Sáng 14/11, Phó ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết, đến thời điểm này đã có 14 trong tổng số 31 khu công nghiệp đang hoạt động tại tỉnh thành lập trạm y tế lưu động.
Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch đã ký 8 quyết định thành lập trạm y tế lưu động trong 8 khu công nghiệp, gồm: Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch II – Nhơn Phú, Nhơn Trạch II – Lộc Khang, Nhơn Trạch III, Nhơn Trạch V, Nhơn Trạch VI và Dệt may Nhơn Trạch.
Cũng trong ngày 13/11, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã ký quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại 2 khu công nghiệp Sông Mây, Bàu Xéo.
Trước đó, Chủ tịch UBND các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và TP Long Khánh cũng ký các quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp Long Khánh, Xuân Lộc, Thạnh Phú, Dầu Giây.
Theo ông Lê Văn Danh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngoài giờ để hỗ trợ, đôn đốc các địa phương, công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lập trạm y tế lưu động. Bởi lẽ, bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, việc lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong xử lý dịch bệnh ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan rộng trong khu công nghiệp, ảnh hướng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh trạm y tế lưu động tại các xã, phường và trong khu công nghiệp có vai trò quan trọng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, đã nhiều lần yêu cầu các địa phương phải khẩn trương thành lập các trạm y tế lưu động. Đơn vị nào chưa thành lập được trạm y tế lưu động thì người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước Bí thư huyện, thành phố và Tỉnh ủy.
Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, tỉnh Đồng Nai hiện có số khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Trong 10 ngày đầu của tháng 11, bình quân mỗi ngày Đồng Nai ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19 mới, nguồn lây phần lớn liên quan các doanh nghiệp đang sản xuất. Do vậy, việc thiết lập, đưa vào hoạt động trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp được xem là một trong những giải pháp để ngăn chặn phát sinh thành ổ dịch lớn, không để dịch tái bùng phát.
P.V