Dòng chảy thời gian qua triển lãm ảnh “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu”

10:09 | 07/01/2022

Triển lãm ảnh “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” được diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng, từ ngày 25-12-2021 đến ngày 7-1-2022 nhằm chào mừng kỉ niệm 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2022). Đến đây, người xem có thể cảm nhận được dòng chảy thời gian qua mỗi bức ảnh gợi nhớ đến quá khứ và sự chuyển mình đầy bất ngờ của mảnh đất “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi, Đà Nẵng tình người…”.


Triển lãm “Đà Nẵng – thành phố của những câu cầu” thu hút đông đảo người dân đến xem. Ảnh: Trúc Hà

Nhìn quá khứ thấy… tương lai

Triển lãm “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” trưng bày 160 bức ảnh với 2 chủ đề: “Đà Nẵng trước năm 1997” và “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” để người xem có thể thấy được mốc thời gian lịch sử. Sau 25 năm, Đà Nẵng đã mở rộng không gian đô thị với biết bao đổi thay kỳ diệu. “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” đã tái hiện chủ trương “giao thông đi trước một bước”. Theo đó, hạ tầng giao thông đô thị của Đà Nẵng đã được tập trung xây dựng, đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đặc biệt, hệ thống cầu được xây dựng tại Đà Nẵng không những hiện đại mà còn có rất nhiều cái nhất về kỹ thuật mà chưa một cây cầu nào ở Việt Nam có được cùng thời điểm xây dựng.

Những cây cầu Sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Cầu Rồng, Tiên Sơn lần lượt ra đời với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, kết nối giao thương giữa “bờ Đông” và “bờ Tây” của thành phố, góp phần mang đến cho Đà Nẵng một diện mạo mới. Không những thế, mỗi cây cầu còn là một điểm nhấn kiến trúc tạo nên dấu ấn riêng của Đà Nẵng, là điểm tham quan độc đáo hấp dẫn du khách; đồng thời, lập nên một danh xưng mới đặc biệt riêng cho đô thị miền Trung này: Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu.

Với những người nhiều tuổi thì triển lãm “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” là dịp quay lại thời gian, nhớ về quá khứ, còn đối với những bạn trẻ, đây là cơ hội để hiểu hơn về lịch sử của thành phố. Nguyễn Mai Da Linh (sinh viên K19, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Em đến Đà Nẵng đã được 3 năm, đi xem triển lãm với hi vọng sẽ hiểu hơn về thành phố mình đang sống. Nhìn thành phố Đà Nẵng hôm nay rồi lại nhìn những bức ảnh trong triển lãm, em không thể nghĩ Đà Nẵng có sự chuyển mình đáng kinh ngạc như thế. Ở đây, em cũng gặp được nhiều các ông, bà sống lâu năm ở Đà Nẵng kể cho nghe nhiều câu chuyện thật thú vị”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Triển lãm là hoạt động thiết thực chào mừng kỉ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi muốn “kể lại” quãng thời gian chuyển mình của thành phố. Để trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Việt Nam, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Những bức ảnh sẽ giúp công chúng hiểu hơn về một giai đoạn quan trọng của thành phố nói chung và những bứt phá mà Đà Nẵng đã làm được” .

“Nhà chồ” kể chuyện… đã qua

Điều đặc biệt là trong buổi lễ khai mạc triển lãm ảnh “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu” đã diễn ra một chương trình khá đặc biệt có tên “Nghe hiện vật kể” với chủ đề: “Câu chuyện bên dòng sông Hàn”. Chương trình sử dụng lời kể của diễn giả là những người đã gắn bó với thành phố Đà Nẵng trong khoảng thời gian 1997-2001 cũng như tâm sự của chính người dân sống trong những “nhà chồ” bên “đường Bạch Đằng Đông” phía “bờ Đông” sông Hàn ngày ấy (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà).

Khi nhớ về “bờ Đông” sông Hàn Đà Nẵng trong giai đoạn trước năm 2000, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh bóng dáng chênh vênh của những túp nhà tạm bợ bên mép sông, thường gọi là xóm “nhà chồ”. Những người làm nghề chài lưới, từ nơi khác về đây kiếm sống nhưng không có “tấc đất cắm dùi” đã dựng những căn nhà tạm bợ, được thưng bởi bao dứa, tôn, gỗ, bìa catton hay bất kể thứ gì có thể kiếm được.

Khoảng thời gian những năm 2000 đến 2005, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thực hiện một số quyết sách táo bạo để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có việc di dời hộ dân sống trong khu “nhà chồ” này đến khu nhà ở khang trang thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Cuộc di dân lịch sử ấy đã mang lại giá trị to lớn về mọi mặt. Người nghèo có nhà, được tạo công ăn việc làm, trẻ con đến trường và đã “xóa” đi được sự nhếch nhác của “bờ Đông” sông Hàn, tạo nên diện mạo mới cho cả thành phố.

Đến nay, “nhà chồ” chỉ còn trong ký ức, có chăng cũng chỉ lưu lại trong những bức ảnh, mô hình tại Bảo tàng Đà Nẵng hay những thước phim tài liệu. Thay vào đó là những tòa nhà, khu chung cư cao tầng, đường trải nhựa thẳng tắp. Ngay cả với cư dân nhà chồ, khi nhớ về một thời gian ấy, họ không thể ngờ rằng cuộc sống của mình đã thay đổi đến vậy. “Đã hơn chục năm mà cứ ngỡ như thể mới là ngày hôm qua” như lời tâm sự của bà Nguyễn Xí (tổ 80, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng): “Gia đình tôi từng sống trên nhà chồ cho đến khi được thành phố đưa lên bờ định cư. Nhờ chính sách của thành phố, tôi đã có nhà xây trong khu dân cư, đường rộng rãi, không còn phải lo “chạy bão” vào dịp cuối năm. Những lần ra sông Hàn, tôi không còn nhận ra bởi giờ quy hoạch rất đẹp. Đến triển lãm lần này, tôi như sống lại kí ức một thời khi nhìn lại những căn nhà chồ gắn bó với mình bao năm…”.

Theo Biên phòng

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”