Khi sàn diễn sáng đèn trở lại, ngoài lịch diễn dày đặc của các sân khấu chuyên nghiệp, nhiều CLB sân khấu dành cho diễn viên trẻ cũng đã “chào sân” tại TP HCM và TP Cần Thơ.
Vừa qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã ra mắt CLB sân khấu sau nhiều tháng chuẩn bị. Theo nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung, Chủ nhiệm CLB Sân khấu quận Ninh Kiều, CLB này có 28 thành viên, sinh hoạt vào thứ tư hằng tuần.
“CLB biểu diễn phục vụ các chương trình văn hóa – văn nghệ, góp phần trong việc đẩy mạnh phong trào của địa phương, cũng như bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ. CLB chúng tôi còn tổ chức giao lưu với nhiều CLB khác để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm biểu diễn” – nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung cho biết.
Trước đó, tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM), vở “Lụy tình vương nữ” đã được đưa lên sàn tập để chuẩn bị ra mắt CLB Sân khấu tài năng trẻ dành cho diễn viên cải lương. CLB Sân khấu tài năng trẻ tổ chức theo mô hình dàn dựng các vở cải lương kinh điển cho các diễn viên trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Một tiết mục biểu diễn trong buổi giao lưu ra mắt CLB Sân khấu quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. (Ảnh do BTC cung cấp)
“CLB Sân khấu tài năng trẻ sẽ giúp các diễn viên thử sức những vai diễn khó, trải nghiệm với những nhân vật trên sàn diễn” – ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết.
Từ những năm 1980, Hội Sân khấu TP HCM đã có chủ trương thành lập CLB Sân khấu thể nghiệm. Đây là nơi tập hợp lực lượng diễn viên, đạo diễn trẻ. Sau 10 năm, họ đã là những ngôi sao, làm rạng rỡ mô hình sân khấu xã hội hóa, để từ một CLB phát triển thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM hiện nay.
NSND Trần Minh Ngọc đánh giá cao mô hình CLB Sân khấu Lạc Long Quân, CLB Sân khấu tài năng trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang. “Mô hình CLB sân khấu rất quan trọng, giúp đặt nền tảng ban đầu cho diễn viên trẻ làm nghề, rèn luyện nghề và phấn đấu trang bị nhiều bài học thực tiễn” – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Từ Sân khấu Cầu vồng Tuổi thơ ở Nhà hát TP HCM năm 2006 rồi chuyển thành CLB Sân khấu Lạc Long Quân, hiện nay, CLB này đã về đầu quân tại Nhà hát Trần Hữu Trang, trở thành đơn vị xã hội hóa được nhà hát làm “bà đỡ”. Sân khấu này cũng tiên phong dàn dựng, biểu diễn kịch sử Việt, trích đoạn cải lương sử Việt và các vở ngắn về cổ tích, dân gian; đối tượng hướng tới là sinh viên, học sinh, tích cực tham gia sân khấu học đường.
Theo Ban Chủ nhiệm CLB Sân khấu Lạc Long Quân, CLB vừa có buổi trao đổi về hướng hợp tác giữa CLB này với CLB Sân khấu quận Ninh Kiều. Việc “bắt tay” này là nhằm tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên của TP HCM và TP Cần Thơ cùng nhau biểu diễn nâng cao tay nghề, phục vụ khán giả tại 2 thành phố.
Có thể nói CLB sân khấu là một mô hình độc đáo và cần thiết để các diễn viên, đạo diễn sau khi tốt nghiệp có thể đầu quân, từng bước rèn luyện tay nghề. Từ môi trường này sẽ cung cấp những nhân tố mới cho sân khấu.
Hội Sân khấu TP HCM cũng đang ráo riết triển khai kế hoạch thành lập CLB đạo diễn trẻ, CLB tác giả trẻ, tổ chức các buổi truyền nghề, trao đổi kinh nghiệm dàn dựng và biên kịch, để góp phần đào tạo lực lượng kế thừa cho sân khấu chuyên nghiệp của thành phố.
Thanh Hiệp
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/doc-dao-mo-hinh-clb-san-khau-cho-dien-vien-tre-20220630210029576.htm