Khi những ngày tết qua đi cũng là lúc các đình thần ở vùng đất Nam bộ rộn ràng chuẩn bị cho đại lễ Kỳ Yên (cầu an). Các gánh hát bội lại tập tuồng, để chuẩn bị cho những suất hát cúng đình bằng những lễ xây chầu – đại bội chỉn chu.
Tối 18-4, tại sân khấu Kim Ngân thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM, đoàn tuồng cổ Ngọc Khanh với chương trình Diễn xướng Nam bộ (Kỳ 4) – xây chầu đại bội đã thu hút nhiều khán giả. Với những nỗ lực đáng trân trọng từ phía các nghệ sĩ, thông qua việc tái hiện lại khung cảnh của lễ xây chầu và 6 lớp nghi tiết trong lễ đại bội, chương trình đã phần nào mang đến cho khán giả những trải nghiệm đặc sắc về loại hình nghệ thuật hát bội đặc biệt này.
Mở màn cho đêm diễn, NSUT Ngọc Khanh và nghệ sĩ Hữu Lập giới thiệu đến khán giả về xuất xứ và ý nghĩa của lễ xây chầu. Theo đó, xây chầu là một lễ quan trọng và phổ biến trong các buổi lễ tế ở Nam bộ từ lễ hội cúng đình, lễ nghinh ông cho đến lễ vía bà Chúa Xứ. Lễ xây chầu bao gồm các nghi thức: niệm hương, tẩy uế, khởi cổ (đánh trống), xướng chúc và khai tràng, với ý nghĩa cầu an, tôn kính trời đất để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngoài thực hiện nghi thức xây chầu, các nghệ sĩ đã giới thiệu đến giới mộ điệu hai trích đoạn nổi tiếng là “Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ” cùng với “Tạ Ôn Đình chém đầu Khương Linh Tá” (trong vở đường về Sang Hậu) và nghi lễ tôn vương.
Gắn bó với loại hình nghệ thuật hát bội nhiều năm qua, NSUT Ngọc Khanh luôn cố gắng để có thể gìn giữ và lưu truyền loại hình diễn xướng Nam bộ này. Các anh chị em trong đoàn cũng rất cố gắng, dù một đêm diễn với thù lao không cao, nhưng các nghệ sĩ vẫn bám trụ với đoàn tất cả cũng chỉ vì niềm đam mê với hát bội.
Nghệ sĩ Ngọc Khanh tâm sự: “Diễn viên trong đoàn đa phần đều làm thêm những nghề khác nhau để sinh sống, có người làm công nhân, có người buôn bán… Nhưng mỗi khi có suất diễn thì họ lại đến với sân khấu. Người lương cao nhất cũng chỉ có 500 ngàn đồng cho mỗi đêm, nhưng tiền để chuẩn bị phục trang, son phấn lại rất nhiều. Tuy vậy, các em vẫn yêu nghề, vẫn theo với nghề, đó là điều đáng quý”.
Nghệ sĩ Mỹ Hậu (diễn viên đoàn Ngọc Khanh) chia sẻ: “Bản thân theo nghề đã được hơn hai mươi mấy năm, cha truyền con nối cả 4 đời đều theo nghiệp hát. Mặc dù thù lao không nhiều, đôi khi phải làm thêm các công việc khác mới đủ trang trải, nhưng mà nghĩ lại mỗi đêm mình được đứng trên sân khấu, được gửi đến khán giả những lời ca tiếng hát thì mình cũng cảm thấy vui lòng. Tổ nghề cho mình cái gì thì mình nhận cái nấy”.
Dù đang phải chịu đựng khó khăn để có thể tồn tại trong tình hình hiện nay, nhưng những diễn viên của đoàn Ngọc Khanh vẫn đam mê với sân khấu, đam mê với hát bội. Họ đang cố gắng gìn giữ và duy trì sự tồn tại của loại hình nghệ thuật này và họ tin rằng nghệ thuật hát bội sẽ không bao giờ biến mất.
Tuy nhiên NSUT Ngọc Khanh trăn trở, chia sẻ về một nỗi lo lớn hơn: “Mình cũng rất cố gắng để thúc đẩy các em, thế hệ con cháu trong gia đình học hát bội, nhớ tới hát bội và truyền nghề hát bội. Có một điều khó khăn là đào tạo diễn viên hát bội đã khó, nhưng để dẫn dắt khán giả có thể cảm và yêu mến hát bội thì lại khó hơn. Bây giờ rất ít khi mà người ta nhớ tới hát bội”.
Theo SGGP