệt công nghiệp về may quần áo… Làm như vậy, quả thật nhanh hơn, đỡ tốn công hơn, thế nhưng, nguyên liệu vải dệt công nghiệp không thể sánh với vải dệt tay được, lại không đúng với truyền thống bản sắc văn hóa của họ.

Bởi thế, mong muốn giữ nguyên bản giá trị và bản sắc của dân tộc mình, chị Hoàng Thị Thiết cũng như hầu hết phụ nữ dân tộc Dao tuyển ở bản Mo đã duy trì và đang dần khôi phục để bảo tồn nghề trồng bông dệt vải, nhuộm chàm theo đúng phương pháp truyền thống của thế hệ đi trước truyền lại.

Vừa nhanh tay quay se những sợi bông thành chỉ cuộn, chị Hoàng Thị Thiết vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Từ nhỏ, tôi và các bạn gái cùng trang lứa ở bản người Dao này đã được bà, mẹ của mình dạy cho cách tách hạt bông, cuộn chỉ sợi và xem các bà, các chị lớn hơn dệt vải, nhuộm chàm, may thêu áo mới. Lớn lên, khi có gia đình riêng, tôi và nhiều chị em phụ nữ trong bản vẫn duy trì nghề truyền thống này cho đến ngày nay. Năm nào, tôi cũng tự mình trồng bông trong nương vườn của gia đình, rồi tự tay kéo chỉ, dệt vải và nhuộm chàm. Không biết mọi người thế nào, chứ bản thân tôi vẫn thích được tự tay may áo, váy cho mình và các con. Phong tục đẹp của người Dao tuyển là duy trì việc may quần áo mới để đón Tết cũng như để dùng hằng ngày, nhất là trong các dịp cưới hỏi, lễ hội của bản. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình”.

Không riêng gì chị Hoàng Thị Thiết, các chị em phụ nữ ở bản Mo đều có chung tâm sự như vậy. Hầu hết phụ nữ, trẻ em gái bản Mo vẫn mong muốn được diện trang phục truyền thống, bởi bộ váy áo đó làm nên vẻ đẹp riêng của phụ nữ dân tộc Dao tuyển. Mặc dù trải qua nhiều công đoạn trong suốt cả một năm mới có những tấm vải thơm mùi chàm, dùng may áo mới cho cả gia đình, nhưng chị Hoàng Thị Thiết và nhiều chị em phụ nữ Dao tuyển ở bản Mo vẫn miệt mài, đam mê và cần mẫn theo nghề truyền thống.

Để có một tấm vải phụ nữ người Dao bản Mo phải chuẩn bị nguyên liệu tỉ mỉ từ trồng bông, bật bông, se thành chỉ, dệt vải và nhuộm vải. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và chuyên tâm mới có tấm vải dệt chỉ sợi đều tăm tắp được.

Chị Hoàng Thị Thiết cho biết: “Sau khi đã dệt thành tấm vải sợi bông, người Dao tuyển còn dùng cây lá chàm, ngâm cho vải chuyển thành màu chàm, phơi khô, sau đó mới dùng để may áo, may quần… Để tạo thành chàm nhuộm màu cho vải cũng là một công đoạn hết sức công phu, nếu không khéo tay, không có kinh nghiệm, cũng khó tạo thành dung dịch chàm để nhuộm vải được. Vải sợi bông sau khi ngâm chàm chừng một đến hai giờ đồng hồ, đem hong ngoài nắng nhẹ, rồi mới mang về để dùng may quần áo. Con gái Dao tuyển dệt vải đẹp cũng là một trong những điều thể hiện công, dung, ngôn, hạnh và sự trưởng thành”.

Rời bản Mo khi mặt trời đã xuống núi, thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc Dao tuyển bản Mo ngồi miệt mài bật bông, dệt vải bên hiên nhà trong buổi chiều thật ấm áp, yên bình. Hy vọng trong tương lai, cùng với du lịch sinh thái rừng quế, đồi chè ở xã Xuân Hòa, thì du lịch làng nghề của đồng bào Dao tuyển cũng là hướng phát triển để tạo thành sức hấp dẫn cho bản vùng cao nơi đây…

 

Theo Báo Biên phòng

https://www.bienphong.com.vn/giu-nghe-det-vai-truyen-thong-cua-nguoi-dao-ban-mo-post449434.html

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN