Đời lính của “Tướng quân âm nhạc” Đức Trịnh gắn liền với sông nước Cửu Long, tuy quê hương anh ở tỉnh trung du Bắc Giang, năm 1974 khi 16 tuổi, cùng trai làng náo nức lên đường ra mặt trận, anh đã “man khai” thêm hai tuổi để được lên đường. Đức Trịnh trở thành người lính Trung đoàn 1 Sư đoàn 330 chiến đấu ở chiến trường Nam bộ tham gia giải phóng miền Nam và sau đó làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh.
Đồng đội đều khen anh là một người lính chiến đấu rất dũng cảm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh trở lại miền sông nước Cửu Long, về công tác tại Nhà văn hóa quân khu 9, rồi được cử ra “bồi dưỡng hạt nhân” tại Trường Nghệ thuật quân đội và Học viện Âm nhạc Quốc gia. Anh trở thành người thầy giảng dạy tại trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, được Quân đội tin cậy trao nhiệm vụ là Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, quân hàm Thiếu tướng. Năm 2022, vị nhạc sĩ tướng quân này trở thành Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Có thể nói miền sông nước Cửu Long gắn liền với tuổi trẻ chiến đấu và hát ca của Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh. Đấy cũng được kể là những năm tháng tươi đẹp nhất của anh. Những kỷ niệm miền sông nước, rừng đước rừng tràm, bà con Nam bộ thân thương để lại cho anh nhiều kỷ niệm sâu nặng, và rồi đi vào âm nhạc của anh rất đậm nét, giàu xúc cảm, làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Đức Trịnh. Tôi thấy ít người, nhất là các chiến sĩ không thuộc, không hát những bài hát hay của anh như “Miền xa thẳm”, “Ước mong người lính”, “Tình yêu người lính”…
Anh tâm sự về các bài hát này:
Tôi viết nhiều về đề tài người lính. Tôi cũng tự nhận thấy thế mạnh của mình là đề tài chiến tranh Cách mạng bởi hầu hết tác phẩm đạt giải thưởng của tôi đều về lĩnh vực này. Trong cuộc đời một nhạc sĩ, để lại trong lòng công chúng một vài bài đã là hạnh phúc rồi. Trước đây tôi có “Miền xa thẳm”, “Tình yêu người lính”, “Ước mong người lính”.
Trong bài “Mưa xuân” không có chữ “lính” nào nhưng người nghe vẫn có cảm giác đó là một người lính xa nhà, được trở về Hà Nội, cảm nhận những giọt mưa mùa xuân vương trên mái tóc. Đấy chính là cuộc đời lính của tôi sau 10 năm xa Hà Nội. Hoặc trong bài “Cảm ơn mẹ”, cũng không có chữ “lính” nào, nhưng đầy chất lính, với những ca từ như “Con… cảm ơn mẹ, đã sinh con ra từ câu hát/ Ngọt ngào lời ru quê hương ta”. Chính với tác tác phẩm xuất sắc này, Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh đã nhận được nhiều giải thưởng lớn: Các giải A, B, C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào các năm 1994 – 2009, Giải A giải thưởng Văn học-Nghệ thuật của Bộ Quốc phòng Việt Nam (1994-1999), (2014-2019, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2012.
Miền sông nước Cửu Long gắn liền với tuổi trẻ chiến đấu và hát ca của Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh.
Hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nam bộ với cả một thời thanh xuân dũng cảm, tài hoa và ân tình, Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh đã có với mảnh đất này nhiều bài hát hay, cả những bản giao hưởng lớn như Giao hưởng “Tượng đài vô danh”, là một tác phẩm mà anh rất tâm huyết, gửi gắm trong đó là cả trái tim anh, những tình cảm, sự tri ân với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, quê hương, tình cảm với bạn bè, đối với người thân yêu nhất, đối với học trò”. Đó là giao hưởng viết cho dàn nhạc, với một trình độ nghệ thuật cao, điêu luyện, đầy đủ 4 quãng, với hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn như lời giáo sư Chu Minh đã có lúc nhận xét với người viết bài này:
Những ngày vừa qua, chúng tôi mới được gặp lại Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cùng Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào công tác tại các tỉnh phía Nam, hỗ trợ và tư vấn cho các Đoàn nghệ thuật Quân khu chuẩn bị Hội diễn nghệ thuật Toàn quân. Điều làm chúng tôi hết sức cảm kích là sức làm việc, sức sáng tạo nghệ thuật của các anh – Những cánh chim đầu đàn về âm nhạc của nước nhà hôm nay thật tuyệt vời.
Ngoài nhiệm vụ quản lý, tổ chức, các anh còn lao động, sáng tạo đầy say mê, đầy ý thức để tham gia vào những hoạt động nghệ thuật lớn của đất nước. Để hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025”, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 – 03/2/2030) và 85 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2030) của Bộ văn hóa Du lịch và thể thao phát động, cả hai nhạc sĩ đều có tác phẩm “tầm cỡ” đóng góp.
Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là Nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam” về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh là nhạc kịch “Đất anh hùng của thế kỷ 20” về chính miền đất Nam Bộ luôn sâu thẳm trong trái tim Thiếu tướng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhạc kịch “Đất anh hùng của thế kỷ 20” mang tầm vóc tư tưởng lớn, khắc họa hình ảnh rất thiêng liêng của Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn – những lãnh tụ thiên tài của Đảng trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Đây là lần đầu hình tượng Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn xuất hiện trên sân khấu Opera, một điều rất đáng trân trọng và biểu dương các tác giả. Ngoài ra, nhạc kịch cũng nhằm ngợi ca cách mạng miền Nam, ngợi ca các lực lượng vũ trang miền Nam do Đảng ta thành lập và lãnh đạo, đặc biệt ngợi ca Tổng bí thư Lê Duẩn, – người con của miền Nam yêu quý, người từng nhiều năm là Bí thư Xứ Ủy Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, thay mặt Bộ chính trị và Bác Hồ chỉ đạo cách mạng miền Nam vững vàng đi lên, và sau này trên cương vị Tổng bí thư, đã góp công lớn thực hiện sứ mệnh Giải phóng Miền Nam thống nhất nước nhà..
Ngọc Mai cùng Nhóm ca bè Nhạc viện TP, Dàn nhạc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen biểu diễn ca khúc “Bích La – quê mẹ yêu thương” (thơ Triệu Phong, nhạc Trần Hữu Bích)
Chúng tôi được biết nhạc kịch “Đất anh hùng của thế kỷ 20” là mong muốn của Đoàn trưởng năng động Đoàn nghệ thuật QK7- Thượng tá NSƯT Nguyễn Xuân Hùng và các nghệ sĩ Đoàn quân khu 7. Cùng tham gia xây dựng Nhạc kịch với nhạc sĩ Thiếu tướng Đức Trịnh – phụ trách sáng tác phần Âm nhạc và Kịch bản âm nhạc, và kịch bản văn học do đồng chí Lê Khánh Hưng phối hợp với nhà báo Triệu Phong thực hiện.
Đồng chí Lê Khánh Hưng là cháu nội cố Tổng bí thư Lê Duẩn, hiện là một Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng (T78). Đồng chí Lê Khánh Hưng cũng là người đã tổ chức và chỉ đạo nội dung chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại Nhà hát TP HCM vừa qua, được ba thế hệ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước khác đến xem và hết sức khen ngợi. Đồng chí Lê Khánh Hưng cũng là tác giả lời thơ đã cùng các nhạc sĩ Ngọc Khuê, Hữu Xuân, Quỳnh Hợp… viết nên nhiều bài hát hay về đồng chí Lê Duẩn được công chúng yêu thích.
Thật ý nghĩa tới đây, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm Đất nước thống nhất, 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam có nhạc kịch “Đất anh hùng của thế kỷ 20” với một tầm vóc lớn của nhạc kịch Việt Nam, là một sự giao duyên thú vị và ý nghĩa giữa Tướng quân âm nhạc Đức Trịnh và cán bộ Đảng Lê Khánh Hưng, lại do một đoàn nghệ thuật rất có truyền thống của Nam Bộ từ những năm kháng chiến và nay mang tầm vóc một Nhà hát nghệ thuật lớn là Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 biểu diễn…
Trương Nguyên Việt
Nguồn tin: https://arttimes.vn/am-nhac/gap-thieu-tuong-nhac-si-duc-trinh-noi-mien-song-nuoc-cuu-long-c16a35699.html