Độc đáo tục nhảy lửa của người Pà Thẻn

9:37 | 28/05/2022

Tục nhảy lửa của người Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc.


Phong tục nhảy lửa nhằm cầu các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe.

Lễ hội nhảy lửa (tục nhảy lửa – cầu lửa) của người Pà Thẻn có từ lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ, bao hàm trong đó những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.

Lễ hội nhảy lửa thường diễn ra từ tháng 10 âm lịch của năm trước đến tới hết tháng Giêng âm lịch. Các thầy cúng trong bản sẽ mở hội nhảy lửa để chiêu mộ học trò, truyền nghề thầy cúng. Lễ hội này còn nhằm mục đích tạ ơn các thần linh sau một năm đã phù hộ cho người dân bản có một năm mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, sống đoàn kết, gắn bó.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tục nhảy lửa được người dân tổ chức tại một khoảng sân lớn. Tại đây, thầy cúng chuẩn bị một mâm đồ cúng và ngồi trên một chiếc ghế dài để làm lễ, còn những học trò sẽ ngồi sau lưng thầy cúng trên một chiếc chiếu lớn.

Trên chiếc ghề dài, thầy đọc bài cúng và gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ 5 -7 giờ đồng hồ để thần linh tiếp sức mạnh cho các chàng trai Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa. Trong khi làm lễ, khi thân thể những học trò rung lên là lúc thần linh đã nhập vào cơ thể họ và có thể chuẩn bị nhảy lửa. Nghi lễ này diễn ra khoảng 3 – 4 tiếng và những học trò của thầy cúng sẽ nhảy lửa trong khoảng 1 tiếng mới kết thúc.

Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Theo người dân nơi đây, khi các học trò nhảy vào lửa, tất cả đều nhắm mắt như được thần dẫn đi. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa, chân tay của các học trò này không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.

Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lâm Bình, cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012 nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

Từ xưa, người Pà Thẻn tôn thờ Thần Lửa và tin rằng đây là vị thần tạo ra sức mạnh cho đồng bào Pà Thẻn chống chọi với thiên tai, bệnh tật. Vì vậy, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, người Pà Thẻn có tục nhảy lửa để tạ ơn trời đất và Thần Lửa đã cho một vụ mùa bội thu, cầu may cho vụ mùa tới cũng được nhiều may mắn.

“Sau khi lửa tàn, thầy cúng làm lễ thu quân để các chàng trai trở về trạng thái bình thường. Thầy cúng cũng làm lễ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần linh cùng xuống tham gia”, ông Cao Văn Minh nói.

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình độc đáo tại lễ hội nhảy lửa của người dân Pà Thẻn:

Thầy cúng gọi thần linh nhập vào các chàng trai Pà Thẻn để chuẩn bị nghi thức nhảy lửa. 

Đống lửa to được dựng ngay giữa sân vân động tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.

Sau khi đống lửa cháy hết chỉ còn than, các chàng trai bắt đầu nhảy vào đống than đỏ.

Các chàng trai Pà Thẻn sau khi được thần linh nhập sẽ lao vào đống than đỏ và dùng tay và chân không có đồ bảo hộ để phá đống lửa, trong tiếng gõ liên tục của thầy cúng và tiếng hò reo của người dân xung quanh.

Mặc dù chân tay không dùng đồ bảo hộ nhưng các chàng trai không bị bỏng. Tục nhảy lửa này cũng thể hiện sự gan dạ, lòng dũng cảm của các chàng trai Pà Thẻn.

Du khách miền Nam chăm chú ngồi xem tục nhảy lửa của người Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. 

Các đốm than đỏ được các chàng trai đá ra ngoài sân và tàn dần thì cũng là lúc nghi thức nhảy lửa kết thúc. 

Du khách tò mò kiểm tra chân và tay các chàng trai Pà Thẻn sau khi kết thúc tục nhảy lửa.

Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/doc-dao-tuc-nhay-lua-cua-nguoi-pa-then-20220527113826310.htm

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”