Vào ngày 30 Tết, người Việt thường mua lá mùi già về đun nước tắm – phong tục này đã trở thành truyền thống từ xưa và được lưu giữ đến ngày nay.
Hàng năm, theo tục lệ của Tết cổ truyền, người Việt lại mua lá mùi già về đun nước tắm trong ngày 30 Tết. Điều này đã trở thành một phong tục đẹp và là nét văn hóa mỗi dịp Tết đến xuân về.
Không ai biết tục này ra đời từ bao giờ nhưng theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, tục tắm Tất niên có ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Trong tâm thức của người Việt xưa, tắm nước lá mùi già sẽ xua đi những điều không may mắn của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Tục tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết là truyền thống từ xưa và được lưu giữ đến ngày nay
Nhưng không chỉ có vậy, tắm nước lá mùi già ngày cuối năm còn đem lại những lợi ích về sức khỏe. Theo các thầy thuốc Đông y, rau mùi ta có vị cay, tính ôn, thơm, có thể sử dụng tất cả các bộ phận để làm thuốc.
Nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng cho thấy, cây rau mùi có chứa tinh dầu với thành phần chính là coriandrol, chiếm đến 70%, hàm lượng caroten (tiền vitamin A) trong lá. Hàm lượng này cao gấp 10 lần cà chua, dưa chuột; ngoài ra hàm lượng canxi, sắt cũng cao hơn những loại rau khác.
Lý giải việc người Việt tắm nước lá mùi già trong ngày cuối cùng của năm cũ, các thầy thuốc Đông y cho rằng, hương thơm của rau mùi có tác dụng chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe, mùi hương dễ chịu.
Ngoài ra, tinh dầu rau mùi có ích cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng, làm dịu cơn đau cơ. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.
Thông thường, để có một nồi nước thơm tắm cho cả nhà, cây mùi được chọn sẽ là mùi già, được nhổ cả rễ, rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Không cần cho quá nhiều rau mùi, nồi nước tắm vẫn có một mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu.
Mặc dù tắm nước lá mùi già đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng theo chuyên gia Đông y, khi dùng cũng cần thận trọng. Những người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.
Việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần được hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
Ngoài ra, không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh. Người dân cũng không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.
Tục tắm nước lá mùi già nhằm xua đi những chuyện không hay, những bụi trần trong suốt 1 năm để đón năm mới. Nhiều người còn mua lá mùi về đun ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới vì mùi rất thơm.
Như vậy, mỗi người có một cách dùng lá mùi già ngày Tết khác nhau, nhưng đều mong muốn rửa sạch những điều xấu của năm cũ và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn.
Thế Vũ
Nguồn Báo điện tử Công Luận