Đồng Nai: Đến với đô thị du lịch vườn Long Khánh

17:31 | 04/05/2023

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP Long Khánh (Đồng Nai) đã mang diện mạo của một đô thị loại III trẻ trung với hạ tầng điện, đường, trường, trạm, viễn thông ngày một khang trang. Ẩn trong đó là diện mạo của một đô thị du lịch sinh thái vườn đang hình thành rõ nét, mở hướng đi tới tương lai bằng chính những gì mình đang có.

Khám phá “Đà Lạt của miền Đông”

Chúng tôi về Long Khánh vào một ngày tháng 4 để khám phá những biệt thự kiến trúc Pháp còn sót lại. Từ quốc lộ rẽ vào phường Xuân Lập, cái nắng phương Nam trở nên dịu mát nhờ những hàng cây xanh cổ thụ hai bên đường. Những hàng cây sao, dầu đặc hữu của miền Đông đã có tuổi đời ngót nghét 100 năm cao vút hàng chục mét, sum suê cành lá như những hàng rào tự nhiên che chắn, ôm lấy các ngôi biệt thự cổ đang thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng. Đang vào mùa nắng nên cửa các biệt thự đều được mở toang để đón gió tự nhiên.

Cụm biệt thự cổ kiến trúc Pháp là di sản để phát triển du lịch

Bảo vệ của một ngôi biệt thự bước ra niềm nở tiếp chuyện. Anh cho biết “ngôi biệt thự này đã tròn 100 tuổi và bên Pháp có gửi hồ sơ qua để biết tuổi thọ của công trình theo thiết kế và các biệt thự ở đây đều không dùng máy lạnh”. Ngôi biệt thự được bảo dưỡng, chăm sóc khá tốt nên xem ra vẫn còn chắc chắn, cửa chính, cửa gỗ đều được sơn màu sẫm, mái lợp ngói đỏ để tòa nhà nổi bật giữa màu xanh của cây cối xung quanh.

Nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở phường Suối Tre, cách đó vài cây số. Hơn chục biệt thự xây dựng trên các ngọn đồi, ẩn hiện trong những rừng cây nối tiếp nhau tạo nên một quần thể kiến trúc biệt thự cổ đặc sắc. Hầu hết các biệt thự chỉ cao 2 tầng với móng xây đá, tường gạch dày, cửa gỗ kích thước lớn 2 lớp (trong là cánh cửa kính, ngoài là cánh gỗ), tường trổ nhiều cửa sổ. Các biệt thự được xây cất vào thập niên 30, 40 của thế kỷ trước cùng với thời kỳ xây dựng rộ của biệt thự Đà Lạt. Đường nét kiến trúc chưa thể bằng nhưng bù lại các biệt thự gần như nguyên vẹn khuôn viên cây cối rậm rạp, bảo tồn giá trị nguyên vẹn của biệt thự. Đây là điều mà nhiều biệt thự cổ ở khu phố Lê Lai, Trần Hưng Đạo (TP Đà Lạt) đã đánh mất. Nhờ có rừng cây bao quanh mà khu vực này mát mẻ hơn, trở thành một điếm đến yêu thích của du khách lẫn dân địa phương.

Định hình đô thị du lịch vườn

Ngoài các đồn điền cao su mà các giới chủ người Pháp thiết lập, sau này được giao cho ngành cao su quản lý, Long Khánh đã được người Sài Gòn và các tỉnh xung quanh biết tới từ lâu với những loại trái cây ngon nức tiếng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu da, mít tố nữ, cóc, ổi, vú sữa, xoài. Với du khách, việc “săn” được trái sầu riêng rụng chín cây, để cảm nhận cái vị thơm ngon của trái vừa chín tới cộng thêm một xíu nhão đặc trưng của cơm sầu riêng rụng ban đêm chắc là một trải nghiệm khó quên.

Du khách thưởng thức trái cây tại vườn. Ảnh: CLB nhiếp ảnh Long Khánh

Dù đã lên thành phố từ năm 2019 nhưng nhìn từ trên cao, Long Khánh vẫn bao trùm nhiều mảng xanh của cây trái, tập trung ở Bình Lộc, Bảo Quang, Bảo Vinh, Suối Tre, Xuân Lập. Khoảng 5-6 năm gần đây, phong trào mở điểm du lịch vườn có dịp nổ rộ, các nhà vườn, HTX liên kết lại để cung cấp trái cây ngon, điểm tham quan cho khách, qua đó tăng thêm thu nhập cho chính nhà vườn.

Một trong những người tiên phong là Trần Quốc Phong (điểm du lịch vườn Út Tiêu, ấp Cây Da, xã Bình Lộc). Mày mò làm du lịch vườn từ năm 2017, đến nay anh cất hơn 10 chòi, sảnh lớn có thể phục vụ một lúc hàng trăm khách đến thưởng thức trái cây và món ăn dân dã miệt vườn. Khách vào mua vé 70.000-100.000 đồng/người, có chỗ đậu xe, có xe ba gác máy cùng hướng dẫn viên đưa đi tham quan, ăn trái cây thoải mái tại các vườn.

Xuân Lập là một trong những “thủ phủ” sầu riêng Long Khánh, đất hạp với cây này nên diện tích hiện lên đến 750ha, trong đó có 111ha đã được cấp mã vạch xuất khẩu sang Trung Quốc; tổng diện tích sầu riêng đang cho kinh doanh là 450ha, sản lượng bình quân 15 tấn/ha, có vườn đạt 20-25 tấn/ha, nếu giá bình quân 50.000-60.000 đồng thì mỗi hécta cho doanh thu 1 tỷ đồng/năm.

Anh Tạ Văn Hậu, Chủ tịch UBND phường, chia sẻ: Nằm trong định hướng chung quy hoạch phát triển TP Long Khánh đến năm 2030, phường sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái vườn từ chính các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt gắn với quảng bá giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng mô hình du lịch sinh thái vườn. Phường đang có kế hoạch xây dựng một điểm đón khách ở vị trí thuận lợi, có bãi đậu xe rộng rãi, tiện nghi là nơi trưng bày, giới thiệu, bán các loại nông sản, thủ công mỹ nghệ của địa phương và cũng là đầu mối đón tiếp, hướng dẫn du khách tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn.

 

 

Theo SGGP

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả