47 tác phẩm được trưng bày trong không gian Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình), nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022).
Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc” là hoạt động nối tiếp Cuộc thi viết “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” diễn ra cuối tháng 10/2022 với sự tham gia của 100 sinh viên từ 20 đến 22 tuổi đang theo học tiếng Hàn tại một số trường đại học trong nước.
Tại Cuộc thi viết “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc”, Ban Tổ chức cũng đã chọn được 15 tác phẩm đạt giải bao gồm hai giải Vàng, bốn giải Bạc, 8 giải Đồng. Các tác phẩm được đưa về Hàn Quốc để các nghệ nhân của thành phố Boryeong thể hiện trên bản khắc gỗ.
Cắt băng khai mạc triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Ảnh: BTC
Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” lần này trưng bày 47 tác phẩm bao gồm 15 tác phẩm đạt giải, các bản khắc gỗ, một số bức thư pháp đẹp được lựa chọn từ 101 tác phẩm dự thi, cùng các kiệt tác nghiên mực làm từ đá Nampo.
Qua đó, mang đến giá trị mới, sức sống đương đại trên nền tảng di sản văn hóa của cả hai quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, triết lý sống từ những câu danh ngôn nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Có chí thì quyết tìm ra việc và quyết làm được việc”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”…
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại triển lãm – Ảnh: BTC
Phát biểu tại triển lãm, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Sự kiện văn hóa kép thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” đã cho thấy sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia. Đó là những triết lý, lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân về đạo đức, lý tưởng và lối sống. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng được kế thừa qua nhiều thế hệ để trở thành truyền thống mà ngày nay gọi là di sản”.
“Với chương trình, chúng tôi cũng muốn hướng tới giáo dục thế hệ trẻ bằng sự tôn vinh di sản của cha ông. Thông qua trải nghiệm này, các em học sinh sẽ thấy việc học tập của mình ý nghĩa hơn, tự lập và tự chủ để bước ra thế giới hội nhập”, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh.
Đặc biệt, triển lãm là hoạt động kết thúc Dự án giữa Viện Nguồn lực Văn hoá Hàn Quốc và Hội Di sản Văn hoá Việt Nam. Dự án được sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Bộ VHTTDL Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, TP. Boryeong. Dự án được tổ chức thành công bởi sáng kiến và sự phối hợp tổ chức hiệu quả giữa Viện Nguồn lực Văn hoá Hàn Quốc và Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; bởi sự ủng hộ, cộng tác chặt chẽ của Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số trường đại học.
Triển lãm diễn ra từ ngày 28/11/2022 và đến hết ngày 30/11/2022, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.
Một số tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc”
Toàn cảnh không gian Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc” – Ảnh: Đình Trung
Kiệt tác nghiên mực Nampo – Ảnh: Đình Trung
Tác phẩm “Ju, cheol yong” được chuyển thể từ các tác phẩm đạt giải – Ảnh: Đình Trung
Tác phẩm “Park, Yun Cheon” được chuyển thể từ các tác phẩm đạt giải – Ảnh: Đình Trung
Kiệt tác nghiên mực Gwon Tae Man – Ảnh: Đình Trung
Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác được trưng bày trong không gian Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Ảnh: Đình Trung
Trung Nguyễn
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/doc-dao-voi-danh-ngon-cua-chu-tich-ho-chi-minh-duoc-viet-bang-thu-phap-han-quoc-post224454.html#p-5