Gìn giữ nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống người Mông Hoa

10:14 | 19/11/2022

Không bị ảnh hưởng bởi những trang phục hiện đại, tại thôn Khuổi Khít – bản người Mông Hoa (xã Kiến Thiết, Yên Sơn, Tuyên Quang), những bộ váy áo truyền thống rực rỡ màu sắc vẫn được bà con sử dụng hàng ngày.


Với người Mông Hoa nơi đây, trang phục là của cải gia truyền, là nét văn hóa đặc sắc lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Người Mông Hoa, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) phơi váy áo truyền thống. 

Khuổi Khít là thôn vùng sâu, vùng xa nhất của xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn) với 52 hộ là người Mông Hoa. Ông Giàng Minh Phong, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Khít cho biết, việc bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống được bà con  quan tâm, thực hiện. Phụ nữ Mông Hoa ở đây vẫn tự tay làm trang phục cho mình và người thân. Từ việc cắt, khâu, phối màu sắc, tạo hình, vẽ sáp ong, thêu hoa văn…, phụ nữ Mông Hoa vừa là người sáng tạo, làm nên nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống vừa là người gìn giữ và trao truyền tinh hoa của dân tộc cho những thế hệ sau.

Bà Cù Thị Triệu, người Mông Hoa, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) thực hiện kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống.

Bà Cù Thị Triệu (62 tuổi) là một trong những người làm váy áo giỏi nhất ở Khuổi Khít. Dù đã nhiều tuổi nhưng bà Triệu vẫn rất dẻo tay thêu và ghi nhớ tất cả công đoạn làm nên bộ trang phục truyền thống. Bà Triệu chia sẻ, tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật như: vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu, ghép vải và phối màu. Sau khi thêu xong, những bộ phận riêng biệt sẽ đến bước chắp ghép hoa văn, tạo sóng và cuối cùng là chắp may. Người Mông Hoa thường dùng chỉ thêu màu đỏ, hồng, vàng cam, xanh lá mạ; trong đó, màu đỏ tươi là chủ đạo. Các họa tiết hoa văn dùng để trang trí trang phục cũng rất đa dạng (như: hình bông hoa, ô chéo, chữ nhật, ô vuông, chữ thập) nhưng được sử dụng nhiều nhất là hình chữ nhật xen kẽ những dải hoa thêu lớn và đường thêu rích rắc hình đồi núi. Bà Triệu cho biết, trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh. Nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách trang trí, tạo hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

Theo quan niệm của người Mông, con gái phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Người phụ nữ giỏi may, thêu sẽ được đề cao, tôn trọng. Đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ. Chính vì vậy, trẻ em gái người Mông Hoa ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để khi lấy chồng sẽ may được những chiếc váy làm của hồi môn.

Đang thêu hoa lên chiếc yếm trước cho bộ váy của mình, em Giàng Thanh Thùy (15 tuổi) cho biết, từ khi 10 tuổi, em được bà nội và mẹ dạy từ cách cầm kim, chọn chỉ thêu, đưa những mũi kim đầu tiên đến những đường thêu đơn giản. Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em lại học chấm sáp ong, thêu hoa văn. Em đã tự thêu được hoa văn lên váy áo cho mình. Trong tương lai, em muốn học thêm chắp may để có thể tự tay hoàn thiện bộ trang phục truyền thống của dân tộc.

Bà Cù Thị Triệu, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) dạy các cháu gái kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. 

Em Giàng Tiểu My (12 tuổi) háo hức chia sẻ, các bạn của em ở trong thôn đều cố gắng học thêu và tự biết thêu váy, áo cho mình để mặc trong ngày tết hay mỗi dịp lễ hội. Em sẽ cố gắng học thêu giỏi để sau này còn truyền lại cho thế hệ sau.

Ông Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết thông tin, toàn xã có hơn 400 hộ dân tộc Mông với trên 2.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10/17 thôn. Tháng 8/2022, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, động lực để người Mông Hoa tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản.

Người Mông Hoa, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) phơi váy áo truyền thống. 

Theo ông Ma Ngọc Trân, thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và người Mông Hoa nói riêng; đặc biệt, vận động những phụ nữ có kinh nghiệm trong các thôn, bản người Mông Hoa truyền dạy lại các kỹ thuật trang trí hoa văn lên trang phục truyền thống cho con em trong gia đình, cho trẻ em gái trong bản. Cùng với đó, tại mỗi thôn, bản sẽ thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống để góp phần gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán, các làn điệu múa, hát truyền thống… của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Bài và ảnh: Vũ Quang (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/gin-giu-nghe-thuat-theu-hoa-van-tren-trang-phuc-truyen-thong-nguoi-mong-hoa-20221119072811452.htm

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng