“Bình minh tản trà” bằng món quà sáng là sự kết hợp khéo léo, uống một chén trà xanh trước khi ăn phở và sau khi ăn phở sẽ kết thúc bằng chén hồng trà. Từ đó xây dựng và đưa trà vào trong các bữa ăn, bữa tiệc cho phong phú, kết hợp trà và món ăn cho đồng điệu tương sinh chứ không dừng lại ở trà đá đơn thuần. Trà và Phở không chỉ là tinh hoa ẩm thực mà còn là biểu tượng văn hóa truyền thống của người Việt từ lâu đời, đã và đang tiếp tục được lưu giữ, tôn vinh và phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn đã tinh tế kết hợp Trà và Phở, kết tinh và lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa tiêu biểu của người Việt.
Lịch sử uống trà đã xuất hiện từ 4000 năm trước từ nôi vùng đất gió mùa Đông Nam Á lan ra toàn cầu. Hiện nay, trà được uống nhiều và phổ biến hàng ngày, xếp thứ nhì sau nước với 50% dân số thế giới uống trà. Được thiên nhiên ưu đãi, cây chè xuất hiện và sinh sôi tại Việt Nam từ rất sớm, gắn liền với lịch sử cũng như văn hóa của người Việt. Văn hóa uống trà của người Việt cũng đã có hàng trăm năm nay. Cây chè đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đi khắp nẻo đường tổ quốc, từ Thái Nguyên “đệ nhất danh trà” cho đến cao nguyên Mộc Châu – Sơn La, Suối Giàng – Yên Bái, đất tổ Phú Thọ cho đến vùng đất Tây Nguyên nơi Bảo Lộc – Lâm Đồng, bạn đều có thể bắt gặp những đồi chè xanh ngát, tạo nên một mảng màu tươi đẹp giữa thiên nhiên yên bình. Những người nông dân chân chất yêu chè như sinh mạng, gắn bó cả cuộc đời với những nương chè, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Họ là đại sứ gìn giữ, lan tỏa và phát triển văn hóa trà Việt, cùng các nghệ nhân đưa trà Việt vươn mình ra thế giới.
Bên cạnh đó, hơn cả một món ăn truyền thống, phở là nhân chứng vượt thời gian của giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của đất nước. Phở chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary) từ năm 2007. Phở Việt đi khắp thế giới và trở thành món ăn mang sứ mệnh hội nhập văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Phở là món ăn thân thuộc, dường như không thể thiếu vào mỗi buổi sáng của người Việt. Đến ngày hôm nay, sức sống của phở Việt vẫn tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn trong vai trò là thành viên Ban Nghệ nhân của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, ông đã tạo nên sự kết hợp giữa Trà và Phở như một mối lương duyên hội ngộ trong văn hóa và tinh hoa. Đây cũng là một trong những sáng tạo trên hành trình tìm kiếm các món ăn di sản Việt Nam. Sau khi thưởng thức một bát phở ngon lành, thực khách có thể thưởng thức một tách trà ấm, được pha vừa tới, giữ được vị ngon nguyên bản. Hay đơn giản là một cốc trà xanh uống trong lúc chờ phở hoặc thưởng thức trong lúc ăn phở. Tuy hai mà hòa quyện làm một, thưởng thức trà và phở, kết hợp giữa ẩm và thực mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho thực khách. Dần dần, thưởng thức trà và phở trở thành cặp đôi song hành.
Năm 1992, nghệ nhân Trịnh Văn Tân vào Sài gòn và học ngành bếp tại trường Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Trải qua quá trình học hỏi kinh nghiệm và bổ sung các kiến thức chuyên môn, thầy Tân bắt đầu trau dồi các kỹ năng và nâng cao tay nghề, không ngừng cố gắng và phát triển từng ngày để có thể làm nên những món ăn đặc sắc nhất phục vụ cho tất cả mọi người, đặc biệt sở trường của thầy là chuyên làm món ăn đặn sản rừng, hải sản và món ăn đặc sản từ miền Bắc. Năm 2008, thầy gia nhập Tập đoàn Unilever Việt Nam với chức vụ Bếp Phó chuyên nghiên cứu gia vị để chế biến các món ăn và hỗ trợ chia sẻ những ứng dụng cho các đầu bếp trên toàn quốc cũng như Hiệp hội Đầu Bếp Trẻ TP.HCM, cùng hỗ trợ những buổi cooking class cho các đầu bếp trẻ trong thành phố.
Kể từ khi gia nhập Unilever Việt Nam đến nay, nghệ nhân Trịnh Văn Tân được vinh dự cùng đứng ra tổ chức những bữa tiệc quan trọng cho Paul Polmen- Unilever CEO, gia đình hoàng gia Hà Lan, Lãnh Sự Quán Thái Lan, Bộ Y Tế Việt Nam… và thể hiện kĩ năng ẩm thực của mình tại các hội nghị quảng bá và giới thiệu Thực Đơn Toàn Cầu của Unilever. Phở Tân xuất thân từ Phở Cồ cử Nam Định, nay còn gọi phở Bắc Hà. Học nghề từ người Bạn thân gia đình nghề truyền thống hiện kinh doanh tại TP. HCM, Thủ Đức, Đồng xoài.
Nhưng với nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn trong hành trình cuộc đời đã dành gần 20 năm qua để tìm tòi, nghiên cứu và lan tỏa văn hóa trà trong cuộc sống hiện đại, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn đã đóng góp không nhỏ vào việc giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa trà Việt. Với nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, trà là cuộc sống, là đam mê, là hiện tại và tương lai. Là một người “yêu trà, mến ấm”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã dành toàn bộ tâm huyết và kinh nghiệm đã đúc kết để sáng lập ra thương hiệu Song Hỷ Trà. Qua đây, nghệ nhân mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm được chế biến từ chè đạt chất lượng tốt nhất, giữ được vị ngon nguyên bản nhất, lan tỏa giá trị văn hóa và tình yêu trà Việt. Nghệ nhân cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thưởng trà, hướng dẫn thực khách và đặc biệt là giới trẻ những bí quyết để có chén trà ngon đúng điệu. Từ những việc tưởng chừng đơn giản như cách tráng ấm, nhiệt độ nước, lượng chè bỏ vào một ấm, thời gian ngâm chè, cách rót trà, thưởng trà đều là nghệ thuật không phải ai cũng có thể làm được.
Tháng 4, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn và Song Hỷ Trà mang đến cho những người yêu và quan tâm trà sự kiện ấm cúng “Trà thỉnh tháng 4” để kiểm chứng sự thú vị khi 2 nét đẹp văn hóa Trà và Phở giao thoa với nhau, mang đến cho người dùng những giá trị nghệ thuật đặc trưng trong việc “ẩm” và “thực”. Bên cạnh nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, sự kiện còn có sự tham gia và chia sẻ từ Chuyên gia ẩm thực Trịnh Văn Tân, giúp chúng ta có thêm góc nhìn chân thực về thưởng thức một bát Phở bò “gia truyền trứ danh” và dùng trà trong bữa ăn “đúng cách”. Đặc biệt, đây cũng là dịp Song Hỷ Trà cho ra mắt loại trà mới – Trà xanh Hương Long Vân – thuộc dòng trà “Thăng hoa cùng nghệ nhân” vô cùng đặc sắc.
Trong suốt hành trình với trà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn và Song Hỷ Trà đã đưa trà Việt vượt qua phạm vi lãnh thổ, có mặt tại nhiều sự kiện văn hóa và ẩm thực ở Nga, Pháp. Hành trình trải nghiệm về trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn cũng gắn liền với hành trình về văn hóa – lịch sử của Việt Nam, là cơ hội kết nối và gặp gỡ với những người chung đam mê trà trên toàn thế giới. Nghệ nhân còn kết nối và mang trà đến gần với người trẻ, đồng thời lan tỏa văn hóa đọc với tủ sách cộng đồng. Hy vọng những nỗ lực và tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn và Song Hỷ Trà sẽ góp phần viết nên những trang đẹp đẽ trong lịch sử phát triển của văn hóa trà nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung.
Thùy Dương