Dòng Ca khúc Việt thế hệ 8x, 9x, 10x

15:42 | 01/10/2021

Lâu nay, không ít người coi ca khúc hiện thời của Việt Nam, nhất là của thế hệ 8X, 9X, 10X đương đại, chỉ là những sáng tác mang tính thị trường, giải trí và bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc bolero đang hồi sinh. Đó là một cách nhìn chưa đầy đủ, thiếu toàn diện và có phần cực đoan, ít nhiều thấm đẫm màu sắc bi quan.

Với những ai theo dõi và hòa theo nhịp sống của ca khúc Việt Nam những năm gần đây, sẽ nhận ra một gương mặt khác, một khía cạnh khác, đầy khởi sắc, tươi mới, nếu không muốn nói là có sự kế thừa, tiếp nối và đạt được những bước tiến đáng ghi nhận so với dòng ca khúc chính thống các thời kỳ trước, trên nhiều phương diện. Điều ấn tượng nhất, đó là, thế hệ nghệ sĩ 8X, 9X, 10X này có trình độ chuyên môn chính quy, bài bản, rất tài năng và đa năng. Hầu hết trong số họ, không chỉ đảm nhiệm một khâu trong quy trình cho ra một tác phẩm âm nhạc mà thường kiêm nhiệm nhiều vai trò, vị trí khác nhau và đều rất thành công.

Các thí sinh tham gia Vietnam Idol

Trước hết, nhìn về phương diện đội ngũ (sáng tác, biểu diễn, hòa âm, phối khí, sản xuất chương trình và băng đĩa, tổ chức sự kiện…), chúng ta sẽ có ngay nhận xét, đó là một lớp người làm âm nhạc đông đảo, có trình độ chuyên môn cao và đồng đều, có tài năng thực sự và vô cùng mạnh dạn, táo bạo trong cách tân, sáng tạo. Họ biết kế thừa thành tựu của các lớp đàn anh đi trước, nhất là của các thế hệ 6X, 7X gần nhất, để có những sáng tạo, bứt phá trên con đường hoạt động âm nhạc của mình. Hầu như họ, ít xuất hiện một cách tự phát đầy may rủi mà đa số đều trải qua, được khẳng định và lớn lên từ những cuộc sát hạch gay go qua những cuộc thi, những game show… có trữ lượng chuyên môn cao như: Sao Mai (tiền thân là Tiếng hát truyền hình); Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam); Giọng hát Việt; Bài hát Việt; Học viện ngôi sao; The Remix Hòa âm ánh sáng; Khởi đầu ước mơ; Bài hát hay nhất (Sing my song); VTV Awards (Ấn tượng VTV – Đài truyền hình Việt Nam); HTV Awards (Giải thưởng truyền hình HTV)…, bên cạnh các cuộc thi và hoạt động chính thống do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều đơn vị hữu quan khác tổ chức như: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến (Báo Thể thao và Văn hóa); Làn sóng xanh (Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – sóng FM 99,9 MHz); Zing Music Awards (Zing MP3); We Choice Awards (Công ty Cổ phần VCCorp); Yan Vpop 20 Awards (kênh YAN TV); Gala Vietnam Top Hits (Yeah1 và V-App)…

 Về sáng tác, có thể kể đến nhiều cái tên như: Phạm Thanh Hà; Châu Đăng Khoa; Phạm Toàn Thắng; Khắc Hưng; Khắc Việt; Đỗ Hiếu; Lê Cát Trọng Lý; Tiên Tiên; Vũ Cát Tường; Nguyễn Văn Chung; Phạm Hồng Phước; Nguyễn Hoàng Tôn; Mr. Siro; Tiên Cookie; Phan Mạnh Quỳnh; Bùi Công Nam… Chưa kể rất nhiều người vừa sáng tác, vừa biểu diễn, vừa làm nhà sản xuất khác sẽ nêu ở sau.

Về biểu diễn là một đội ngũ ca sĩ và rapper khá đông đảo. Sau những cái tên hot một thời như Hồ Quỳnh Hương; Hồ Ngọc Hà; Mỹ Tâm; Nguyễn Ngọc Anh; Hà Anh Tuấn; Tân Nhàn; Phương Linh; Tùng Dương; Ngọc Khuê; Kasim Hoàng Vũ; Nguyễn Hoàng Hải; Phạm Anh Khoa; Đinh Mạnh Ninh; Đoàn Thùy Trang; Văn Mai Hương; Noo Phước Thịnh; Uyên Linh; Trung Quân Ido; Nguyễn Trần Trung Quân… là Hương Tràm; Bảo Anh; Đinh Hương; Trúc Nhân; Trọng Hiếu; Bùi Lan Hương; Phạm Quỳnh Anh; Miu Lê; Min; Hari Won; Hòa Minzy; Anh Tú; Lyly; Sơn Tùng M – TP; Lương Hải Yến; Đông Nhi; Bùi Anh Tuấn; Đức Phúc; Bảo Thy; Ali Hoàng Dương; Hoàng Yến Chipi: Hoàng Thùy Linh; Thúy Ngân; Jack; Khởi My; Isaac 365; Soobin Hoàng Sơn; Bích Phương; Erik; Hiền Hồ; Amee; Đen Vâu…

Về lĩnh vực sản xuất âm nhạc (producer), tiếp theo các tên tuổi hàng đầu của Việt Nam đương đại như: Quốc Trung; Đức Trí; Huy Tuấn; Nguyễn Hải Phong; Dương Khắc Linh; Hồ Hoài Anh… là một loạt tên tuổi trẻ hơn, được đào tạo bài bản và hầu hết đều là những người kiêm luôn cả mấy chức năng: sáng tác; ca sĩ; hòa âm, phối khí; nhà sản xuất như: Dương Cầm; Nguyễn Đức Cường; Hứa Kim Tuyền; Only C; Masew; Hoàng Touliver, Slim V; Phúc Bồ; JustaTee… Ngoài ra còn có những người đã được nhắc tên ở trên như: Khắc Hưng; Phạm Thanh Hà; Đỗ Hiếu; Lê Cát Trọng Lý; Vũ Cát Tường; Đinh Mạnh Ninh; Tiên Tiên; Tiên Cooki; Soobin Hoàng Sơn; Bùi Lan Hương…

 Có thể khẳng định, đây là một thế hệ mới, rất giàu tài năng và tiềm năng của nền âm nhạc nói chung và ca khúc Việt Nam nói riêng trong hiện tại và tương lai. Nhận định này là có cơ sở, khi đi vào tìm hiểu ít nhiều về sự cống hiến và thành tựu của họ trong những năm qua.

Trước hết xin nêu mấy ví dụ về đội ngũ sáng tác mà người viết chọn từ cảm xúc và hứng khởi mà mình có được nhiều nhất, khi nghe các ca khúc của họ.

Người đầu tiên là Phạm Thanh Hà (1988). Anh là một nhạc sĩ có thiên hướng đi theo dòng nhạc dân gian nhưng kết hợp hài hòa với phong cách hiện đại (rap) mà ca khúc nổi tiếng mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc: Tình yêu màu nắng là một dẫn chứng tiêu biểu. Ca khúc không chỉ góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Đoàn Thùy Trang mà còn chứng minh một luận điểm: ca khúc mang âm hưởng dân gian vẫn tồn tại mạnh mẽ, lâu bền trong thế giới hiện đại, nếu nó là một ca khúc hay, phù hợp, hoàn hảo. Một trong những ca khúc nổi tiếng khác của Phạm Thanh Hà không thể không nhắc ờ đây, đó là Rằng em mãi ở bên được thể hiện qua giọng hát Bích Phương. Cũng thấm đẫm âm điệu âm nhạc dân gian miền núi phía Bắc, bản hit này đã lan tỏa rất mạnh mẽ và sâu rộng trong giới trẻ yêu nhạc không kém gì Tình yêu màu nắng.

Người tiếp theo là Phan Mạnh Quỳnh (1990) – được mệnh danh là người làm nhạc là triệu view (…) “ông hoàng của nhạc phim điện ảnh Việt những năm gần đây. Anh không chỉ là người sáng tác mà còn là một ca sĩ thường biểu diễn các ca khúc của mình với giọng hát ấm áp, trẻ trung. Công chúng nhớ đến anh nhất có lẽ từ ca khúc Ngày chưa giông bão (một trong 3 ca khúc chủ đề trong phim Người bất tử) qua giọng hát của Bùi Lan Hương. Bài hát tạo cảm giác ma mị, huyền ảo, phù hợp với nội dung phim, nhưng lại gây ấn tượng mạnh đối với người nghe nói chung, nhờ cách xử lý giai điệu và kết cấu nhuần nhuyễn, sáng tạo, mới mẻ. Gần nhất, ca khúc Có chàng trai viết lên cây (2019) của Phan Mạnh Quỳnh (cũng là một ca khúc trong phim – Mắt biếc) đã gây bão trên Vpop và trên nhiều môi trường âm nhạc khác.

Một so sánh tuy có vẻ hơi khập khiểng, nhưng không phải không có lý rằng: Cùng với Tình yêu màu nắng của Phạm Thanh Hà, ca khúc Ngày chưa giông bão của Phan Mạnh Quỳnh khiến người nghe liên tưởng đến giai điệu của các ca khúc say lòng, lung linh khơi gợi và bất tử trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam như Bài ca hy vọng của Văn Ký hay Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ…

Người thứ ba là Bùi Công Nam (1994). Đây cũng là một người vừa sáng tác vừa trình bày các ca khúc của mình rất thành công, kể từ Chí Phèo tham gia chương trình Bài hát hay nhất (Sing my song) mùa đầu tiên (2017). Nhưng người ta nhắc đến Bùi Công Nam nhiều nhất là từ ca khúc hit: Có ai thương em như anh qua giọng hát Tóc Tiên. Trong chương trình ca nhạc truyền hình thực tế đầu năm 2021 mang tên Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, do HTV thực hiện, Bùi Công Nam xuất hiện với tư cách là khách mời bằng ca khúc Ôi trời ơi mà anh vừa sáng tác và biểu diễn rất ấn tượng. Nhìn chung âm nhạc của Bùi Công Nam man mác một chút trào phúng, u – mua nhưng rất trữ tình, dù đó là đề tài tình yêu lãng mạn hay những vấn đề xã hội nóng bỏng…

Tiếp đến, xin nêu mấy vì dụ về các ca sĩ tiêu biểu mà cách chọn của tác giả bài viết này cũng theo phương thức nêu trên: đó là người gợi cho mình nhiều cảm hứng đồng sáng tạo và ấn tượng bền chặt, sâu đậm nhất. Đương nhiên nó có thể hoàn toàn khác với cách chọn của nhiều người.

Trước hết, đó là ca sĩ Hòa Minzy (1995), tên thật là Nguyễn Thị Hòa, quê Bắc Ninh. Ấn tượng về Hòa Minzy không chỉ là vị trí quán quân Học viên ngôi sao mùa đầu tiên (2014), cùng với bảng thành tích đáng nể với các ca khúc hit, triệu view như: Ăn gì đây; Cứ yêu đi; Rời bỏ; Không thể cùng nhau suốt kiếp… hay việc cô lấn sang cả lĩnh vực điện ảnh với vai trò đạo diễn, mà hơn thế, bởi giọng hát hay, đẹp, cao, thấm đẫm chất Quan họ, có thể xử lý tốt nhiều thể loại nhạc khác nhau, cùng với tài nhái giọng nhiều ca sĩ khác rất đáng nể. Sau những ôn ào về mối tình với tuyển thủ bóng đá Công Phượng, Hòa Minzy sống trầm tĩnh hơn. Đầu năm 2021, cô cùng Anh Tú và Hứa Kim Tuyền thực hiện rất thành công chương trình ca nhạc truyền hình thực tế mang tên Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, với cách thức đem âm nhạc đến với công chúng hết sức mới mẻ, nhất là trong đại dịch Covid – 19.

Người được nhắc đến thứ hai là Đen Vâu (1989), tên thật là Nguyễn Đức Cường, quê ở Quảng Ninh. Anh là một trong những rapper ăn khách nhất hiện nay với những ca khúc triệu view như: Trốn tìm; Đi về nhà; Một triệu like; Lối nhỏ… Có thể nói, Đen Vâu là một trong những cái tên hot nhất của giới underground (nhạc không chính thống) hiện nay. Anh chính là một trường hợp rất đặc biệt, xuất thân từ một lao công trên bãi biển Hạ Long, không qua bất cứ một trường lớp âm nhạc nào nhưng lại rất thành công khi xuất hiện và đã sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín như: giải Làn sóng xanh cho ca sĩ của năm (2019); giải Âm nhạc Cống hiến (2021); giải We Choice Awards (2018; 2019)…

Ca sĩ nữa được nêu tên là Amee (2000), tên thật là Trần Huyền My, quê Hà Nội. Đây đích thực là một ca sĩ tài năng thế hệ 10X. Amee nổi tiếng không chỉ bởi sự trẻ trung, xinh đẹp một cách thánh thiện mà hơn thế, bởi tài năng đáng nể của cô trên nhiều lĩnh vực như ca hát, vũ công, diễn viên… Với tư cách ca sĩ, Amee đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi và được coi là ca sĩ trẻ nổi bật nhất Vpop năm 2020. Xuất thân từ lò St. 319 Entertainment (Công ty TNHH Giải trí và truyền thông St. 319), Amee, với chất giọng trong veo, dễ thương và pha chút trẻ con, đã có những bước thăng tiến ngoạn mục với nhiều ca khúc trở thành hittrent như: Đen đá không đường; Sao anh chưa về nhà; Trời giấu trời mang đi; Anh đánh rơi người yêu này, Tình bạn diệu kỳ… Trong lễ trao giải Mnet Asian Awards 2020 (MAMA) tháng 12/2020, Amee đã xuất sắc nhận được giải Nghệ sĩ mới xuất sắc. Cùng năm này, Amee cũng đã giành giải thưởng Nữ ngôi sao âm nhạc của năm trong Giải thưởng Cống hiến…

Cuối cùng là ba gương mặt nhà sản xuất trẻ mát tay, theo cách chọn để minh họa của tác giả bài viết này. Những nhà sản xuất (kiêm hòa âm, phối khí…) này hầu hết là những tác giả ca khúc, đã đạt những giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Người đầu tiên là Đỗ Hiếu (1989). Anh không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác đều tay (khoảng 60 ca khúc), giành được một loạt giải thưởng danh giá và quan trọng với tư cách người sáng tác (Single của nămTop 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất – Làn sóng xanh, 2014; Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất – Làn sóng xanh, 2015; Ca khúc của nămCặp đôi ca sĩ – nhạc sĩ – Yan Vpop 20 Awards, 2015; Ca khúc được yêu thích nhấtCa khúc nhạc dance được yêu thích nhất – Zing Music Awards, 2014; Top 3 nhạc sĩ được yêu thích – HTV Awards, 2014; Top 5 nhạc sĩ của năm – Gala Vietnam Top Hits, 2015; Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất – Làn sóng xanh, 2016; Single của năm – Làn sóng xanh, 2016…) mà còn là một nhà sản xuất đầy tài năng và uy tín. Fan hâm mộ Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi…, chắc chắn sẽ không thể không biết, chính Đỗ Hiếu là người đứng sau, là bà đỡ mát tay cho nhiều ca khúc đình đám của họ như: Keep Me In Love; Destiny (Hồ Ngọc Hà); Gạt đi nước mắt; Như phút ban đầu (Noo Phước Thịnh); Boom Boom; Trách ai bây giờ (Đông Nhi)… Đỗ Hiếu chính là một trong những nhà sản xuất nổi tiếng Vpop với nhiều bản hit nhất hiện nay.

Nhà sản xuất thứ hai tôi chọn giới thiệu là Khắc Hưng (1992). Cũng giống như Đỗ Hiếu, Khắc Hưng không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác nhiều (khoảng 100 ca khúc) với nhiều giải thưởng danh giá như (Ca khúc của năm; Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất Hòa âm, phối khí của năm –  Làn sóng xanh, 2016; Ca khúc của nămCa khúc được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều nhất – Zing Music Awards, 2016; Ca khúc hiện tượngTop 20 bài hát xuất sắc của năm – Yan Vpop 20 Awards, 2016; Nhạc sĩ của năm – Zing Music Awards, 2017; Nhà sản xuất của nămNhạc sĩ của năm – Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, 2017…) mà còn là nhà sản xuất giỏi, nhất là đã góp phần giới thiệu nhiều ca sĩ trẻ và nhóm nhạc, đưa họ lên bệ phóng Vpop và hoạt động ca hát nói chung như: Nguyễn Trần Trung Quân (4 giờ sáng; Hừng sáng; Một người tôi luôn kiếm tìm…); Min (Yêu; Về nhà vui hơn; Tìm…); Đức Phúc (Cũng đành thôi; Hơn cả yêu…); Trọng Hiếu (Con đường tôi; Bước đến bên em); Erik (Bao giờ đủ lớn; Sau tất cả…); nhóm nhạc Monstar (#BabyBaby)… Khắc Hưng cũng rất mát tay khi hợp tác sản xuất với các ca sĩ nổi tiếng khác như: Mỹ Tâm; Văn Mai Hương; Dương Hoàng Yến… Gần đây, bản cover ca khúc Ghen của anh qua hai giọng ca Min và Erik (Ghen Covy) đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc không chỉ trong nước mà cả trên thế giới khi đại dịch Covid – 19 bùng phát.

Cuối cùng, xin được nhắc đến nhà sản xuất âm nhạc Tiên Cooki (1994). Trước khi kiêm công việc nhà sản xuất, Tiên Cooki cũng là một ca sĩ, nhạc sĩ được nhắc đến như là một hiện tượng mới, trẻ, đầy hy vọng (viết ca khúc đầu tiên khi mới 14 tuổi). Nhắc đến Tiên Cooki với tư cách nhạc sĩ sáng tác là phải nhắc đến bản hit làm say mê thế giới trẻ một thời: Valentine chờ. Bề dày hoạt động và thành tích chưa bằng hai đàn anh ở trên, nhưng với một người trẻ thế hệ 9X thì bảng ghi danh sau đây cũng là một tín hiệu đáng ghi nhận, đáng mừng dối với Tiên Cooki: Top 10 nhạc sĩ được yêu thích – Làn sóng xanh, ba năm: 2012; 2014; 2016; Nhà sản xuất của năm – Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, 2019… Sau khi thành công với tư cách là nhà sản xuất, cho ra đời nhiều bản hit cùng nhiều ca sĩ, nhất là Bích Phương, năm 2016, Tiên Cooki thành lập Công ty 1989s Production với chức năng chính là sản xuất âm nhạc cùng với một số chức năng khác như: sản xuất phim ảnh, quảng cáo và quản lý ca sĩ. Đã một thời, Tiên Cooki được coi là 1 trong 5 Hit-maker của Vpop (cùng Đỗ Hiếu, Khắc Hưng, Mr. Siro, Only C).

Trên đây là những phác hoạ, nhằm đặc tả một gương mặt khác của dòng ca khúc trẻ trong nền âm nhạc hiện nay – một gương mặt đẹp, rất đáng tự hào và hy vọng. Những ai chỉ biết đến dòng ca khúc thị trường, buồn thảm, uỷ mị và bình dân hóa theo hướng tiêu cực lâu nay thì hãy coi đây là một trong những tiếng nói đáng tham khảo.

Chắc chắn, dòng ca khúc Việt thế hệ 8X, 9X, 10X tiếp tục phát triển, khởi sắc, gặt hái được nhiều thành công và mở ra những khấp khởi, hy vọng về phía tương lai.

THAI SẮC


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái