Với tình hình mới của dịch bệnh, chiến lược chống dịch của thủ đô hiện không tập trung quá nhiều vào ngăn chặn lây nhiễm, mà chuyển hướng sang điều trị sớm ca chuyển nặng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, ngày 4/3, Hà Nội lập kỷ lục mới hơn 21.000 ca bệnh trong 1 ngày. Theo đó, số ca mắc mới tại Hà Nội (4/3) là 21.396 ca bệnh, trong đó 8.870 ca cộng đồng và 12.526 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 532 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận trên dưới 1.000 ca/ngày như: Nam Từ Liêm 1.117 ca, Mê Linh 1.046 ca, Thanh Trì 1.023 ca, Thanh Xuân 944 ca, Quốc Oai 870 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 343.618 ca.
Theo các chuyên gia đánh giá, trong 2 tuần tới, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.
“Dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới, tạo áp lực cho y tế cơ sở”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho hay tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố ngày 27/2.
Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, giữa tháng 3 sẽ là thời gian đạt đến đỉnh dịch của Hà Nội. Tuy nhiên, rất khó để tính toán số ca thực sự khi lên đến đỉnh dịch sẽ có bao nhiêu ca bệnh/ngày.
Theo ông Nga, hiện tại con số thực tế ca mắc mới mỗi ngày tại Hà Nội lớn hơn nhiều, khi nhiều người có triệu chứng nên không xét nghiệm; có những trường hợp lại không khai báo khi mắc bệnh và thậm chí không liên hệ được với cơ sở y tế nên không được kiểm đếm.
Trong giai đoạn đỉnh dịch, ông Nga cho rằng, thống kê F0 sẽ không còn ý nghĩa. Hà Nội cần tập trung cho những ca bệnh nặng, những ca thở máy và ca tử vong. Khi người dân tiêm đủ vắc xin, không có triệu chứng thì không cần quan tâm ca nhiễm hàng ngày nữa.
Nói về việc Hà Nội đạt đỉnh dịch 2 tuần tới, PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, dù bước vào giai đoạn đỉnh dịch thì cũng chỉ nên tập trung vào người bệnh có triệu chứng để quản lý, phân tầng và điều trị sớm. Khi đó ngành y tế sẽ giảm thiểu được ca tăng nặng, ca chuyển tầng tại nhà.
Cũng theo ông Hải, chúng ta cũng cần đầu tư hơn nữa cho thuốc điều trị, phương tiện điều trị đặc trị trong bệnh viện để giúp làm giảm tỉ lệ tử vong.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, số lượng các trường hợp nặng, nguy kịch không quá cao, điều mà chúng ta có thể nhận thấy khi số tử vong không tăng vọt như số ghi nhận nhiễm. Đây có thể là kết quả từ các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian vừa qua bởi vắc xin tuy không ngăn được biến thể Omicron nhưng vẫn có tác dụng giảm thể nặng và tử vong.
Tâm lý chủ quan của người dân khi số nhiễm mới không giảm là điều đặc biệt nguy hiểm bởi COVID-19 không chỉ là vấn đề của quá tải y tế lúc mới mắc mà còn là vấn đề hậu COVID. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp dự phòng, giảm thiểu lây nhiễm và tuân thủ sự hướng dẫn trong điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ tổn thương hậu COVID sau này.
“Như vậy, cùng với việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch, các địa phương, đơn vị cũng cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng y tế trong việc sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người nhiễm COVID-19 chuyển nặng” – TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân; hướng dẫn người dân phòng, chống dịch thích ứng, linh hoạt; thường xuyên theo dõi, nắm rõ các trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng…
Yêu cầu Sở Y tế cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở giải quyết tình trạng quá tải; liên ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan nghiên cứu tăng cường sử dụng phần mềm quản lý F0 nhằm rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm…
Để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0; vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ… Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, F0 điều trị tại nhà chiếm 96% tổng ca nhiễm, số còn lại đang điều trị ở bệnh viện tầng 2 và 3. Tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước nhưng sắp tới có thể tăng (do F0 mới tăng nhanh), đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị thêm giường bệnh.
Chiến lược chống dịch của thủ đô hiện không tập trung quá nhiều vào ngăn chặn lây nhiễm, mà chuyển hướng sang điều trị sớm ca chuyển nặng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong. Để tránh việc quá tải, Hà Nội đã hạ tầng điều trị F0 theo tiến triển bệnh.
Theo Công luận