Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Cờ Lao đỏ – Bài 1: Những giá trị tồn tại hàng trăm năm

9:20 | 11/10/2022

Từ nhiều đời nay, người Cờ Lao đỏ (Hà Giang) đã sinh sống ở những bản làng bên sườn dãy Tây Côn Lĩnh. Là dân tộc rất ít người, trải qua thời gian, những giá trị văn hóa cốt lõi của người Cờ Lao đỏ tại Hà Giang đã có sự thay đổi, nhiều nét đẹp truyền thống được gìn giữ, bảo tồn từ đời này qua đời khác, nhưng cũng có không ít đặc trưng đã bị mất đi, phai mờ theo thời gian.


Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết về công tác bảo tồn những đặc trưng, nét đẹp văn hóa của người Cờ Lao đỏ tại Hà Giang.

Già làng Min Phà Kháy giới thiệu về những nghi thức cúng lễ miếu Hoàng Vần Thùng. 

Bài 1: Những giá trị tồn tại hàng trăm năm

Đồng bào dân tộc Cờ Lao nói chung của Việt Nam theo tổng điều tra dân số năm 2019 có khoảng trên 4.000 người; trong đó, người Cờ Lao đỏ sinh sống tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) hiện có khoảng hơn 1.000 người với 202 hộ. Đặc biệt, đồng bào Cờ Lao đỏ tại đây sinh sống tập trung ở một số thôn của xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì và còn lưu giữ được nhiều nét riêng từ đời này sang đời khác.

Cuộc thiên di lớn trong lịch sử

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân, nguồn gốc của người Cờ Lao nói chung và người Cờ Lao xã Túng Sán nói riêng đã được đề cập nhiều trong thư tịch cổ và các tài liệu ghi chép; đặc biệt là các chi tiết từ cuốn gia phả của gia tộc ông Min Hùng Sài cũng như những bài cúng của các thầy cúng trong những dịp lễ tết. Hầu hết các tài liệu đều cho thấy, các họ người Cờ Lao xã Túng Sán có nguồn gốc từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Tương truyền, vào cuối thế kỷ XIX, chiến tranh liên tục xảy ra làm mất mùa, đất đai bạc màu, nên thời vua Đồng Trị thứ 3 đã cho phép các tộc họ người Cờ Lao đi các nơi để kiếm sống, lập nghiệp. Quá trình thiên di được diễn ra thành nhiều đợt. Dẫn đầu đoàn người thiên di sang định cư ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì, Hà Giang) khi đó là một người đàn ông tên Chảo Lù Chín với 7 hộ gia đình của 7 họ gồm: Trảo, Min, Sú, Cáo, Giàng, Ly và họ Vương. Trải qua nhiều đời, người Cờ Lao đỏ vẫn sinh sống trên mảnh đất Túng Sán nhưng vì số lượng quá ít và trải qua biến thiên lịch sử nên chỉ còn 5 dòng họ là: Trảo, Min, Sú, Cáo và Vương.

Cũng theo ông Trần Chí Nhân, mặc dù ý thức về nguồn gốc tộc người đã có phần mờ nhạt do thời gian nhưng trong tiềm thức của người Cờ Lao nói chung vẫn còn lưu giữ một số dấu vết. Biểu hiện rõ nét nhất là các bài cúng trong tang lễ có chi tiết đưa hồn người chết về Quý Châu – tức là nơi phát tích của người Cờ Lao, hoặc trong một số bài dân ca cổ cũng nhắc đến chi tiết này.

Ông Min Phà Kháy (thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán) là già làng có uy tín tại địa phương. Ông Kháy cho rằng, đồng bào Cờ Lao đỏ lập nghiệp tại đất này cũng đã được 16 đời người. Tính đến nay là được khoảng hơn 200 năm. Đồng bào Cờ Lao có nhiều nhóm người như: Cờ Lao đỏ, Cờ Lao trắng và Cờ lao xanh. Cách gọi như này căn cứ theo trang phục cổ của người Cờ Lao. Bà con sinh sống tại xã Túng Sán thuộc nhóm Cờ Lao đỏ.

Những dấu tích hàng trăm năm

Từ bao đời nay, người Cờ Lao đỏ xã Túng Sán vẫn truyền từ đời này qua đời khác bộ trang phục cổ được cho là đã tồn tại 16 đời người. Họ lưu giữ như báu vật của dân tộc; mỗi năm chỉ được sử dụng vài lần ở những dịp quan trọng như cúng lễ, làm ma khô…

 

 Chị Min Thị Nguyệt giới thiệu về bộ váy áo cổ.

Chị Min Thị Nguyệt (thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì) cho biết, bộ váy cổ này được dệt từ vải lông cừu với màu sắc chủ đạo là màu đỏ; đây là căn cứ để người Cờ Lao ở Túng Sán sau này chứng minh nguồn gốc là người Cờ Lao đỏ. Theo chị Min Thị Nguyệt, bộ váy cổ được dòng họ Min gìn giữ để con cháu sau này biết đến và học may theo. Đây cũng là bộ váy cổ nhất mà người Cờ Lao đỏ giữ được cho tới ngày nay.

Ngoài việc ý thức giữ gìn những nét riêng về hiện vật, người Cờ Lao đỏ ở Túng Sán cũng luôn coi trọng việc thờ cúng tâm linh; đây cũng là cách thế hệ trước răn dạy thế hệ sau biết đến nguồn cội, tổ tiên. Khi tổ chức cúng tế, người Cờ Lao xã Túng Sán có 2 nơi cúng cố định, đó là bàn thờ của các gia đình để cúng ma tổ tiên (vào các ngày thanh minh, Rằm tháng 7 âm lịch) và tại miếu của làng (được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm) cúng thần Hoàng Vần Thùng – được coi như Thành Hoàng của tộc người Cờ Lao.

Theo truyền thuyết của người Cờ Lao xã Túng Sán, Hoàng Vần Thùng là người có công khai thiên lập địa và giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Vì vậy, ông được coi như vị Thành Hoàng của các tộc họ người Cờ Lao. Để tưởng nhớ công ơn của ông, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, các tộc họ người Cờ Lao đều tổ chức cúng tế tại miếu. Theo già làng Min Phà Kháy, miếu thờ Hoàng Vần Thùng đã tồn tại qua 16 đời người, là chỗ dựa tâm linh cho nhân dân nơi đây. Mọi người cứ có việc gì cũng đều đến đây làm lễ, cầu mong nhận được sự che trở, phù hộ của bề trên.

Bên trong 4 bức tường đất đã bạc màu, những vết nứt thời gian dần xuất hiện theo năm tháng, 5 ban thờ được người Cờ Lao đỏ bày biện trang nghiêm. Ban thờ đầu tiên – Sơn Vương Thiên Tử, người Cờ Lao đỏ thờ phụng với mong muốn cầu mùa màng tốt tươi; ban thứ 2 thờ ông Hoàng Vần Thùng, đến ban thứ 3 thờ người lập ra miếu, ban thứ 4 thờ Bồ Tát với mong muốn cầu con cái và ban cuối cùng thờ Nương Nương cầu khẩn sự bình an, chăn nuôi thuận lợi…

Vào ngày Thìn đẹp nhất của tháng 7 âm lịch, bà con Cờ Lao tại đây lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng. Mọi người góp lợn, gà, bánh dày, bánh chưng, đậu phụ, bánh kẹo… để dâng lễ; sau đó cùng nhau thụ lộc ngay gian chính của ngôi miếu. Những chén rượu nồng được rót ra cùng những câu chuyện về gia đình, mùa màng khiến bữa cơm thêm tình đoàn kết, gắn bó.

Bài 2: Một số nét đặc trưng bị mai một

Bài và ảnh: Nam Thái (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/gin-giu-net-dep-van-hoa-nguoi-co-lao-do-bai-1-nhung-gia-tri-ton-tai-hang-tram-nam-20221011082808500.htm

Cùng chuyên mục

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”

Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế ra mắt Câu lạc bộ doanh nghiệp tại Hà Nội

Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế ra mắt Câu lạc bộ doanh nghiệp tại Hà Nội

Trường THPT Lê Thánh Tôn tổ chức trọng thể Lễ giỗ vua Lê Thánh Tôn lần thứ 527 (1497-2024)

Trường THPT Lê Thánh Tôn tổ chức trọng thể Lễ giỗ vua Lê Thánh Tôn lần thứ 527 (1497-2024)