Độc đáo nghệ thuật trang trí trên bia đá chùa Bóng

15:30 | 14/03/2022

Trang trí bia đá là một cách làm đẹp dùng các họa tiết trang trí như rồng, phượng, vân mây, hoa lá, dây leo, con vật… để chạm khắc lên bia. Trải qua các triều đại trong lịch sử đều có những dấu ấn và cách trang trí riêng có. Mỗi triều đại đều cố gắng tạo nên những sự khác biệt với các triều đại trước trong việc trang trí bia đá.


Mặt trước bia Tu cấu Viên Quang khám với trang trí hình rồng cuộn.

Trong quá trình trang trí bia các nghệ nhân dùng các họa tiết với nhiều cách bố trí để truyền tải hoặc thể hiện qua điểm thẩm mĩ, ý tưởng rõ ràng. Bia đá thường được trang trí trên các phần như trán bia, diềm bia và chân bia. Tùy thuộc vào bia mà có sự trang trí phù hợp. Trán bia chạm hai con rồng chầu mặt trời, mặt nguyệt, hình rồng được chạm tỉ mỉ công phu từ đuôi, vẩy, vây, chân, mắt, râu, bờm, móng, đặc biệt là đối với các văn bia có sự góp công của nhà nước, quan viên, hoặc bia có vị trị đặc biệt quan trọng. Các hoa văn khác như mây lửa, dây leo, hoa, là đặc điểm chung và có mặt trong nhiều tấm bia.

Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) – một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn. Văn bản Quang Minh tự sự tích đã miêu tả cảnh chùa: “Chùa Quang Minh Hậu Bổng, ngàn cây lớn biếc, bốn mặt nước trong, đằng trước có đường cái quan, sông Vĩnh Hà lượn về trái, thật là một thắng cảnh của cõi Phật”. Văn bia Tu cấu Viên Quang khám cho biết: “Chùa Viên Quang xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng là danh lam của nước Nam. Chùa vốn là cổ tích: phía trước có nước triều lên, phía sau là bát ngát ruộng đồng; phía trái là xóm làng trù phú, bên phải có chợ náo nhiệt, mỗi dịp xuân về muôn hoa đua nở, nhân dân hoan hỷ hội tụ về, ngựa xe chen chúc võng lọng tấp nập, một bầu cảnh Phật đẹp đẽ lạ thường – một kì quan nhất vùng”. Chùa không những nổi tiếng có lịch sử lâu đời mà còn gắn liền với câu truyện huyền tích trong lịch sử gắn liền với Thiền sư Huyền Chân. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được 3 tấm bia đá cổ ghi chép về việc trùng tu xây dựng tháp cửu phẩm liên hoa, xây dựng Viên Quang khám và bia Hội chủ hưng công xây dựng trùng tu chùa.

Mặt sau bia Tu cấu Viên Quang khám với trang trí hình rồng trườn.

Đáng chú ý nhất trong số 3 tấm bia đá hiện còn ở chùa là tấm bia Tu cấu Viên Quang Khám bi kí  kí hiệu 13111 (hiện bia này vẫn còn lưu tại chùa) khắc ngày 1 tháng 5 năm Diên Thành thứ 2 (1579) nhà Mạc. Hoa văn trang trí hình tượng rồng 5 móng do Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556) Công bộ Thị lang Đông các học sỹ Đỗ Uông soạn chép việc: Năm Diên Thành thứ nhất nhà Mạc, (ứng với năm Quang Hưng thứ nhất nhà Lê –  Mậu Dần 1578). Quan Phụ chính Ứng vương thường qua phủ Vĩnh về hầu vua đi qua đây, mến mộ cảnh này mà dựng vương phủ ở cạnh chùa, làm nơi nghỉ ngơi khi qua lại. Ông liền bỏ tiền tậu ruộng, để mở rộng đất chùa, chọn gỗ gọi thợ, để trang nghiêm chính điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hồi lang vây quanh cùng với tam quan lầu các. Chỗ nào cũ nát thì làm mới lại; chỗ nào hư hỏng thì tu bổ lại. Bia đá này được GS Đinh Khắc Thuân đánh giá là có hoa văn đẹp nhất trong các bia đá thời Mạc.

Tấm bia được khắc 2 mặt, mặt trước ghi chép về việc xây dựng Viên Quang khám, mặt sau ghi chép tên những người phát tâm cúng dàng.

Về cách trang trí trên mặt trước của bia đá, trên trán bia là 2 con rồng đang ôm mặt nguyệt, phía sau 2 con rồng lớn lại có 2 con rồng nhỏ, tất cả các con rồng trên trán bia đều có 5 móng vuốt. Hai bên diềm bia được trang trí 32 con rồng cuộn tròn, mỗi bên 16 con. Phía dưới diềm chân bia tạc 2 con đang vờn cầu lửa. Mặt sau của bia đá này trên trán bia là khắc hình 1 con rồng nhô mặt ra phía trước chính giữa của trán bia, đầu rồng có sừng, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm hình thú nhô. Hai bên diềm bia khắc 6 con rồng toàn thân đang lao xuống nhưng đầu lại ngổng lên. Diềm chân bia là khắc 4 con rồng và 2 con phượng tạo thành 6 vòng tròn đều nhau. Điều đặc biệt nữa ở bia đá này chính là 2 bên cạnh của bia còn được các nghệ nhân chạm khắc mỗi bên 6 con rồng đang cuộn tròn đều nhau, nghệ thuật trang trí rồng cuộn này còn được gọi là “viên long – rồng cuộn”. Đây là điểm khác biệt so với nhiều bia đá khác, bởi lẽ thường ít bia chạm trổ trang trí hoa văn hai cạnh của bia.

Như vậy, tính tống cộng trên bia đá này đã được chạm khắc trang trí 55 con rồng, có thể nói đây là số lượng rồng nhiều nhất, độc đáo trong nghệ thuật trang trí bia đá ở chùa Quang Minh.

Về hình tượng Rồng thời Mạc, theo các nhà nghiên cứu thì đó là sự kế thừa rồng truyền thống Lý, Trần, và cả rồng thời Lê sơ. Đặc điểm chung là: thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng, mây đao lửa điểm xuyết trên thân, sóng cuộn dưới bụng, chân ngắn, lông khủyu sợi đơn uốn xoắn. Đầu rồng có sừng hai chạc, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô ra phía trước. Tuy nhiên đa phần lại chỉ là rồng có 4 móng vuốt.

Cạnh bia Tu cấu Viên Quang khám với trang trí hình rồng cuộn.

Theo GS. Đinh Khắc Thuân: “Hình rồng trang trí trên bia chùa Viên Quang đặc biệt hơn cả. Trung tâm trán bia có hai rồng uốn lượn ôm gọn mặt nguyệt treo lơ lửng ở trên, hai bên là hai hình rồng chầu khác. Diềm bia trên được trang trí bởi các hình rồng cuộn, diềm chân bia là hai rồng vờn cầu lửa. Chùa này do Phụ chính Ứng vương dựng, nên đề tài trang trí trên bia này mang tính cung đình. Vì thế rồng là đề án chủ đạo”.

Như vậy, qua bia đá còn lại ở chùa Quang Minh, có thể thấy nghệ thuật trang trí ở trên tấm bia này là rất độc đáo, so với gần 200 bia đá có niên đại dưới triều nhà Mạc. Đề tài chủ đạo của tấm bia là hình tượng rồng với nhiều hình thế khác nhau, tạo nên một tấm bia đá được trang trí toàn hình rồng tượng trưng cho nghệ thuật chốn cung đình.

Tấm bia đá còn đặc biệt có giá trị về thôn tin tư liệu, nội dung bia đá cho cho chúng ta biết việc Phụ chính Ứng vương có công trong việc xây dựng chùa, mở mang ruộng chùa, xây dựng điện thờ Phật, hành lang xung quanh, cửa tam quan và lầu chuông, đó là tấm lòng từ bi của quan Phụ chính Ứng vương vui làm điều thiện. Sở dĩ làm như vậy bởi chưng muốn nhờ chùa Phật nước Nam, với mong muốn bậc vua chúa cầu mong triều đại trường tồn, dân sinh hưởng phúc, chính pháp hưng long, tử tôn duệ trí; với sĩ thứ nhân dân thập phương cầu mong bình an giải nàn, con cháu sum vầy, hưởng phúc. Bên cạnh đó bia còn cho biết niềm tin của Thái hoàng Thái hậu là mẫu nghi thiên hạ, nối theo gót Phật, gieo ruộng phúc mà dựng xây nhiều chùa.

Bia đá hiện đang bảo quản tại chùa Quang Minh.

Tấm bia là hiện vật quan trọng của chùa Quang Minh, không chỉ vì có hoa văn trang trí độc đáo chốn cung đình, mà còn nó là minh chứng ghi lại công lao to lớn của quan Phụ chính Ứng vương và nhiều tín thí khác trong việc trùng tu xây dựng chùa Quang Minh.

Qua nội dung của văn bia này, càng củng cố thêm truyền thống xưa nay của cha ông chúng ta khuyên mọi người tiết kiệm trong chi tiêu thường nhật và dành dụm để xây dựng và tôn tạo mở mang cảnh chùa và các công trình phúc lợi để cầu phúc cho con cháu đời sau. Đó chính là nét đẹp của nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam nhằm gìn giữ di sản của tiền nhân để lại.

Ngày nay, để gìn giữ, xây dựng và phát triển, chùa đã và đang được Sư trụ trì Thích Giác Thành và nhân dân Phật tử, thiện nam tín nữ trong làng, trong xã và ngoài tỉnh, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp công sức để trùng tu làm cho chùa ngày càng khang trang và xứng đáng với chốn thiền lâm đã có trong lịch sử.

Theo Công luận


Cùng chuyên mục

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động