Độc đáo hát Sli của dân tộc Nùng Bắc Kạn

13:59 | 22/08/2022

“Sli” trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Đây là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu, độc đáo trong kho tàng văn nghệ của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn.  


Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng. Có thể kể đến một số kiểu loại chính: Người Nùng Cháo có Sli Slình làng, người Nùng Giang có Sli Giang, người Nùng Phàn slình có Sli bốc, Sli Phàn slình…

Tại Bắc Kạn, hát Sli ra đời, tồn tại và lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Nùng gắn liền với hoạt động của chợ tình Xuân Dương, được tổ chức vào ngày 25/3 âm lịch hằng năm.

“Sli” trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Hát Sli là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ giữa một bên nam và một bên nữ, thường do một hoặc vài đôi trai gái thể hiện.

Trình diễn hát Sli tại Hội chợ văn hóa truyền thống xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Không gian diễn xướng của Sli rất đa dạng, có thể diễn ra ở các ngày chợ phiên, các lễ hội truyền thống, trong đám cưới, mừng nhà mới…

Một buổi hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì

Sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ); dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát). Cùng với các lối hát trên, hát Sli có hai hình thức hát gồm thể tự do và thể có bài bản tổ chức thành cuộc hát.

Một cuộc hát Sli thường diễn ra theo ba chặng, chặng thứ nhất là những bài hát chào mời thăm hỏi. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên để bắt đầu một cuộc hát Sli.

Chặng thứ hai là những bài hát trao đổi tâm tư tình cảm. Đây chính là giai đoạn lôi cuốn nhất của hát Sli, ở giai đoạn này, hai bên sẽ đối đáp, lời đối đáp của họ xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

Chặng thứ ba là những bài tiễn biệt dặn dò, là lúc họ trao nhau những lời chúc, lời hẹn ước với nhau, mong một ngày tái ngộ để lại được cùng nhau say đắm trong những câu ca Sli.

Thông thường, bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng). Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy.

Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo.

Khi hát, người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên, tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Không gian diễn xướng của Sli không bị giới hạn mà rất đa dạng. Sli có thể diễn ra ở ngoài trời trong các dịp như các ngày chợ phiên, các lễ hội truyền thống. Khi đi chợ hoặc tham gia lễ hội, họ gặp nhau, kết thành nhóm hát và chọn địa điểm để hát. Đó có thể là quán nhỏ ven đường, chợ phiên, đầu hoặc cuối chợ, dưới gốc cây to, ven rừng, ven suối…

Xã Xuân Dương, huyện Na Rì, Bắc Kạn được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật hát Sli. Đồng bào Nùng nơi đây vẫn duy trì được chợ tình Xuân Dương vào ngày 25/3 âm lịch để những làn điệu Sli vang xa.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, nhất là kinh tế du lịch với loại hình du lịch văn hóa ngày càng được quan tâm, chú trọng thì hát Sli của người Nùng tỉnh Bắc Kạn là một nguồn tài nguyên, một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt tạo nên sự hấp dẫn riêng có.

Vào dịp 25/3 âm lịch, không chỉ đồng bào Nùng mà cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thường đến chợ tình Xuân Dương giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa “Hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Việc hát Sli của người Nùng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định tính hấp dẫn, độc đáo của nghệ thuật trình diễn dân gian này, những cũng đặt ra những yêu cầu mới trong việc bảo lưu, trao truyền, hình thành, phát triển không gian văn hóa Sli.

Hiện, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân cư tại các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy, trao truyền nghệ thuật hát Sli trong cộng đồng. Đồng thời, đề xuất những chính sách hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá di sản này.

T.Toàn (ảnh: backan.gov.vn)
Nguồn Báo Công Luận

https://www.congluan.vn/doc-dao-hat-sli-cua-dan-toc-nung-bac-kan-post209998.html#p-2

 

 

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống