Đặng Vương Hưng đặt tiêu đề lời tựa cho cuốn nhật ký của Liệt sỹ Hoàng Thượng Lân mà mình sưu tầm, biên soạn là Một cuộc đời huyền thoại và một người lính tài hoa và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đặt tên sách Tài hoa ra trận không phải là không có cơ sở. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có gien nghệ thuật: ông ngoại anh là một trong những người lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Bố anh – ông Hoàng Nguyên Kỳ là họa sỹ, nhà thơ, dịch giả, Thư ký tòa soạn Báo ảnh Việt Nam từ cuối những năm sáu mươi, Hoàng Thượng Lân là sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, bạn cùng trang lứa với các họa sỹ Thành Chương, Lê Trí Dũng…Ngay từ nhỏ anh đã chơi được nhiều loại nhạc cụ như ghi ta, sáo, kèn acmôni ca. Anh, cũng như một vài người trong các em của anh – sau này thành họa sỹ, kiến trúc sư, mê vẽ từ nhỏ. Hoàng Thượng Lân đã nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Vào chiến trường, cầm súng nhưng hễ có thời gian rỗi, ngoài việc ghi nhật ký một cách cần mẫn, thường xuyên là anh cầm cây cọ. Trong di cảo của anh có không ít những ký họa ra đời giữa hai trận đánh.
Hoàng Thượng Lân xung phong vào bộ đội tháng 7.1967. Sau một thời gian huấn luyện và hơn một tháng hành quân với chiếc ba lô khủng trên lưng, đầu năm 1968, từ Hòa Bình, anh đã cùng đơn vị vào đến Vĩnh Linh. Cuộc chiến đấu bấy giờ vô cùng ác liệt và gian khổ: địch dồn bộ binh đánh vào Vĩnh Linh để chặn nguồn tiếp tế của ta với sự hỗ trợ của xe tăng, đại bác và máy bay chiến đấu hiện đại trong khi bộ đội ta chỉ được trang bị chủ yếu là các loại vũ khí hạng nhẹ nên cuộc sống chiến đấu hàng ngày của quân ta chủ yếu là ở dưới hầm hào, trên trảng cát. Hoàng Thượng Lân đã trực tiếp tham dự hàng chục trận đánh với kẻ thù và chứng kiến những tổn thất đau xót. Nhưng ngay từ đầu anh đã nhận thức Tổ quốc lúc này đang cần những con người như mình nên không có khó khăn nào cản được bước chân của người lính trẻ có trái tim tràn đầy khát vọng được cống hiến… Chảy trong huyết quản của anh là dòng máu yêu nước và tình yêu nghệ thuật nên không ngạc nhiên khi anh từ chối những quyền lợi chính đáng sau khi trở ra Bắc điều trị vết thương, để trở lại chiến trường lúc này đã ác liệt hơn, cũng là điều dễ hiểu. Cũng như càng sống xa gia đình anh càng cảm nhận hơn tình cảm đối với ba mẹ nên ân hận về những việc lúc còn ở nhà khiến cho các cụ phiền lòng; càng thương nhớ và lo lắng cho các em hơn. Đó là điều cần thiết để cho ta hiểu những trang nhật ký của anh thực tế là những trang đời được viết ra bằng những xúc cảm chân thành của một tâm hồn giàu cảm xúc nhân văn, ra trận không chỉ bằng lòng căm thù giặc mà bằng cả yêu thương, bằng cả ý thức hoàn thiện bản thân mình, cho người đọc cảm nhận sự hài hòa giữa cảm và nghĩ, giữa gia đình và Tổ quốc trong tư chất một người cầm súng, ở đó bộc lộ một tài năng chưa có dịp để phát sáng.
2. Ghi nhật ký đối với Hoàng Thượng Lân là một nhu cầu hàng ngày không thể thiếu. Anh viết bất kỳ lúc nào, kể cả dưới ánh sáng đèn dù, khi bàn tay phải không còn ngón cái. Người làm sách cho biết anh có đến tám cuốn nhật ký ghi chép dở dang và hàng trăm lá thư.. Đó là chưa kể khi anh hy sinh, tập bản thảo cuối cùng đã trôi theo dòng nước sông Xê băng hiêng mang theo bao nhiêu điều cảm và nhận khác của anh mà chúng ta không bao giờ còn được đọc!
Bản chất nhật ký là thể loại nhằm ghi lại những sự kiện, những cảm nghĩ trong cuộc sống hàng ngày dưới một cái nhìn rất riêng tư, mang tính chủ quan. Với hơn 4 năm mặc áo lính, sống và chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Quảng Trị – chiến trường mà những năm 68- 72 có thể coi là ác liệt nhất. Những trang viết của Hoàng Thượng Lân chủ yếu ghi về những trận đánh ác liệt, những gian khổ hy sinh mà anh và đồng đội đã trải qua để giữ đất và sự lưu thông con đường huyết mạch vào Nam. Đằng sau những ghi chép đó của anh người đọc thấy được sự trưởng thành của một con người, độ sâu sắc của những suy nghĩ và độ chín của cảm xúc. Ngay từ những ngày đầu hành quân vào Nam anh đã gặp một bà mẹ “thức suốt đêm đứng nhìn theo đoàn quân rầm rập đi qua: mẹ thương các con quá, mẹ không nỡ ngủ khi các con còn đây” và “nhường nhà cho bộ đội ngủ, còn người nhà ra đống rơm nằm” (tr27), anh đã chứng kiến một người đồng đội bỏ trốn không thành, bị bắt lại, hỏi sao chuồn, anh ta trả lời nhơn nhơn: sợ đi, hết đêm này qua đêm khác mà cái ba lô thì nặng như chì! Tuy mới mới đi được có mấy ngày nhưng anh có cảm giác đã “thèm đủ thứ trên đời” và rất nhớ nhà cùng những kỷ niệm êm ấm của gia đình. Đêm nằm ngủ trong rừng, buồn lắng, hát khẽ bài Trở về Xuriento của Ý nói về nỗi nhớ quê hương, bị cậu bạn võng bên hét sang: Thôi bố ơi, con xin! Bố mà hát cái điệu ấy nữa thì con cũng phải lấy dao mà tự tử mất thôi!”. Mà ngay từ những ngày đó, nhìn đoàn quân đi về Nam, anh đã tự hỏi lòng: rồi đây, ai mất, ai còn? Ai sẽ có cái may mắn được trở về sum họp với người thân của mình? Cảm hứng về tình người, về vẻ đẹp của những miền đất anh qua luôn hiện diện trong anh, đặc biệt khi xuống phà sông Lam sang đất Hà Tĩnh quê hương, nơi anh sinh ra mà chưa có dịp nào trở lại, lòng anh dậy trào cảm xúc. Nơi đây, con người và phong cảnh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, ấn tượng, nhất là hình ảnh một người mẹ chừng ngoài sáu mươi tuổi nói với những người lính: “mẹ thương các con ở đây, cũng như con của mẹ ở nơi xa xôi – nó lại trông vào tình thương của của những bà mẹ khác” (tr 43). Tình cảm của người dân đối với bộ đội, giữa những người bộ đội với nhau đã ghi dấu đậm sắc trong tình cảm của Hoàng Thượng Lân. Với tư chất cua một họa sỹ anh thẩm thấu nhanh vẻ đẹp của mỗi con người và vùng đất anh qua dù thiên nhiên ở đấy đã bị đạn bom cày xới đến biến dạng và con người trở nên khắc khổ hơn. Anh đã ghi về những điều mắt thấy tai nghe, kể cả những yếu đuối thường tình lẫn dấu hiệu của sự dối trá, đớn hèn mà sau này đi vào chiến trường, cái ác liệt sẽ là môi trường sống cho nó phát triển, nhất là khi năng lực, trình độ hạn chế của các cấp chỉ huy lại được sự cộng hưởng của lòng đố kị.
Tham gia trực tiếp những trận chiến ác liệt, Hoàng Thượng Lân đã cho thấy sự cứng cỏi của một bản lĩnh nghệ sỹ trong chàng trai thành phố trước những khốc liệt của bom đạn, giữa những thiếu thốn, cực khổ của cuộc sống hàng ngày ở chiến trường. “Cái chết nhanh và bất ngờ vô cùng…Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ”. Anh đã ghi chép khá tỷ mỷ về trận Đại Độ trong phần Hai là thư – nhật ký thay cho “di chúc”, “một trận ghê gớm nhất” đối với anh, ở đó anh đã mất đi một phần cơ thể của mình và cả tiểu đội hy sinh chỉ còn người tiểu đội trưởng bị thương nặng xem chừng khó qua khỏi. Vậy mà trên đường ra Bắc điều trị, thật cảm động khi nhận thấy sức mình còn đi được, anh tìm cho mình chiếc gậy, tự đi, nhường cáng cho anh em khác.
Trong cuộc chiến ác lịêt đó, Hoàng Thượng Lân vẫn luôn ý thức về sự vững vàng cần thiết để đương đầu với mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thời kỳ đầu các đơn vị bộ đội của ta vào Nam Bến Hải đánh nhau với địch một thời gian rồi lại rút ra bờ Bắc củng cố. Sau khi bổ sung quân số và vũ khí đầy đủ, đơn vị lại tiếp tục trở vào và sau này trụ hẳn lại. B52 và các loại máy bay khác trút bom, pháo từ tàu chiến ngoài khơi câu vào, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu nã đến. Máy bay trinh sát L19 vè vè suốt ngày, chỉ điểm đến đâu, bom pháo dội đến đấy. Lính Cộng hòa và Mỹ từ trong kéo ra. Quảng Trị như một chảo lửa, túi bom. Dân, hoặc đưa ra Bắc, hoặc chạy vào Nam, số trụ lại không nhiều. Trong tình hình đó cuộc chiến đấu càng gay go hơn. Một đồng đội sợ chết nên trên đường hành quân luôn tìm cách tụt lại cuối đoàn “Mình điên tiết, quay lại, chẳng cần ý tứ gì, nói thẳng: này, tao hỏi thật mày, mày muốn hàng địch phải không? Thế thì gắng mà đi. Chúng tao cũng mệt chẳng kém gì mày. Nếu mày đi chậm lại hoặc bị lạc thì liệu hồn. Muốn theo địch thì cứ bảo. Mình nói với hắn và và đỡ thêm một cái xoong cho hắn. Một đồng đội bị bom làm dập nát cánh tay. Một tiểu đội trưởng Quynh chết thảm khi cùng đơn vị đi bắt phi công nhảy dù. Những người dân vẫn nín lặng cam chịu những hy sinh về người và của. Một cháu bé chào đời trong cảnh bom nổ điên loạn và máy bay đang gáo rú trên đầu khi người mẹ không kịp đi trạm xá. Và trong những ngày ác liệt đó, trái tim anh đã rung động nhưng lại kịp chối từ trước tình cảm của một cô gái Vĩnh Linh vì biết hoàn cảnh của mỗi người sẽ không thể đến được với nhau. Như sau này anh trốn chạy tình cảm của Thủy để rồi, nửa năm sau, nhận tin Thủy lấy chồng với trái tim tan nát vì vẫn yêu anh, Hoàng Thượng Lân mới cảm nhận những mất mát của tuổi trẻ. Thảng thốt, buồn, nhưng chiến tranh lại kéo anh vào vòng xoáy của nó. Xác định kỹ rồi. Đi thôi! Mỗi lần đi là thêm một lần hiểu biêt. Tầm mắt được trải rộng dần theo những con đường đưa ta ra mặt trận…Ta chuẩn bị đi vào một vùng của sự suy nghĩ. Suy nghĩ để ý thức và hành động một cách đúng đắn.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng có câu “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Hoàng Thượng Lân thì cụ thể hơn khi “nghiện tiếng nổ, nghiện sự ồn ào hoảng hốt trong khói bom, sự yên tĩnh, vững vàng của những mái nhà ở tuyến đầu trong tầm đại bác…Trong máu và mồ hôi, trong chia ly: nước mắt và đau khổ, trong hồi hộp và đợi chờ và trong biết bao thứ, người ta vẫn tìm thấy ở đấy bao nhiêu là niềm vui, niềm kiêu hãnh thiêng liêng, những bài học quý báu mà ở ngoài hậu phương không thể nào có được” (tr 230). Mảnh đất Vĩnh Linh như lũy thép không chỉ vẫn hiên ngang nơi địa đầu của miền Bắc, mà còn là vùng đất rất đẹp với những địa danh như vùng biển Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, những trảng cát chạy dài, những đêm Trường Sơn thơ mộng, những con người nhân hậu đã coi sự trụ lại để chia lửa, giúp đỡ bộ đội là trách nhiệm của mình. Vĩnh Linh đã sống trong những trang nhật ký của Hoàng Thượng Lân với tình yêu và cảm xúc của một chiến sỹ- nghệ sỹ. Cho nên thật xúc động khi giữa những ghi chép trên, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nỗi nhớ cháy lòng về ba mẹ, các em, nỗi lo của người con cả trong gia đinh sau một thời gian chinh chiến xa nhà “Con cứ nghĩ một ngày không xa, khi cả nước khải hoàn, ba mẹ và các em sẽ đọc lại những dòng nhậy ký này – những ngày sống và chết, mồ hôi và máu đã thôi thúc con có những cảm xúc phơi bày trên trang giấy. Ba mẹ ơi, Giờ đây con cứ muốn được về nhà, con sẽ lê đôi chân của mình (vì mệt mỏi lắm rồi), leo lên cầu thang, gõ cửa phòng 48, con sẽ khuỵu xuống cửa nhà và…con sẽ òa lên khóc.”
Câu chuyện bi hài về một kẻ chiêu hồi gặp dân quân, tưởng người của đối phương nên chửi bới bộ đội mình, bị dẫn độ về; hỏi chuyện với một tù binh Cộng hòa “da mặt xanh lét vì máu ra nhiều” khiến anh cảm thấy “mình không ghét hắn một tí nào cả” bởi kẻ đăng lính vì quân dịch giờ đã thành một phế binh chưa có tương lai phía trước đã gợi lên trong anh niềm trắc ẩn; cùng những trang viết đầy ẩn ức về một ông cán bộ và những đồng phạm trong hành xử với anh, cho thấy rõ hơn tính muôn mặt đời thường của cuộc sống trong chiến tranh và tính nhân văn trong tâm hồn Hoàng Thượng Lân. Tài hoa ra trận dừng lại ở những cảm xúc của anh về những cô gái thanh niên xung phong khi anh “nhìn thấy một niềm tin sắt đã vào ngày thắng lợi cuối cùng, một sức sống tiềm tàng chứa đựng ở những khuôn mặt xanh lướt vì mệt mỏi, thiếu ngủ và nụ cười nụ cười hồn nhiên” của họ. Hôm đó là ngày 5.5.1971. Hơn năm tháng sau, ngày 25.10, hai mươi lăm tuổi, Hoàng Thượng Lân đã hy sinh trong một trận ném bom dữ dội khi anh cùng đồng đội đang vượt sông….
3.Năm mươi năm đã trôi qua. Những thành tích chiến đấu của Hoàng Thượng Lân lúc bấy giờ đã được ghi nhận bằng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và Huân chương chiến công Giải phóng. Tuy nhiên, theo tôi, lưu lại với thời gian, có sức sống bền lâu trong việc truyền cảm hứng cho hậu thế có lẽ chính là những trang nhật ký mà anh để lại trong Tài hoa ra trận.. Người đọc hôm nay hiểu rằng ý nghĩ, tình cảm và ứng xử của Hoàng Thượng Lân mang nét đặc sắc của một người lính – nghệ sỹ, một công dân Thủ đô, xuất thân trong một gia đình có gien nghệ thuật và có truyền thống cách mạng yêu nước ở Hà Tĩnh đã và đang đối mặt với chiến tranh bạo liệt; và nhật ký ấy được viết trên đường hành quân, trong chiến hào pha lẫn với những giọt mồ hôi và máu của anh đã rỏ xuống.
Đọc lại Tài hoa ra trận với những đồng cảm của người cùng thế hệ, bài viết như một nén tâm nhang tưởng nhớ đến Hoàng Thượng Lân và những người lính đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị khốc liệt vào những năm 71-72. Mãi mãi, trong ký ức mọi người anh vẫn sống tuổi hai mươi trong tình yêu đất nước, trong sức xuân của một tâm hồn đa cảm, một tài hoa đang độ chín, “ra đi từ đó không về”… ./.
Quan Nhân – hạ tuần tháng 7 năm 2021
PGS.TS Tôn Phương Lan