Thư viện không chỉ là “địa chỉ đỏ” thu hút mọi người đến để đọc sách mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt.
Thư viện công cộng New York (Mỹ)
Phòng đọc sách Hoa hồng là một phần thuộc Thư viện công cộng New York có chiều dài tương đương hai khu phố, tọa lạc ở đại lộ số 5, thành phố New York (Mỹ).
Một trong những điểm độc đáo ở thư viện này chính là các bức họa khổng lồ trên trần cao 16m mô tả những đám mây đang lững lờ trôi trên bầu trời giúp độc giả cảm thấy thoải mái khi ngước mắt nhìn lên phía trên.
Phòng đọc này được mở cửa trở lại phục vụ người dân vào tháng 10/2016 sau đợt trùng tu lớn tiêu tốn hơn 12 triệu USD. Đây là một trong những thư viện có quy mô lớn nhất nước Mỹ, và là nơi lưu giữ hơn 20 triệu đầu sách đủ các thể loại.
Thư viện công cộng New York. Ảnh: nyclovesnyc |
Thư viện Quốc gia Áo
Thư viện Quốc gia Áo có một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ bởi với sự xuất hiện từ thời Trung cổ (thế kỷ XIV).
Cuốn sách cổ nhất mang tên “The Gospel book” của Johannes von Troppau vẫn có thể được tìm thấy trong thư viện ngày nay, đã xuất hiện trong thư viện này từ năm 1368.
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với sự phát triển của đất nước, Thư viện Quốc gia Áo đã trở thành một biểu tượng quan trọng của Cộng hòa Áo.
Thư viện Quốc gia Áo. Ảnh: Lemiapp |
Thư viện của Celsus (Thổ Nhĩ Kì)
Thư viện cổ đồng thời cũng là thư viện lớn thứ 3 thế giới cổ đại gây ấn tượng với những giá trị thẩm mỹ, kiến trúc độc đáo cùng những cuốn sách quý giá.
Thư viện của Celsus thực chất là một công trình kiến trúc La Mã cổ đại tọa lạc ở vùng Ephesus, Aegean, Thổ Nhĩ Kì ngày nay. Đây cũng chính là món quà quý của con trai Gaius Iulus Aquila dành tặng cho cha mình là Quan chấp chính Tiberius Iulius Celsus Polemaeanus, một thành viên của Viện Nguyên Lão Hy Lạp cổ đại.
Ra đời vào khoảng năm 110, cha đẻ của công trình kiến trúc này là kiến trúc sư La Mã Vitruoya. Thư viện có cấu trúc đồ sộ lát đá cẩm thạch với sự hiện diện của những chữ viết Hy Lạp và La Tinh tái hiện lại đời sống vàng son một thời của triều đại Celsus.
Thư viện của Celsus .Ảnh: skaman306/Moment/Getty Images |
Thư viện Suzzallo thuộc Đại học Washington (Mỹ)
Suzzallo là thư viện trung tâm của Đại học Washington, Mỹ, được đặt tên theo ngài Henry Suzzallo, cựu chủ tịch của Đại học Washington.
Theo tạp chí kiến trúc danh tiến Architectural Digest thì thư viện Suzzallo được hai kiến trúc sư Carl F. Gould Sr. và Charles H. Bebb thiết kế theo phong cách Gothic cổ kính. Các bức tường bên trong được trang trí bằng đá đúc tinh tế cùng hệ thống giá sách làm bằng gỗ sồi
Phòng đọc tại Thư viện Suzzallo thuộc Đại học Washington. Ảnh: Katherine B. Turner |
Thư viện công cộng Stockholm (Thụy Điển)
Thư viện công cộng Stockholm được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Gunnar Aspund.
Điểm nhấn của thư viện là Hội trường chính, được thiết kế thành một phòng đọc hình tròn nằm bên dưới mái nhà màu trắng như một đám mây lớn. Đây cũng là thư viện đầu tiên ở Thụy Điển có các kệ sách mở để du khách tự do tìm kiếm tài liệu mà không cần sự hỗ trợ của nhân viên như vẫn thường thấy ở các thư viện khác.
Thư viện công cộng Stockholm. Ảnh: alxpin/istockphoto |
Thư viện trung tâm Calgary (Canada)
Thư viện trung tâm Calgary được thiết kế bởi các kiến trúc sư tài ba đến từ Na Uy cùng các bậc thầy kiến trúc bản địa.
Đây là một công trình công cộng quan trọng của thành phố có diện tích 22.300m2 nhằm phục vụ cho việc đọc, học tập và gắn bó với nhau của cư dân thành phố và du khách thập phương.
Điểm nhấn độc đáo của thư viện chính là các bức tường được ốp gỗ tuyết tùng đỏ tạo thành những đường cong dẫn tuyến ở khu vực phía trên cổng vào. Hệ đèn được viền sát tường gỗ càng tô đậm hình khối, làm nổi bật những chi tiết ẩn dấu và khiến không gian trở nên ấm cúng và thanh thoát hơn.
Thư viện trung tâm Calgary. Ảnh: jewhyte/istockphoto |
Thư viện công cộng thành phố Stuttgart (Đức)
Được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Đức gốc Hàn Quốc Yi Eun-Young, kiến trúc của thư viện thành phố Stuttgart chịu ảnh hưởng của đền Pantheon cổ ở Rome với nhiều tầng và mái vòm lớn giúp cung cấp ánh sáng tự nhiên cho tòa nhà.
Ngoài việc phục vụ những “con mọt sách” thứ thiệt, nơi đây cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra các buổi ký tặng sách và triển lãm tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, kiến trúc của thư viện này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi trong công chúng.
Một số người cho rằng, đây là một trong những ví dụ của sự sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cho rằng, màu trắng và bạc được phủ khắp tư viện này không phù hợp với cây xanh và những ngôi nhà mái đỏ trong thành phố. Mặc dù vậy, thư viện Stuttgart vẫn là một trong những kiến trúc đáng chú ý nhất của thành phố Stuttgart.
Thư viện công cộng thành phố Stuttgart. Ảnh: Mlenny/istockphoto
Tổng hợp |