Cùng với sự phát triển chung của xã hội, nhiều hủ tục trong hôn lễ của người Dao Khâu ở Sìn Hồ (Lai Châu) đã được loại bỏ.
Lễ cưới được tổ chức ngắn gọn, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đậm bản sắc dân tộc.
Không còn là “gánh nặng” tài chính…
Người Dao Khâu ở Sìn Hồ chủ yếu sống tập trung ở 2 xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin và 2 bản thuộc khu vực thị trấn huyện. Trải qua hàng trăm năm cùng với những thăng trầm của lịch sử, người Dao Khâu ở đây vẫn giữ được truyền thống về nghi lễ rước dâu.
Giờ đây, nhiều hủ tục đã được loại bỏ, lễ cưới được tổ chức ngắn gọn, tiết kiệm. Song những nét văn hóa tốt đẹp của tộc người này vẫn được lưu truyền và khẳng định sức sống mạnh mẽ.
Anh Tẩn A Xoang, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sìn Hồ cho biết: Trước đây, để chuẩn bị cho lễ cưới, nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai phải mang sang một số lễ vật nhất định (được gọi là tục thách cưới). Muốn lấy được vợ, nhà trai phải đáp ứng đòi hỏi về lễ vật mà nhà gái đưa ra. Nếu không đáp ứng được thì nhà gái sẽ không gả con gái cho.
“Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của nhà trai, mà bên chú rể sẽ trao đổi với bên cô dâu để có thể bớt được một phần lễ vật. Sau khi thương lượng, hai nhà sẽ thống nhất về số lượng và chủng loại lễ vật mà nhà trai phải mang sang trước khi đón dâu về”, anh Xoang chia sẻ.
Ngày nay, thanh niên nam nữ Dao Khâu đến tuổi được tự do tìm hiểu và kết hôn. Khi hai bên ưng ý, nhà trai sẽ tìm người mai mối, đến xin ý kiến bố mẹ nhà gái dạm hỏi, cho 2 con kết hôn.
Anh Tẩn A Xoang cho biết: “So với trước đây, đám cưới của người Dao Khâu giờ đã cải tiến hơn nhiều. Thấy rõ nhất ở tục thách cưới, bởi đã giảm phần nhiều áp lực về kinh tế cho nhà trai. Nếu trước đây, nhà gái thách cưới khoảng 30 đồng bạc thì nay giảm đi chỉ còn 5 – 6 đồng. Nếu không có đồng bạc sẽ được quy đổi bằng tiền mặt”.
Vẹn nguyên nét truyền thống
Mới đây, trong khuôn khổ Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022, du khách đã có cơ hội tìm hiểu lễ rước dâu của người Dao Khâu khi nghi thức này được tái hiện. Lược bỏ những thủ tục lạc hậu, trích đoạn lễ rước dâu vẫn vẹn nguyên nét đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong nghi lễ, khi được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ xin thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người con gái để nhờ thầy cúng xem hộ. Nếu hợp nhau thì nhà trai mang sính lễ đến dạm hỏi. Sau khi đã ăn hỏi, người con gái ở nhà thêu thùa, chuẩn bị quần áo, trang phục, rồi đợi nhà trai xem ngày lành, tháng tốt tổ chức đám cưới.
Theo quan niệm của người Dao Khâu, mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi Mặt trời chưa “thức giấc”. Vì thế, lễ rước dâu thường được tiến hành vào buổi sáng ngày chính thức của lễ cưới.
Thường thì từ 5 – 8 giờ, tùy theo từng dòng họ. Trong buổi sáng quan trọng đó, bản làng người Dao Khâu sẽ được thưởng thức một bản hòa tấu đặc biệt của màu sắc và âm thanh.
Vào ngày cưới, ngoài bộ quần áo truyền thống, trang phục cô dâu còn có thêm hai băng vải đỏ, quàng chéo từ vai nọ sang nách kia. Khăn được kết thành một bông hoa ở cạnh sườn, vải còn thừa để thõng xuống chấm đất. Một băng vải đỏ ngắn hơn, cuốn từ trước bụng ra sau lưng, thắt lại, hai đầu còn lại để thõng xuống gót chân.
Khác với một số dân tộc anh em, trong lễ đưa dâu của đồng bào Dao Khâu, ông bà nội, ngoại sẽ không có mặt khi đưa dâu. Cô dâu sẽ được một cô gái trẻ, chưa có chồng làm phù dâu và giúp mình che ô.
Theo quan niệm, việc che ô có ý nghĩa là che chở cho cô dâu về nhà chồng được bình an, hạnh phúc và đề phòng sự quấy nhiễu của ma quỷ dọc đường.
Khi đoàn đưa dâu gần đến cổng, nhà trai sẽ ra đón ở dọc đường, ngoài ngõ. Dẫn đầu là một người thổi kèn, 2 người đánh trống, chiêng. Khi vào đến nhà, nhà trai cử người mời nước trà đoàn đưa dâu để tỏ lòng hiếu khách.
Gia đình nào có điều kiện còn chuẩn bị xôi, thường là xôi tím hoặc vàng để mời nhà gái dùng sau đoạn đường dài mệt mỏi. Sau đó, đội kèn, trống đi vòng qua, vòng lại đoàn đưa dâu để cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ mãi mãi bên nhau, bền chặt.
Đối với cô dâu, giờ nhà trai rước dâu là giây phút thiêng liêng nhất của tuổi thanh xuân. Cô dâu sẽ bước vào cửa chính của nhà chồng bằng chân trái.
Đứng trước cửa chính, cô dâu được thầy cúng làm thủ tục hóa giải những cái ác, cái xấu trước khi chính thức trở thành người của nhà trai.
Nhà trai sẽ chọn một phụ nữ đã có chồng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trai gái đủ đầy để dắt tay cô dâu vào nhà. Đồng bào quan niệm rằng, đó là thể hiện mong muốn sau này cô dâu, chú rể cũng thuận vợ, thuận chồng, mãi mãi hạnh phúc.
Sau đó, cô dâu vào trong nhà quỳ gối trước bàn thờ gia tiên để ra mắt gia phong và thầy cúng làm lễ nhập khẩu. Sau lễ nhập khẩu, thầy cúng “làm phép” vào một chén rượu, đảo qua đảo lại rồi vắt chéo tay đưa cho cô dâu và chú rể uống hai lần.
Hết phần rượu trong chén, lúc này được coi là lễ kết hôn chính thức. Cô dâu, chú rể uống hết chén rượu thì coi như sẽ có một cuộc sống gắn bó bền chặt, không bao giờ ly tán.
Trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng tuyên bố đôi nam nữ đã thành vợ chồng, mãi mãi có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Sau lời tuyên bố, mẹ chồng dắt con dâu vào phòng tân hôn, chuẩn bị chỉnh sửa trang phục ra mắt trước toàn thể hội hôn. Thầy cúng làm lễ để hai ông mối của hai bên gia đình cảm tạ nhau, hứa hẹn dạy dỗ hai con.
Chị Chẻo Thị Thanh, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Qua việc tái hiện lễ rước dâu, chúng tôi mong muốn mọi người sẽ biết đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Khâu ở Sìn Hồ”.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/doc-dao-nghi-le-ruoc-dau-cua-nguoi-dao-khau-rs0ibn9nR.html