“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” như là mệnh lệnh từ trái tim, hun đúc các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang vượt qua những khó khăn, quyết tâm xây dựng, bảo vệ, giữ vững biên cương của Tổ quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác ngày một phát triển. Và họ cũng là những điểm tựa vững chắc cho đồng bào vùng cao ở nơi phên giậu của Tổ Quốc.
Bước chân “không mỏi” nơi biên thùy.
Tỉnh Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng, là phên giậu cực Bắc của Tổ quốc với 277, 556 km đường biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc gồm 358 cột mốc chính, 84 cột mốc phụ do 12 Đồn biên phòng và 01 Tiểu đoàn huấn luyện – cơ động quản lý, bảo vệ.
Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang và Trạm Hội ngộ Hội đàm khu vực Phú Ninh/ Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tuần tra song phương tại mốc 293 và 294 trên đoạn biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Vào những ngày đầu tháng 12, khi tiết trời nơi biên cương ở tỉnh Hà Giang trở lên khắc nghiệt hơn bao giờ hết; những cơn rét buốt kèm mưa sương bao phủ trên tuyến biên giới. Theo chân chuyến tuần tra song phương giữa Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang với Trạm Hội ngộ Hội đàm khu vực Phú Ninh/ Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại mốc 293 và 294 trên đoạn biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả ở nơi biên thùy. Con đường tuần tra hiểm trở, gai góc của những vách núi đá tai mèo dựng đứng, nay lại trơn trượt và lầy hơn do mưa. Thế nhưng, dù gian nan, vất vả song từng bước chân hành quân của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tùng Vài luôn rộn ràng, khí thế “không mỏi” và rẻo bước trên mảnh đất biên cương cùng trái tim “nóng” là trách nhiệm và tình yêu biên thùy của mỗi cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh. Lá cờ đỏ, sao vàng của Tổ quốc tung bay phấp phới trên biên cương thật hào khí như nguồn cổ vũ, động viên mỗi cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý này.
Thiếu tá Phạm Hùng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Đồn Biên phòng Tùng Vài thường xuyên phối hợp Trạm Hội ngộ Hội đàm khu vực Phú Ninh/ Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong trao đổi thông tin tình hình liên quan đến biên giới, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng biên giới Việt Nam- Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang hỗ trợ gia đình Triệu Xuân Vinh, xã Tùng Vài (Quản Bạ) khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát
Năm 2024, Bộ đội Biên phòng Hà Giang (BĐBP) đã quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới theo 3 văn kiện pháp lý. Phối hợp với các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới 1015 lần/6.750 lượt. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử 169 vụ/368 đối tượng, giải cứu 02 nạn nhân. Làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, năm 2024, BĐBP Hà Giang trao đổi 614 lượt thư, điện đàm 237 cuộc, hội đàm trực tiếp 69 lần/672 thành viên.
Điểm tựa vững chắc nơi biên thùy.
Không chỉ là người “canh giữ, bảo vệ tấc đất, tấc vàng” nơi biên cương của Tổ quốc. Những người chiến sỹ mang quân hàm xanh ở tỉnh Hà Giang còn là điểm tựa vững chắc cho bà con đồng bào vùng cao bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 21/2024/QĐ-Ttg ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, người yếu thế về kinh tế, sức khỏe. Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã huy động nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ ngày công lao động, giúp các hộ thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tiến hành tháo dỡ nhà cũ, san ủi, đào móng, vận chuyển vật liệu để xây dựng nhà ở. Không khí làm việc tại buổi khởi công xóa nhà tạm cho gia đình anh Triệu Xuân Vinh, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang) của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tùng Vài thể hiện sự sôi nổi, khẩn trương. Người tay cuốc, người tay xẻng hăng say thực hiện với mong muốn sớm hoàn thiện ngôi nhà kiên cố cho gia đình anh Vinh trước Tết Nguyên đán năm 2025.
Trực tiếp tham gia hỗ trợ, Thượng úy Vù Xuân Hùng, Đồn biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang chia sẻ: Gia đình anh Vinh thuộc diện hộ yếu thế về kinh tế, sức khỏe của địa phương; sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Ngày hôm nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn tham gia hỗ trợ gia đình làm móng nhà với tinh thần đoàn kết, tích cực hỗ trợ gia đình; mỗi lần hướng về cơ sở giúp đỡ Nhân dân là cơ hội để chúng tôi tiếp xúc, gần gũi, tạo mối quan hệ bền chặt giữa quân với dân nơi biên giới. Và là yếu tố then chốt không thể thiếu để mỗi cán bộ, chiến sỹ Biên phòng thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Luôn giúp đỡ và hỗ trợ nhân dân trên địa bàn
Anh Triệu Xuân Vinh, xã Tùng Vài ( Quản Bạ) xúc động nói: Được nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí 60.000.000 đồng; cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ ngày công để làm nhà, gia đình anh tôi biết ơn rất nhiều. Tôi sẽ xây dựng một ngôi nhà kiên cố có phòng ngủ, nhà bếp, khu vực vệ sinh với diện tích 70 m2, quy mô cấp 4 mái lợp tôn xanh, khung 03 cứng; ước tổng kinh phí thực hiện ngôi nhà là khoảng 150 triệu đồng.Vậy là Tết năm nay, tôi và vợ con có nhà mới đón Tết ấm no, sum vầy rồi.
Thân thương với cách gọi hàng ngày “ Bố Phúc, Bố Bảy, Bố Hoàng…” của 02 cháu Sùng Trí Nam, sinh năm 2015 và cháu Lò Đức Vương, sinh năm 2016 con nuôi ở Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Ở đơn vị, các cháu được bố trí nơi ăn, chỗ ở, khu học tập và sinh hoạt phù hợp; đồng thời phân công cán bộ của Đồn trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn và hằng ngày đưa, đón các cháu đi học. Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” là việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Nghĩa Thuận hướng về đồng bào các dân tộc nơi biên giới; thực sự là điểm tựa, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo có cơ hội được cắp sách tới trường. Khi hai cháu hoàn thành chương trình học THCS bước vào THPT thì sẽ chuyển qua Chương trình “Nâng bước em đến trường” để tiếp tục hỗ trợ học tập với mức 500.000đ 1 cháu/1 tháng.
“Ở trong ngôi nhà chung, dưới tình yêu thương, chăm sóc tận tình của bố nuôi Biên phòng; chúng cháu được học tập, vui chơi, rèn luyện, ngủ nghỉ theo đúng giờ giấc, chế độ trong môi trường của Bộ đội. Cháu xin hứa sẽ cố gắng học thật tốt, để không phụ công chăm sóc của của bố nuôi và cha mẹ, thầy cô; ước mơ của cháu sau này là trở thành một chiến sỹ Biên phòng bảo vệ biên cương của quê hương” cháu Sùng Trí Nam, con nuôi Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Mô hình con nuôi Biên phòng của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang.
Hay đơn cử như, hướng dẫn người dân ở biên cương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cây rau màu trái vụ, cây cà chua liên kết… trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cũng là hoạt động hướng về cơ sở được cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tỉnh Hà Giang thực hiện thường xuyên, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng thôn, bản. Vì vậy, ở biên cương Hà Giang nơi đã từng được ví như “cây không thể mọc từ đá; chẳng thể sống ở nơi nắng gắt vào Hạ và sương mù buốt lạnh vào Đông”. Giờ đây đang từng bước được thay đổi, những ngôi nhà kiên cố khang trang được xây dựng bên cạnh những diện tích cây trồng xanh mướt, sai trĩu quả; đường bê tông trải dài uốn lượn… Vẽ lên một bức trang vùng biên nay đã trù phú, ấm no hơn.
Hướng dẫn bà con trong sản xuất, làm kinh tế nông thôn
Thiếu tá Phạm Thanh Trà, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang bộc bạch: Tôi không thể nhớ rõ mình và đồng đội đã tham gia bao nhiêu hoạt động hướng về cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn Nhân dân tham gia phát triển kinh tế; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội..Nhưng điều tôi và đồng đội luôn khắc sâu từ mỗi việc làm của mình đều mang một ý nghĩa đó là để được Nhân dân tin tưởng, đùm bọc và để bà con vùng biên “những người anh em ruột thịt” của mình có một cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn.
Cùng với đó, hàng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang còn phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các Hội, đoàn thể tại địa phương tổ chức các chương trình: Ngày Hội biên phòng toàn dân; Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản; Xuân biên cương; Tết biên phòng…. Triển khai trên 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, 620 phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn phụ trách…
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang thực hiện phương châm 03 bám 4 cùng.
Thiếu tá Sùng Minh Phúc, Đồn Trưởng Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang trao đổi: Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn chúng tôi luôn xác định cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị đó là: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Thực hiện phương châm 03 bám, 04 cùng (Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào); đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tới Nhân dân; Luật Biên phòng; văn kiện pháp lý về biên giới; vận động. Vận động Nhân dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới; Nhân dân tuyệt đối không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền, kích động, lôi kéo truyền và học đạo trái pháp luật… Từ đó, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên cương; mỗi người dân là một cột mốc sống, chủ động, tích cực cùng lực lượng chung tay xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh toàn diện.
Đúng như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Vì vậy, bằng tất cả những trách nhiệm và tình yêu nơi biên thùy của Bộ đội Biên phòng ở tỉnh Hà Giang đã góp phần ổn định giữ vững tình hình an ninh khu vực biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc và là điểm tựa vững chắc nơi biên thùy.
Bài ảnh: Lan Phương – Hoàng Chính.