Khúc tháng tư là tên gọi chương trình âm nhạc Nghêu Ngao 17 của nhạc sĩ Diệp Chí Huy vừa tổ chức tại phòng trà Hợp Phố (150 Lê Đình Lý, TP Đà Nẵng). Chương trình giới thiệu gần 20 ca khúc của Diệp Chí Huy, do chính tác giả soạn hòa âm – phối khí , trình diễn và dẫn dắt chương trình cùng sự tham gia của một số ca sĩ trẻ tại Đà Nẵng.
Theo nhạc sĩ Diệp Chí Huy, nếu xu hướng thế giới hiện nay, one man band (ban nhạc 1 người) chỉ có 3 trong một thì chương trình Nghêu Ngao số 17 có tên gọi là “ khúc tháng tư” là 4 trong 1. Tác giả đảm nhận 4 khâu : phổ nhạc , hòa âm , trình diễn và dẫn chuyện liên quan đến hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của bài hát được trình bày bởi chính tác giả.
Mở đầu chương trình Khúc tháng 4, thay cho lời giới thiệu ca khúc Mỏi mòn – một ca khúc mới về mẹ do Diệp Chí Huy phổ thơ và hòa âm từ bài thơ có tên là “Nguyện Cầu” của họa sỹ Trần Thế Vĩnh mà tác giả đã tình cờ bắt gặp trên mạng xã hội facebook ngay lúc họa sỹ vừa đăng, là ca khúc Ngày Ta Xa Nhau.
Huy nói: “Khi nhìn thấy bài thơ của Trần Thế Vĩnh tôi đã ngạc nhiên về câu kinh nói về sự đau khổ vì phải chia lìa với những người mình yêu thương mà họa sỹ dành cho sự ra đi của mẹ mình , một câu kinh mà tưởng như chỉ nói về tình yêu đôi lứa. Sở dĩ có sự đồng cảm lập tức vì đầu 2019, khi tháp tùng cùng một số anh em văn nghệ sỹ ở thành phố HCM và ĐN du xuân kết hợp ghé thăm người họa sỹ trẻ tài hoa này ở một làng quê của anh, khi được tin họa sỹ vừa gánh chịu một nỗi mất mát không thể nào bù đắp này : cha anh vừa mất trước đó vài tháng và giờ đến lượt người mẹ yêu quí của anh lại vừa ra đi”.
Bài thơ Nguyện cầu của Trần Thế Vĩnh có những đoạn: “Mẹ ơi! Đức Phật dạy Đời muôn trùng khổ đau. / Vô thường như cơn gió Như Mẹ đi hôm nào/ Ái biệt ly là khổ Như tình Mẹ và con./ Biết là biết như thế! Sao thương nhớ mỏi mòn.
Khóc than…từng dòng lệ/ Vẫn cứ nghẹn ngào tuôn…”. Với nét giai điệu thanh thoát và hòa âm mộc mạc không sử dụng bộ gõ như thông thường trong bản phối, người soạn nhạc như cố gắng kìm nén tiếng khóc và nỗi đau của người con lại vì thương mẹ không muốn làm kinh động đến giấc ngủ ngàn thu của mẹ nhưng vẫn truyền tải đến người nghe được nỗi đau vô bờ của một người con vừa mất mẹ đi người mẹ hiền .
Một ca khúc khá ấn tượng khác có tên Con mèo vườn rau, theo nhạc sĩ Diệp Chí Huy, vốn từ nhỏ, anh đã chịu ảnh hưởng đạo Phật : “em thương người và vật” điều thứ ba dạy cho oanh vũ của gia đình Phật tử, nên đã cho ra đời của bài hát này khi bắt gặp hai hình ảnh: Cô bé mặc chiếc váy hồng mang cặp đi học về mặt thẫn thờ nhìn chung quanh qua hàng rào toàn là những căn nhà đã bị đập bỏ hoang tàn do cưỡng chế xây dựng không rõ đúng sai; Con mèo chết gục đầu trên bức tường sụp đỗ. Tác giả hình dung ra câu chuyện khi kết nối lại hai bức ảnh trên : cô bé tự đi học về vì không còn ai đón em , lúc về đến nhà thì nhìn thấy con mèo của mình chết bên bức tường sụp đỗ cách căn nhà mình một bước chân, chung quanh hoang tàn đỗ nát , còn lại bức tượng đức mẹ cúi đầu trên bức tường lở lói và ca từ hình thành như sau: “chẳng còn ai đón em/ chẳng còn con mèo chẳng còn căn nhà vườn rau xanh mướt…/ hồng hồng chiếc váy xinh xinh em ngồi bên hàng rào kẽm gai cách căn nhà mình một bước chân con mèo buồn gục đầu bên bức tường sụp đỗ nó chết rồi / bàng hoàng chẳng thấy xinh xinh căn nhà ba mẹ hàng xóm đâu chung quanh chỉ toàn là thép gai đức mẹ buồn gục đầu trên bức tường lở lói như bão về / chẳng còn ai đón em chẳng còn con mèo / chẳng còn căn nhà vườn rau xanh mướt…”. Ca khúc này được tác giả hát mộc guitar, làm nổi bật những hình ảnh bi thương, giàu chất thơ trong ca từ, tạo nhiều cảm xúc cho người nghe.
Chương trình Khúc tháng tư càng trở nên sôi động và thú vị bởi sự xuất hiện đầy ấn tượng của cặp đôi đặc biệt đoạt giải á quân cuộc thi “vợ chồng mình hát” trên sóng truyền hình HTV (vợ là Lê Hà Hàn Giang, chồng là Nguyễn Ngọc Quân). Cái mới của cặp đôi này, là với những ca khúc của Diệp Chí Huy thường phù hợp đơn ca thì họ đã biến thành song ca, biến hóa những giai điệu trở nên quấn quít và bay bổng trong không gian tình tự…
Lớn lên từ quê nghèo Bình Định. Cha là một nghệ sĩ violon và guitar, mất từ khi Huy còn nhỏ nhưng nguồn cảm hứng vô tận từ ông đã dẫn truyền cho đến bây giờ để có một nhạc sĩ Diệp Chí Huy khá độc đáo hôm nay. Đầu tiên, anh chơi với vai trò Lead Guitar và hát trong một nhóm ca khúc chính trị những năm thập niên 80 và suốt cả quãng đời sinh viên trong ban nhạc của trường Đại học Thủy sản ở Nha Trang.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, anh chọn Đà Nẵng làm miền đất sống và tiếp tục niềm đam mê âm nhạc. Năm 2004, anh lên đường bắt đầu cuộc mưu sinh phiêu dạt ở một số nước châu Phi như Togo, Benin, Ghana, Nigieria, Bukinafaso… Trong thời gian ấy, có hai thứ anh khoái nhất ở lục địa đen chính là trống djembe và mặt nạ châu Phi. Diệp Chí Huy cũng đã vận dụng khá thành công thể loại âm nhạc những người da màu yêu thích Bob Marley là Reagae vào trong ca khúc của mình như “Nghêu ngao” anh viết lúc ở Togo và “Như cây đã khô” sau này ở Việt Nam.
Ca khúc Diệp Chí Huy đến với đến với trái tim người nghe tự nhiên như hơi thở bởi những giai điệu thuần khiết, pha lẫn chút hoang dã tựa những nét chạm trổ của thổ dân châu Phi trên chiếc mặt nạ bám bụi thời gian. Bên cạnh chủ đề tình yêu, Diệp Chí Huy có nhiều ca khúc gắn liền cuộc sống đời thường. Có khi đó là nỗi trăn trở, nhói lòng từ một ánh mắt bơ vơ lạc loài của cô gái Việt Nam đối mặt trước hệ thống lao lý ở xứ người; có khi đó là nỗi quặn thắt từ tiếng kêu than những công trình tượng đài nghìn tỷ phủ bóng trên bao mái lá dột nát của mẹ già, em thơ; có khi đó là niềm bức xúc từ đời sống phố thị đông người ngột ngạt; ô nhiễm môi trường… để viết nên những bài ca: “Lạc loài”, “Thêm một lần cúi mặt”, “Và tôi thấy là” , “Kiếp nạn”, “Chiếc áo gấm” , “Những bình thường”…
Nhắc về hai chữ “Nghêu ngao” gắn liền trong các chương trình âm nhạc của mình suốt nhiều năm qua, Diệp Chí Huy tiết lộ: “I have a dream and a song to sing… Tôi có 1 giấc mơ và 1 bài hát để… “nghêu ngao”…Chính bài hát I have a dream của ABBA đã theo cùng với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ và đã trở thành nguồn cảm hứng để viết lên ca khúc Nghêu ngao của mình. Rồi đến một ngày chính ca khúc đó đã trở thành một sự thúc đẩy để tôi thực hiện 1 đêm nghêu ngao: nghêu ngao hát về cuộc đời của mình, về cảm xúc của mình…. Đêm NGHÊU NGAO hình thành từ đó và trình làng vào đêm mồng 4 Tết (ngày 10/02/2008) tại Đà Nẵng. Trong đó, các chương trình Nghêu ngao khá để lại khá nhiều sự quan tâm ấn tượng với công chúng như: lần thứ 13 tại LeParis (Đà Nẵng), lần thứ 14 tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng), và nhiều lần trong năm 2016 (tại Nha Trang và một số nơi khác)…”
Sau chương trình Khúc tháng 4, nói về kế hoạch dự tính trong thời gian đến, Diệp Chí Huy chia sẻ: “nghệ sỹ là người miêu tả đời sống , biểu đạt cảm xúc của mình qua tác phẩm một cách trung thực , làm sao lay động trái tim đồng loại để mọi người quan tâm đến điều hắn muốn đề cập , còn nguyên nhân và trách nhiệm những điều miêu tả ấy thuộc về những ai đã gây ra hiện thực đó , giả như tác phẩm có gây ra những biến động xã hội thì trách nhiệm lập lại trật tự , giải thích , trấn an dư luận thuộc về nhà đương cục chứ cũng không thuộc về hắn. Đó là suy nghĩ cho một dự án âm nhạc sắp đến : “ Âm nhạc thế sự ”./.
Trần Trung Sáng/VHVN