Đọc sách: “Quốc tịch” của Nghìn lẻ một đêm

11:05 | 23/04/2022

Những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm đã được lưu truyền từ rất lâu trong dân gian Ba Tư, một xứ sở rộng lớn, bao gồm cả Iran, Iraq, Trung Đông, Trung Á. Trong đó cũng có nhiều chuyện dân gian của bán đảo Arab, thậm chí có chuyện kể xảy ra ở Ấn Độ, Ai Cập… Phải đến đầu thế kỷ XVIII, nhà Đông Phương học Antoine Galland mới “dịch” ra tiếng Pháp và sách tái bản liên tục trong suốt thế kỷ đó. Nói là “dịch” cũng chưa đúng hẳn, ông dường như đã viết lại những câu chuyện dân gian theo tư duy tiểu thuyết. Các truyện dù ngắn dài đều được triển khai theo kiểu tiểu thuyết, diễn biến quanh co khó đoán trước, đường dây nhân vật khá phức tạp… rất khác với tư duy đơn giản của cổ tích dân gian thế giới.


Ngoài mấy truyện hay và nổi tiếng nhất như Alibaba và bốn mươi tên cướp, Aladdin và cây đèn thần, thì mấy truyện rất hay nữa là Người chợt tỉnh giấc mơ, Những chuyến vi hành của hoàng đế Harun al-Rashid.

Toàn bộ truyện thể hiện rõ tinh thần và không khí Hồi giáo ở xứ Ba Tư và bán đảo Arab thời xưa. Đầy chất Hồi giáo, từ văn hóa, chính trị, khoa học, phong tục tập quán, tên gọi, cho đến cả sự kỳ thị với các tôn giáo bị coi là dị giáo.

Trong truyện Thiên tình sử của Camaralzaman hoàng tử đảo Những đứa con của Khaledan với Baddure, công chúa Trung Quốc bộc lộ rất rõ sự kỳ thị đối với Hỏa giáo, tôn giáo bản địa Ba Tư có trước Hồi giáo khoảng 1.500 năm. Hoàng tử Camaralzaman đến một thành phố gặp một người làm vườn theo đạo Hồi và được người này cho ẩn náu trong thành, gồm đa số là người thờ các “tà thần”. Tà thần hóa ra là những người thờ thần lửa, tức là Hỏa giáo. Phần cuối truyện Bede hoàng tử nước Ba Tư và Jauha công chúa con vua Thủy tề cũng có một câu: “Nữ hoàng phù thủy, mẹ của mụ và tất cả những kẻ tôn thờ thần lửa đều bị tiêu diệt trong nháy mắt” – Hỏa giáo bị coi như trò gắn với phép thuật phù thủy. Nhưng trên thực tế, Hỏa giáo là một tôn giáo lâu đời bậc nhất của nhân loại, triết lý ôn hòa. Tôn giáo này ra đời ở xứ Ba Tư xưa, nhưng trong lịch sử bị kỳ thị, hiện tại chỉ còn một cộng đồng rất nhỏ ở Iran và một cộng đồng đông đảo hơn di cư sang Mumbai, Ấn Độ.

Như vậy, ta đã thấy là chuyện không chỉ xảy ra trên bán đảo Arab. Thế thì tại sao hơn ba thế kỷ qua, người Pháp và cả thế giới hình như đã nhầm lẫn mà coi Nghìn lẻ một đêm là của người Arab?

Bản tiếng Pháp của Antoine Galland là Les mille et une nuits (Một nghìn lẻ một đêm). Nhưng ngay sau đó sách được dịch ra tiếng Anh với cái tên The Arabian Nights’ Entertainment (Chuyện giải trí trong những đêm Arab). Từ cái tên sách này mà qua nhiều đời, người phương Tây gắn những câu chuyện trong đó với “những đêm Arab”, mặc nhiên coi là chuyện xảy ra ở bán đảo Arab và do người Arab viết. Phải nói thêm: trừ một thiểu số người phương Tây làm nghiên cứu rất xuất sắc, còn với đa số dân Âu-Mỹ nói chung thì Arab hay Ba Tư cũng “xêm xêm”, trong khi đó là hai sắc dân khác biệt. Đã có rất nhiều dị bản Nghìn lẻ một đêm lấy tên là Đêm Arab, nhiều bộ phim, vở kịch, nhạc kịch cũng mang tên Đêm Arab.

Nhưng phần lớn chuyện lại xảy ra ở Baghdad (Iraq ngày nay) và được gọi là xứ Ba Tư. Xứ Ba Tư xưa (Persia) bao gồm Iran, Iraq, tràn sang Trung Đông và cả Trung Á. Nhưng ngày nay người ta chỉ biết Iran là xứ Ba Tư cổ. Vị hoàng đế Shahryar, mà trong sách gán cho là người ngồi nghe nàng Scheherazade kể chuyện, lại đóng đô ở Baghdad, Iraq ngày nay. Tức là câu chuyện lấy làm khung cho toàn bộ Nghìn lẻ một đêm xảy ra ở xứ Ba Tư cổ đại, không phải bán đảo Arab. Trong sách cũng nhiều lần xuất hiện một nhân vật có thật ngoài đời – hoàng đế Harun al-Rashid – trong lịch sử, ông là vị hoàng đế Ba Tư có nhiều canh tân nhưng cũng có tiếng là tàn bạo.

Iran và bán đảo Arab xưa nay là hai thế lực xung khắc ở trong vùng. Tên sách tiếng Anh Arabian Nights về sau nhiều bản dịch được đổi thành One Thousand and One Nights (Một nghìn lẻ một đêm), tức là trả về cho sách sự chính xác về nội dung và cả sự tế nhị. Bởi vì trong lịch sử, hai khối Ba Tư và Arab là địch thủ truyền đời, cả hai đều muốn giành ngôi vị đứng đầu khu vực. Vì vậy khi nhắc đến Nghìn lẻ một đêm trên đất Arab chẳng hạn, không nên quy cho nó là tác phẩm của xứ Arab mà chỉ nên nói là trong sách có nhiều chuyện xảy ra trên bán đảo Arab. Cũng thế, trên đất Iran thì chỉ nên nói là nhiều chuyện ở Nghìn lẻ một đêm xảy ra trên đất Ba Tư xưa.

Người tỉnh táo về quan hệ quốc tế thì khi phát biểu đều tránh gán Nghìn lẻ một đêm cho riêng Ba Tư, càng không trao cuốn sách cho Arab như nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn.

Hồ Anh Thái

Đại biểu nhân dân


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ