Tại các đình, đền, miếu, chùa không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi lễ rải tiền lẻ vô tội vạ, đốt vàng mã nghi ngút, ‘dẫm đạp’ chen chân để khấn vái, càng vận hạn đen đủi càng mâm cao cỗ đầy.
Với suy nghĩ ‘trần là sao, âm là vậy’ nên có rất nhiều người đi lễ chùa hiện nay sử dụng tiền lẻ để ‘lót tay’ thần phật, hy vọng những ước nguyện của mình sớm được thần phật đáp ứng. Có lẽ vì ở chốn dương gian, mỗi khi gặp chuyện người ta hay sử dụng phong bì để ‘bôi trơn’ nên nhiều người nghĩ với thần phật cũng phải như vậy.
Với suy nghĩ nông cạn rằng ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’ nên những hình ảnh nhét tiền lẻ vào tượng phật không hề hiếm gặp. Thậm chí những chỗ nào có khe hở là có tiền lẻ nhét vào. Quanh các điện thờ đều có thể thấy vô vàn là tiền lẻ.
Nhiều lễ hội trở nên tạp nham, hỗn loạn cũng bởi sự ‘buôn thần, bán thánh’ ngay giữa ban ngày. Người đi lễ thì ra sức đút, nhét tiền lẻ vào tay phật, thần phật cũng chỉ biết cắn răng mà chịu, muốn từ chối cũng không được. Những hình ảnh như vậy vừa phản cảm, lại vừa đi ngược lại giáo lý nhà phật. Nếu thần phật mà độ trì cho người đó ăn nên làm ra thì chẳng phải thần phật cũng hùa theo, ham hố những đồng tiền lẻ kia sao?
Hối lộ bằng tiền lẻ có vẻ chưa làm người ta yên tâm. Họ tiếp tục hối lộ bằng lễ vật. Người đi xin lộc thánh bưng mâm lễ vật chất thành ngọn che khuất cả mặt người. Từng mâm lễ được đặt dưới chân phật, từng tờ sớ được đọc lên, từ miệng kẻ đi xin phun ra những ước vọng lớn lao, mong ước tài lộc, công danh. Cuộc ngã giá, đề xuất với thánh thần ngay giữa nơi tôn nghiêm. Một sự giao kèo từ một phía không thể từ chối mà thần phật chính là hiện thân của những bức tượng vô tri. Từ xưa, đã ai thấy bức tượng nào phủi tay từ chối lễ vật. Chính người đi lễ đã ‘ép’ thánh thần trở nên dung tục, trở nên tầm thường và tham lam.
Rồi tiếp tục tới cuộc chạy đua của vàng mã, tiền âm phủ. Sự quá tải của vàng mã khiến nhà chùa phải hóa nhiều giờ. Số lượng tiền vàng khổng lồ như vậy thần phật nếu có sử dụng được cũng không biết đến bao giờ mới hết.
Từ nhiều năm qua, những hình ảnh phản cảm, bát nháo, hỗn loạn tại các khu di tích, danh thắng đã được báo chí, truyền thông phản ánh và kịch liệt phê phán nhưng có lẽ thói quen tùy tiện cầu xin, tùy tiện lễ bái đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Thật đáng tiếc khi nhìn những con người tham lam, mang tạp nham những thói quen đáng xấu hổ trên dương gian tới cửa phật.
Thiết nghĩ nếu thánh thần có thể lên tiếng, chắc chắn những kẻ mang những thói tham lam, ô tạp, ‘buôn thần bán thánh’ sẽ bị đuổi ra ngay khỏi cổng trước khi vào hành lễ. Bởi chiếu theo luật dân gian, người hối lộ và người nhận hối lộ đều có tội như nhau.
ĐT/VHVN