Giá đất Thủ Thiêm bị ảnh hưởng ra sao nếu các doanh nghiệp đồng loạt bỏ cọc?

16:16 | 11/02/2022

Theo các chuyên gia, giá đất không chỉ tăng ảo, mà thị trường chứng khoán, tài chính tiền tệ… cũng chịu nhiều tác động xấu từ cuộc đấu giá, doanh nghiệp bỏ cọc tại Thủ Thiêm trong thời gian qua.


Cục Thuế TP. HCM mới đây đã có văn bản nhắc nhở Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega nộp tiền vì đã quá hạn đóng 50% tiền mua các lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM).

Hai trong 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm đã “quay xe”.

Trước đó, sau Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh đã gửi văn bản xin rút khỏi đầu tư dự án tại lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1 m2). Theo doanh nghiệp này, do tình hình Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên không đủ vốn để tiếp tục đầu tư.

Lô đất 24.500 tỷ đồng bất thành, nhưng giá căn hộ có thể lên đến 400-600 triệu đồng/m2

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, trường hợp tất cả doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đều bỏ cọc hết, thị trường vẫn sẽ nhìn nhận nơi đây là điểm đầu tư hấp dẫn.

“Kết quả đấu giá đã tạo ra một tâm chấn về giá trị của bất động sản Thủ Thiêm. Câu chuyện lô đất 24.500 tỷ đồng không thành nhưng giá căn hộ có thể lên đến 400-600 triệu đồng/m2 là có thật. Thực tế, giá bất động sản ở tất cả phân khúc đã tăng hơn 10% so với 3 tháng trước”, vị chuyên gia chỉ ra.

Theo ông Quang, thị trường sẽ xem mức giá được đưa ra vừa qua là mức giá trần, dù đây là mức rất cao. Song, trường hợp các doanh nghiệp tiếp tục đóng tiền đúng theo quy định và phát triển dự án, thị trường sẽ xem đó là mức giá sàn để tiếp tục nâng lên.

Ông Trần Khánh Quang cho rằng, việc các doanh nghiệp bỏ cọc làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế.

Song, điều này cũng lại tác động tích cực vì sẽ hạn chế nguy cơ bong bóng và cơn sốt bất động sản ở nhiều địa phương.

Biến việc đấu giá như một “trò đùa”

Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc các doanh nghiệp bỏ cọc khiến thị trường bất động sản tăng giá đột biến. Song, thị trường dù nóng lên nhưng lại trì trệ, thậm chí khó kinh doanh. Bởi, người bán sẽ tiếp tục kỳ vọng thị trường tăng thêm, trong khi người mua cẩn trọng hơn trong việc xuống tiền trước mức giá cao.

Cùng với đó, giá trị cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ xảy ra tình trạng tăng ảo, khả năng tạo ra “bong bóng”. Khi “xẹp” xuống, không chỉ cổ phiếu bất động sản mà các cổ phiếu khác trên thị trường cũng “xẹp” theo, trước hết là cổ phiếu của người cho vay – các ngân hàng. Từ đó, sẽ tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

“Nếu các doanh nghiệp thổi giá lên để đảm bảo cho khoản vay thì rõ ràng họ đang vay khống. Giá là 1, họ chỉ được vay tối đa 0,7. Nhưng khi họ thổi giá lên 8 lần thì họ vay được đến 5,6. Từ đó, rủi ro không thu hồi được nợ của người cho vay là rất lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu.

Ở phương diện khác, việc tăng giá đất cũng sẽ tác động xấu đến việc giải phóng, đền bù mặt bằng sau này.

Vị chuyên gia đánh giá, tình trạng các doanh nghiệp bỏ cọc khiến cho đấu thầu từ một việc rất đúng đắn, được kỳ vọng sẽ mang đến những giá trị đích thực cho thị trường bất động sản lại trở nên không còn ý nghĩa, như một “trò đùa”.

Trường hợp các doanh nghiệp đều bỏ cọc phải tiến hành đấu giá lại. Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, đây là một thất bại cho cuộc đấu giá lần trước cũng như uy tín của cơ quan tổ chức đấu giá, thẩm định giá. Tính nghiêm minh, tính pháp luật của các cuộc đấu giá cũng bị “thách thức”.

Trước thực trạng trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng trước hết cần thay đổi nhận thức trong việc thẩm định giá tài sản, đất đai trong nền kinh tế nhằm đảm bảo mức giá đưa ra đấu tương xứng với giá thị trường.

Thứ hai, cần chấn chỉnh lại các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là Luật Đấu thầu; các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của người tham gia đấu thầu…

Thứ ba, đối với nhà đầu tư, đừng nhìn vào giá trị mà doanh nghiệp đưa ra mà hãy nhìn vào thực tiễn, năng lực của người phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

“Sự việc lần này cho chúng ta những bài học rất thực tế trong hoạt động đấu giá thị trường bất động sản ở Việt Nam. Không chỉ ở Thủ Thiêm, hoạt động đấu giá ở các khu vực khác như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh đều đã xảy ra chuyện này, nhưng chưa thành vấn đề lớn vì giá trị nhỏ”, ông Thịnh nêu.

Theo Công luận

https://congluan.vn/gia-dat-thu-thiem-bi-anh-huong-ra-sao-neu-cac-doanh-nghiep-dong-loat-bo-coc-post180875.html

Cùng chuyên mục

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu