Ông bà mình ngày xưa thường có câu: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, nghĩa là trong chuyện ăn uống, sức ăn của cánh mày râu thường lớn, khỏe và nhiều. Đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, sức ăn của người đàn ông dưới đây vẫn “vượt sức tưởng tượng”.
Ông T.V.M, 57 tuổi, ở Cẩm Tú (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) được mọi người trong làng biết đến về độ ăn khỏe của mình. Ông M. kể, ông sinh ra trong gia đình nghèo, đến nỗi 4 anh em chỉ chung nhau 2 cái quần. Ông chỉ học được đến lớp 2, mặt chữ còn chưa rõ đã phải nghỉ để lên rừng đào củ sắn, củ mài nuôi gia đình.
Năm 1986, ông kết hôn với chị P. người xã bên. Đã có với nhau 1 con nhưng P. lại không chung thủy nên bỏ đi. Gần 10 năm sống trong cảnh gà trống nuôi con, đến năm 1998, ông mới lấy vợ thứ 2.
Nhưng chung sống được một thời gian, có với nhau 2 con, người vợ ấy cũng lại ra đi. Đến năm 2007, ông tiếp tục bén duyên với người vợ thứ ba là bà H.T.N.. Những tưởng cuộc đời “quá tam, ba bận” sẽ mỉm cười với ông thì một lần nữa, ông lại về cảnh gà trống nuôi con vì bà N. cũng không chịu được khổ.
Thời điểm khi ông M. vừa lấy vợ, vì cuộc sống gia đình khó khăn nên ông phải đi làm thuê khắp vùng. Kể về giai thoại của mình, ông M. cho biết: “Hôm đó trời mưa to nên tôi nghỉ ở nhà, khi ấy nhà bà chủ mà tôi làm thuê có làm nghề tráng bánh cuốn.
Từ nhỏ có được biết hương vị bánh cuốn thế nào đâu, vì thế ngồi xem bà chủ tráng bánh mà nước miếng cứ ứa ra. Thèm quá, tôi bảo bà ấy bán cho một ít và ngồi ăn, không ngờ cả cái thúng 700 cái tôi ăn sạch. Bà chủ nhìn tôi phát hoảng bảo cái thúng ấy phải mang bán cho cả làng ăn”.
Chưa hết, hồi còn làm ở bãi vàng, ông M. cho biết ăn hết 40 gói kẹo lạc. Hôm đó trời mưa rả rích, anh em nghỉ ngồi trong lán buôn chuyện. Đúng lúc đó có chị bán bánh cuốn đi qua, trước đó họ cũng đã từng nghe câu chuyện ông ăn hết 700 cái bánh cuốn, nhưng chẳng ai tin, nên họ đưa ra thách đố.
Nhưng khổ nỗi lúc đó chỉ còn khoảng 200 cái bánh cuốn và 40 gói kẹo lạc. 8 người cá cược với ông M., nếu ông không ăn hết thì mất 5 phân vàng, còn ăn hết mỗi người mất cho ông 5 phân vàng. Nghe vậy, ông M. nhận lời ngay.
200 cái bánh cuốn thì đơn giản, nhưng kẹo lạc vừa cứng khô, vừa ngọt, nên ăn được 20 gói, cổ họng người đàn ông này đã nghẹn đắng, khô không còn nuổi nổi. Khi đó, ông xin 2 bát nước, thấy vậy mọi người vỗ tay hò reo, vì họ nghĩ ông sẽ thua cuộc, bởi kẹo lạc khô, uống nước vào nở ra thì chỉ có nước… vỡ bụng chứ chịu làm sao được.
Thế nhưng, vừa uống nước vừa ăn, ông M. lại thấy ngon miệng. Chỉ trong chốc lát, ông đã xơi tái 20 gói còn lại. Chính vì ăn khỏe như thế, nên nhiều người trong làng đồn không hay về chuyện đời của ông. “Họ bảo là do tôi nghèo, đã vậy còn ăn nhiều đến mức mất phần vợ con, vì thế họ mới bỏ đi. Nghĩ mà tủi thân”, ông M. buồn bã.
Ngẫm câu chuyện của ông M. mà thấy thương quá đỗi. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, cứ tưởng ông đào hoa lắm vì có rất nhiều vợ. Nhưng nào ai hiểu, ông chỉ là kẻ lận đận chuyện tình duyên.
Rõ ràng, người đàn ông này có một nhân cách đẹp, cho dù có nhiều mối tình nhưng khi đến với ai, ông cũng thật lòng với họ. Chỉ có điều, vì nghèo khổ quá mà ‘các vợ’ của ông đều lần lượt bỏ đi.
Đàn ông ăn nhiều đâu phải là cái tội, họ chỉ đáng trách khi ăn bám vợ con, ăn dựa vào sức lao động của người khác. Còn ông M., dù ăn nhiều nhưng làm giỏi, chăm chỉ, cần cù, thậm chí sau khi các bà vợ bỏ đi, ông sẵn sàng chịu cảnh gà trống nuôi con, không một lời than vãn.
Nhìn xã hội ngoài kia, có những gã chồng bội bạc, chạy theo tiểu tam, hoặc ở nhà vợ nuôi từ A tới Z, con đi học không đưa nổi một đồng, đến thăm con không mua nổi hộp sữa mà vẫn được bạn đời thứ tha, bao dung, mù quáng. Còn ông M., sống có trách nhiệm nhưng chẳng may mắn trong hôn nhân.
Nhưng ngẫm cho kỹ thì thì cũng chẳng trách các bà vợ được, phụ nữ mà sống túng thiếu quá họ không chịu nổi. Chồng tuy làm giỏi nhưng tiêu nhiều, thành ra trong nhà không dư dả đồng nào, đôi lúc thiếu trước hụt sau, có thể đó là lý do khiến các bà vợ không chịu nổi cảnh nghèo, dứt áo ra đi.
Nhưng thôi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mong cho tương lai, ông M. được ai đó yêu thương đúng nghĩa hoặc khi con cái lớn lên sẽ báo hiếu cho cha mình. Rồi hoàn cảnh của ông sẽ khấm khá hơn, được ăn ngon và ăn no, không còn phải vất vả vì kế sinh nhai mỗi ngày.
Theo https://2sao.vn/nguoi-dan-ong-co-bung-khong-day-khien-3-vo-bo-di-vi-an-qua-khoe-n-273461.html