Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn có nhiều khác biệt so với các vị vua tiền triều. Dư luận đương thời râm ran lời tán tụng nhưng cũng không ít lời chê trách. Nhìn lại thực chất công cuộc cải cách của Bảo Đại, triều đình Huế mất hết mọi chủ quyền, ngay cả quyền thu thuế trả lương cho chính nhà vua. Mọi chi phí của vua đều phải xin Pháp, phải qua ba chữ ký.
Bảo Đại tên húy là Vĩnh Thụy, sinh năm 1913 tại kinh thành Huế, ngày 28/4/1922 được tấn phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử, nghĩa là sẽ được quyền nối ngôi vua. Khi mới lên chín tuổi, Bảo Đại được cho đi Pháp du học.
Năm 1925, khi vua Khải Định chết, Bảo Đại về nước để chịu tang và để làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế. Sau đó, Bảo Đại trở lại Pháp tiếp tục việc học cho đến năm 1932 thì về nước và chính thức trị vì.
Vua Việt ngự triều nói tiếng Tây
Theo tác giả người Pháp Daniel Grandcléme, khi chủ toạ buổi chầu truyền thống đầu tiên với triều thần, vua phát biểu bằng tiếng… Pháp. Điều này đã xúc phạm các vị quan trẻ có tinh thần dân tộc và các vị quan già được rèn giũa trong nền văn hoá lâu đời.
Bằng tiếng Pháp, Bảo Đại giải thích cho đám cận thần rằng không muốn có những hình thức chào hỏi quá cung kính. Từ nay các quan vào chầu sẽ không phải lạy, không phải quỳ gối cúi rạp mình trán chạm đất khấu đầu ba lần liên tiếp trước sân rồng.
Từ bây giờ, sau tiếng xướng chói tai của quan tuyên cáo, các quan bước thong thả đến xếp hàng ngang trước mặt vua. Việc bỏ lạy được thi hành đồng thời ở kinh đô và các tỉnh. Báo chí thân Pháp reo lên: “Nước An Nam trẻ vừa tuyên bố đã đến lúc giảm nhẹ sự giám hộ hơi nặng nề của quá khứ”.
Daniel Grandcléme viết: “Có nên đi xa hơn không?. Có nên dời dô đi khỏi Huế, biểu tượng của một triều đại nhưng cũng là biểu tượng trì trệ?. Rất nhiều người An Nam thích Hà Nội hơn. Huế mốc meo, khép kín. Nhưng có yên lặng gì đâu. Kinh thành sớm trở thành một cái ổ mánh khóe mưu toan chèn ép, kèn cựa nhau…
Trong thời gian vua vắng mặt, các bà nội, bà ngoại của vua – thái hoàng thái hậu – mê mải cờ bạc, chi tiêu những khoản tiền quá lớn. Hai mươi nhăm nghìn đồng bạc trong quỹ riêng của nhà vua đã phải trích ra để trả nợ mà vẫn không đủ. Rồi các bà đòi thăng quan tiến chức cho những người được các bà che chở.
Đứng đầu chủ nợ lại là một ông già nguyên là người đứng đầu Hội đồng thượng thư (Nội các). Không khí đến nghẹt thở, khiến Bảo Đại bực tức, ông muốn xoá bỏ những thói hối lộ trong bộ máy cai trị của triều đình và đổi mới các quy tắc thừa hưởng trước đây. Ông tin ở hiệu năng của cuộc cải cách.
Ông áp dụng không băn khoăn do dự những biện pháp do khâm sứ Chatel đã soạn thảo công phu và còn tự mình bổ sung những điểm mới. Chấm dứt những lễ tiết cổ hủ xa hoa trước đây. Giảm bớt các lễ thức chào hỏi cung kính, tôn thờ. Bớt những đồ đạc bài trí chỉ gây tò mò mà vô bổ. Bỏ hẳn thói quen để móng tay dài quá mức, để râu dài ở các cụ cao tuổi, chỉ dám nhìn dưới đất chứ không ngẩng mặt lên nhìn vào người đối thoại. Bỏ cả thói quen chọc tiết khi giết mổ bò”.
Cho tới lúc này, những tập tục của triều đại nhà Nguyễn đã lỗi thời, ít bình thường.
Vua dậy từ 6h sáng, phải ghi mấy chữ bằng son về ngọc thể có gì bất an không vào một cuốn sổ do các thái giám trình lên rồi đem đi bố cáo cho triều đình.
Sau khi tiếp chuyện mấy bà phi, vua bắt đầu làm việc, ngồi suy nghĩ hay đi lại một mình đọc theo hành lang lắp cửa kính.
Cứ hai ngày một lần, theo lệ định từ xưa, vua cho gọi người đem kiệu đến, ngồi trên kiệu có người khiêng đến vấn an Thái hậu. Và cũng theo lệ từ xưa để lại không hề thay đổi, vua ăn 3 bữa một ngày.
Hàng ngày đúng 6h30 ăn sáng, 11h ăn trưa và 19h ăn tối.
Mỗi bữa có đến 50 món khác nhau trong thực đơn được thay đổi hàng ngày do một đội ngự thiện riêng.
Cứ mỗi món được đậy kín bằng nắp hình quả chuông bên ngoài ghi tên món ăn.
Gạo thổi cơm phải được nhặt kỹ từng hạt một để không một hạt thóc hay hạt sạn nào còn sót lại. Siêu đun nước chỉ dùng một lần và thay siêu khác. Tuy nhiên, tất cả sự cải sửa ấy chỉ là thay đổi sinh hoạt ở triều nghi, cung nội, chẳng liên quan đến chuyện quốc kế dân sinh.
Cách chức cựu thần, bổ nhiệm 5 tân thượng thư thân Pháp
Trong quá trình đô hộ của người Pháp, quyền hành của triều đình Huế ngày càng thu hẹp. Dưới triều Khải Định việc nước hầu như đã khoán trắng cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp qua ông Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài là vị tể tướng cầm đầu triều chính trong thời gian vua Bảo Đại du học tại Pháp.
Khi về nước chấp chính, Bảo Đại đã bổ nhiệm hai nhân vật nổi tiếng là hai ông Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh. Diệm là một vị Tuần Vũ 32 tuổi của một tỉnh nhỏ (Bình Thuận), được giữ chức Thượng thư Bộ Lại đầu triều. Và ông Phạm Quỳnh là một học giả chủ nhiệm báo Nam Phong, nhưng đồng thời cũng là bạn thân của Marty (Giám đốc sở Chính trị của Phủ Toàn quyền), được cử giữ chức Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Ngự tiền văn phòng của Hoàng Đế.
Rõ ràng trong sự chọn lựa chính trị của vua Bảo Đại, yếu tố “trẻ” không phải là yếu tố quyết định nhất; mà chính vì với một Ngô Đình Diệm trung quân, rường mối nhà Nguyễn sẽ vững vàng không lo hậu họa; và với một Phạm Quỳnh thân Pháp, tương quan Pháp – Việt sẽ dễ dàng hơn để có thể thực hiện những cải tổ cần thiết?.
Vấn đề là ai đã tiến cử Ngô Đình Diệm với Bảo Đại?. Tiến cử nhằm mục đích gì?. Tác giả Dạ Thảo đã viết: “Năm 1932, hoàng đế Bảo Đại “hồi loan” chính thức “trị vì” đất nước và đã có cải cách quan trọng, thay thế 5 thượng thư già bằng một lớp thượng thư trẻ tuổi. Vụ việc này đã gây nên vụ “Năm cụ khi không rớt cái ình” nổi tiếng trong lịch sử đầu thế kỷ XX.
Vị thượng thư lão thành đầu triều Nguyễn Hữu Bài, từng làm Thượng thư Bộ Lại 16 năm liền, chỉ chấp thuận từ chức với điều kiện chức vị của ông phải được kế tục bằng chính người do ông tiến cử, cũng là con nhà đạo gốc Thiên Chúa giáo như ông. Người đó là Ngô Đình Diệm. Bảo Đại tán thành ngay và còn cho Diệm kiêm giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Cải cách”. Như vậy, chính Nguyễn Hữu Bài đã giới thiệu Diệm thay thế mình. Diệm suýt nữa cũng là rể của Bài, quan hệ gia đình hai bên rất thân thiết.
Tuy nhiên, sử gia Trần Gia Phụng lại có ghi nhận khác: “Ngày 2/5/1933, tại Huế, với sự hiện diện của toàn quyền Pierre Pasquier và khâm sứ Thibaudeau, vua Bảo Đại tuyên bố cải tổ triều đình. Những quan thượng thư lớn tuổi bị đột ngột cho nghỉ việc mà không báo trước để họ từ chức.
Hành động này được xem là sự bãi chức. Thật ra, đây có thể là mưu tính trước của người Pháp, và Pháp chỉ bất ngờ công bố quyết định cải tổ triều đình khi toàn quyền Pasquier từ Hà Nội vào Huế thảo luận với khâm sứ Thibaudeau, và quyết định thi hành ngay, tạo nên một tình trạng đã rồi, nhằm tránh phản ứng”.
Thật ra việc thay một loại 5 thượng thư trẻ trong đó có Diệm làm người đứng đầu, dù có là điều kiện do Nguyễn Hữu Bài đưa ra, hay là sự lựa chọn riêng của Bảo Đại, thì nhất thiết phải được sự đồng ý của chính quyền Pháp. Vấn đề là việc cải tổ này đạt được mục tiêu gì?.
Tác giả Đỗ Mậu sau này nhận xét khá lạc quan như sau: “Triều đại Bảo Đại đã bắt đầu, theo đúng dự kiến, khá rùm beng. Nhà vua dần dần từng bước nắm công việc triều chính. Bảo Đại có vẻ như được lòng dân. Nhà vua tuyên bố thẳng không chút quanh co úp mở rằng ông có ý định một mình cầm quyền, qua đó muốn nói lên ý muốn nắm quyền thực sự chứ không chỉ bằng lòng với vai trò danh dự.
Biện pháp cải tổ này nhằm vào quan đại thần đứng đầu Viện cơ mật cũ, một cơ quan chỉ có bốn thành viên chủ chốt “tứ trụ triều đình”, nhưng thực tế quyết định mọi công việc trong triều. Viên đại thần già nua đã làm mưa làm gió trong thời kỳ nhiếp chính trước đây đã bị thải hồi”.
Nhưng tác giả Daniel Grandcléme thì cho rằng đây là cải tiến giả, thực sự là một bước lùi về chủ quyền của Nam Triều. Daniel Grandcléme viết:
“Trước đây việc cai trị do một hội đồng được người Pháp bổ nhiệm, vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền bảo hộ. Vua không tham dự công việc của hội đồng, không dính líu vào các quyết định và chỉ giới hạn trong vai trò thuần tuý trang trí.
Năm 1925, một thoả ước mới được ký kết, chính thức chuyển giao nhiệm vụ của hội đồng cho các viên chức Cộng hoà Pháp. Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ thoả ước đó. Từ nay vua sẽ quản lý công việc đất nước, quan tâm đến bước tiến của đế chế. Nhà cầm quyền bảo hộ hoan nghênh.
Thực tế, một điều khoản mới quy định Khâm sứ Trung Kỳ do Paris bổ nhiệm có quyền phủ quyết mọi quyết định của vua ngay cả đối với quyết định ít quan trọng nhất. Vậy là bộ máy lãnh đạo đất nước vẫn y nguyên. Hơn nữa, quan chức người Pháp có chân trong nội các hội đồng thượng thư có thể đồng ý hay không đồng ý với quyết định của nội các. Trái lại, những biện pháp cải cách này dần dà sẽ như là một bước lùi so với hiệp ước bảo hộ năm 1884”.
Thực tế đằng sau cái không khí cải tổ có vẻ hình thức ấy, vận mệnh Trung Kỳ của Triều đình Huế vẫn không có gì thay đổi, ngược lại một sự rạn nứt, đổ vỡ đã xảy ra làm thành mối quan hệ nhân quả cho hàng chục năm sau số phận giữa Diệm và Bảo Đại.
Minh Quang (T/h)