Đồng Nai trả lại hai nhịp cầu Ghềnh cho Bộ GTVT

0:15 | 21/03/2021

 Sau 5 năm cầu Ghềnh bị đâm sập, UBND Đồng Nai đã trả lại hai nhịp cầu hơn 100 tuổi cho Bộ Giao thông Vận tải do dừng dự án phục dựng.

Ngày 20/3, ông Nguyễn Kim Long, Chánh văn phòng UBND Đồng Nai cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa đồng ý giao Cục Đường sắt tiếp nhận lại hai nhịp cầu Ghềnh cũ còn nguyên vẹn từ tỉnh này.

Theo UBND Đồng Nai, sau khi sự cố cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập vào ngày 20/3/2016, tỉnh có kế hoạch phục dựng lại cầu cũ theo nguyện vọng của người dân vì nó là một phần ký ức lịch sử hơn 100 năm ở vùng đất này.

Tuy nhiên, qua quá trình xem xét cho thấy, việc di dời bằng đường thủy, đường bộ và đường sắt là không khả thi do hai nhịp cầu quá nặng. Ngoài ra, tại TP Biên Hòa cũng không có vị trí nào phù hợp để thực hiện việc phục dựng và bảo tồn cầu Ghềnh cũ như ý tưởng ban đầu.


Hai nhịp cầu Ghềnh dự kiến phục dựng đang để tại một bãi đất trống bên bờ sông Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Hai nhịp cầu Ghềnh cũ đang để tại một bãi đất trống bên bờ sông Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Cầu Ghềnh được người Pháp xây năm 1901 và khánh thành bốn năm sau đó. 5 năm trước, sà lan chở 800 tấn cát trên sông Đồng Nai, do Trần Văn Giang (38 tuổi) lái từ Trà Vinh lên Biên Hòa, khi qua vùng nước xoáy khu vực cù lao Phố thì đâm sập mố cầu. Hai nhịp cầu rơi xuống sông, nhiều người đi xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước nhưng may mắn thoát nạn.

Bốn nhịp cầu sau đó được trục vớt, tháo gỡ đưa vào bãi đất trống cách cầu chừng 900 m (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa), trong đó hai nhịp còn nguyên.

Tai nạn khiến đường sắt Bắc – Nam tê liệt hơn ba tháng (đến khi cầu mới trị giá 300 tỷ đồng được xây xong), thiệt hại về kinh tế được đánh giá rất nghiêm trọng. Ngoài ra, cầu này còn có giá trị về mặt lịch sử, từ lâu đã trở thành biểu tượng của TP Biên Hòa.

Sau khi vụ tai nạn, UBND Đồng Nai đã xin phép Bộ Giao thông Vận tải được giữ lại hai nhịp cầu còn nguyên nhằm “phục dựng” lại trong bảo tàng và thay thế nhịp cầu ở cầu Rạch Cát (xây cùng thời gian với cầu Ghềnh).

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết, sau khi Bộ Giao thông Vận tải đồng ý đề xuất của tỉnh, nhiều đơn vị du lịch xin lại nhịp cầu để phục dựng, tạo cảnh quan sông nước, mô phỏng cầu Ghềnh xưa, nhưng do khối lượng quá lớn, không thể chở đi được nên họ từ bỏ ý định.

“Chuyện đưa hai nhịp cầu vào bảo tàng để lưu giữ thì tôi nghĩ khó vì vận chuyển không phải dễ dàng. Ngoài ra, dù hơn 100 tuổi, cầu Ghềnh vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử, văn hóa hay kiến trúc gì”, ông Bằng nói.

 

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh 5 năm trước. Ảnh: Phước Tuấn

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh 5 năm trước. Ảnh: Phước Tuấn

Hiện hai nhịp cầu vẫn nằm phơi nắng ở bờ sông Đồng Nai, xung quanh cỏ mọc um tùm. Khu đất vốn là dự án của doanh nghiệp, được rào chắn nhưng do nằm sát sông, ít người trông coi nên các nhịp cầu nhiều lần bị trộm tháo lấy sắt.

Về việc trông coi, ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, sau nhiều cuộc họp về việc xử lý các nhịp cầu, do đây là tang vật vụ án nên tỉnh đã bàn giao lại cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa quản lý.

Đại diện Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa cho biết sau khi nhận bàn giao tang vật tháng 6/2017, đến nay họ chưa nhận được văn bản đề xuất hướng xử lý các nhịp cầu cổ này.

Liên quan đến sự việc, sau nhiều lần trả hồ sơ, tạm đình chỉ điều tra, tháng 6/2019, TAND Biên Hòa tuyên phạt Phan Thế Thượng (65 tuổi) 14 năm tù giam về tội Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và Trần Văn Giang 7 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về giao thông đường thủy.

Còn về mặt dân sự đền bù thiệt hại, hiện vẫn chưa giải quyết xong. Theo định giá của cơ quan chức năng, trước khi sập cầu Ghềnh có giá trị 14,3 tỷ đồng.

Theo vnexpress

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth