Gìn giữ sức khỏe môi trường để bảo vệ sức khỏe trẻ em

12:30 | 01/06/2022

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), sức khỏe môi trường toàn cầu định hình sức khỏe, thành tích học tập và hạnh phúc của mọi trẻ em trên thế giới.


Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam quy định quyền thứ 20 của các công dân tương lai là “quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang”, theo đó trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Trẻ em vui chơi Khu đô thị Times City (Hà Nội). Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN

Các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường và trẻ em

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UNICEF Việt Nam đồng thực hiện báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các chính sách khác liên quan tới biến đối khí hậu với một phương thức tiếp cận thân thiện hơn với trẻ em.

Theo bản báo cáo, có sáu nhân tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe môi trường mà dù riêng lẻ hay kết hợp thì đều có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe và sự phát triển của mọi trẻ em.

Đó là rủi ro về môi trường – ô nhiễm không khí gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mãn tính mà trẻ em dễ mắc phải, các vấn đề về hô hấp, bệnh phổi, ung thư và các bệnh khác.

Đó là sự suy thoái môi trường ảnh hưởng đến sự an toàn của thực phẩm và nguồn nước của trẻ em.

Đó là kim loại độc hại – chì, thủy ngân, cadimi và asen, làm suy giảm sự phát triển của trẻ em.

Đó là chất thải nguy hại – quản lý chất thải hộ gia đình kém, chôn lấp, nước thải, đốt chất thải không an toàn kể cả chất thải điện tử, làm phát sinh chất độc trong không khí và nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Đó là hóa chất độc hại, bao gồm cả phân bón và thuốc trừ sâu có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em và phụ nữ.

Đó là sự biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của trẻ em – bao gồm tần suất, cường độ và sự thất thường của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt; nhiệt độ cao và mức độ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên.

Các nỗ lực nhằm tối đa hóa sự sống còn, sức khỏe và phúc lợi của trẻ em sẽ không thể được hoàn thành nếu chúng ta không xử lý tốt các yếu tố môi trường quyết định sức khỏe của các công dân tương lai.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNICEF Việt Nam tập trung phân tích về những thách thức của thế kỷ – biến đổi khí hậu và sự tác động tới trẻ em.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nặng nề nhất trên thế giới từ tình trạng biến đổi khí hậu. Trẻ em dễ bị tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường hơn các nhóm tuổi khác, chủ yếu là do các em đang trong giai đoạn lớn lên và phát triển, phụ thuộc vào người lớn và thiếu tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến các em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 88% các bệnh do biến đổi khí hậu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Một số khu vực ở Việt Nam chịu tác động từ sự biến đổi khí hậu nhiều hơn các khu vực khác, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, khu vực hay xảy ra hạn hán và khu vực thành thị.

Suy thoái môi trường bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đánh mất đa dạng sinh học cũng là những vấn đề nổi cộm.

Trẻ em bị tác động mạnh bởi tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, trong đó các em dễ bị tổn thương hơn bởi sóng nhiệt, đặc biệt là trẻ nhỏ, bị tác động nhiều hơn bởi các sự kiện khí hậu cực đoan như bão lụt. Những vấn đề này không chỉ đe doạ cuộc sống và sự an toàn của các em mà còn mang lại nguy cơ về các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng tới việc tiếp cận nước sạch và thực phẩm chất lượng – những điều có tác động ngược lại tới sức khỏe và khả năng học tập của các em.

Bão lụt cũng có thể để lại các tác động lâu dài khi phá hủy trường học của các em.

Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thường dẫn tới các bệnh viêm nhiễm, tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm hơn cho trẻ so với người lớn.

Suy thoái môi trường tại Việt Nam thường trở nên nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và có tác động tiêu cực tới trẻ em.

Nền kinh tế của đất nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí. Tỷ lệ trẻ em nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp có liên quan chặt chẽ với mức độ ô nhiễm không khí hằng ngày.

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước có liên quan đến tình trạng tiêu chảy dai dẳng và các bệnh do nguồn nước gây ra ở trẻ em.

Tình trạng mất đa dạng sinh học cũng làm mất đi những lợi ích quan trọng về giải trí, văn hóa và tinh thần – tất cả đều cần thiết đối với sự phát triển của thế hệ tương lai.

Các nguy cơ chính về biến đổi khí hậu trên phương diện lý sinh ở Việt Nam là lượng mưa thay đổi, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai liên quan. Tất cả những điều này đều có tác động thứ cấp: lũ lụt và sạt lở đất, mất đa dạng sinh học, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng do bão và lốc xoáy. Những tác động này sau đó dẫn đến các tác động tiếp theo: sản lượng nông nghiệp giảm, cơ sở hạ tầng trường học và nhà cửa bị tổn hại, khan hiếm nước, chất lượng nước kém và tình trạng di cư, từ đó tác động đến trẻ em theo nhiều cách khác nhau.

Việt Nam đang đối mặt với tần suất lũ lụt, hạn hán dày hơn, cũng như nhiệt độ cao hơn, mực nước biển dâng, nhu cầu và sự cạnh tranh về nước sạch tăng.

An ninh lương thực cho trẻ em đang bị đe dọa bởi tình trạng khí hậu cực đoan tác động đến ngành nông nghiệp, từ mất mùa hoàn toàn đến năng suất giảm triền miên và thu nhập thấp hơn cho các gia đình. Trẻ em ở khu vực nông thôn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực, lý do là những giai đoạn thiếu dinh dưỡng có thể góp phần làm chậm quá trình phát triển, các em được đi học ít hơn do thu nhập hộ gia đình thấp hơn, dễ mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này.

Trẻ em ở các khu vực thành thị đặc biệt có nguy cơ mắc các bệnh do nguồn nước gây ra, điều này có thể gia tăng do mưa quá nhiều và lũ lụt cục bộ.

Có các dấu hiệu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở Việt Nam và được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ cao hơn góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh tay chân miệng và tỷ lệ nhập viện cao hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ em.

Việc giáo dục và học tập của trẻ em cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Hạn hán và kéo theo tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến việc học tập vì số lượng và chất lượng các bữa ăn cho trẻ trong hộ gia đình cũng như chất lượng, số lượng nước sạch của trường học bị suy giảm. Việc học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng do lớp học bị cuốn trôi và hư hại, ở những nơi chịu lũ lụt nghiêm trọng thì học sinh có thể phải nghỉ học một thời gian. Biến đổi khí hậu có thể góp phần làm tăng số học sinh bỏ học và học kém.

Biến đổi khí hậu cũng được nhìn nhận là một yếu tố chính khiến người dân phải di cư khi sinh kế hiện tại của họ bị mất đi hay bị tác động tiêu cực bởi thời thiết khắc nghiệt. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi cha mẹ phải di cư để tìm việc làm, tỷ lệ trẻ em ít được quan tâm và bị xâm hại cũng như tỷ lệ bỏ học tăng lên. Việc di cư hoặc gián đoạn về nơi ở, trường học và các thói quen sinh hoạt thường ngày, có thể khiến trẻ em bị tổn thương về sức khỏe tâm thần hoặc tâm lý xã hội.

Nỗ lực của Chính phủ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNICEF Việt Nam cho biết, sự trợ giúp bằng tiền mặt là nền tảng cốt lõi của hệ thống bảo trợ xã hội có lồng ghép rủi ro thiên tai dành cho người dân chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Có những cơ sở pháp lý và tài chính vững chắc để đảm bảo đất nước tiếp tục đầu tư cho trẻ em ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng – trợ giúp bằng tiền mặt có thể giúp ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học, thiếu các dịch vụ y tế thông thường, thiếu ăn, có nguy cơ bị bạo lực; đồng thời đảm bảo một thế hệ lực lượng lao động có sức khỏe và tay nghề cao.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Đề án Đổi mới và Phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 với tầm nhìn đến 2030” (MPSARD), trong đó bao gồm cả trợ giúp thường xuyên và trợ giúp đột xuất.

Đáng chú ý là Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đã công nhận tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia ký kết một số thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan, bao gồm Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững – các chương trình này đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của con người và môi trường.

Các mục tiêu phát triển bền vững mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phấn đấu thực hiện, có liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, liên quan tới các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, sức khỏe và giáo dục. Việc đạt được các mục tiêu sẽ là một đóng góp lớn hướng tới việc thực hiện các quyền trẻ em.

Kể từ khi ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002, Việt Nam đã có những hành động tích cực về vấn đề biến đổi khí hậu với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về biến đổi khí hậu vào năm 2008. Kể từ đó, hai chiến lược – Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NSCC) và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NSGG) – đã được xây dựng; ba bộ luật đã được ban hành, nhiều chương trình và văn bản chính sách đã được thực hiện.

Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, là cơ quan liên bộ cấp cao nhất của Chính phủ về biến đổi khí hậu. Ủy ban do Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, bao gồm đại diện từ các bộ chủ chốt chịu trách nhiệm về phúc lợi của trẻ em như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm để thiếu nhi trở thành trọng tâm trong các quyết sách về chống biến đổi khí hậu có liên quan đến trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ ràng quyết tâm hành động ngay từ hôm nay để thế hệ tương lai có cơ hội được sống trong một môi trường an toàn, trong lành.

Trần Quang Vinh (TTXVN)

Nguồn Báo Tin Tức 

https://baotintuc.vn/xa-hoi/gin-giu-suc-khoe-moi-truong-de-bao-ve-suc-khoe-tre-em-20220601081413552.htm


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu