Chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM xin từ chức sau khi nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó TGĐ công ty xây dựng Sài Gòn đang gây xôn xao dư luận.
Có người bảo như vậy là không được và phải xử lý kỷ luật. Người khác lại bảo được, xin từ chức sao lại không được cơ chứ.
Chuyện xin từ chức thì cũng đã có, mặc dù hiếm. Còn nhớ năm 2015, ông Nguyễn Sự đang là Bí thư Thành ủy Hội An xin từ chức mặc dù còn 2 năm nữa mới đến tuổi hưu và đáng chú ý là ông xin từ chức khi uy tín đang rất cao.
Nhưng chuyện của ông Hải lại khác hẳn chuyện của ông Sự.
Hãy xem lại trước khi có câu chuyện của ông Hải liệu cũng đã có những trường hợp tương tự? Hầu như là không có.
Trước không có, không có nghĩa là sẽ không bao giờ có. Điều này cũng giống như pháp luật trước đây không quy định xử lý trách nhiệm kỷ luật của cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Trước không quy định nhưng nay lại thấy quá cần thiết và do đó phải bổ sung.
Chuyện của ông Hải cho thấy thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới, không giống như trước đây và do đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp.
Điểm thắt trong chuyện của ông Hải có lẽ nằm ở chỗ ông đang là Phó chủ tịch UBND quận 1, nay thôi cương vị này và chuyển sang cương vị mới là Phó tổng giám đốc công ty xây dựng Sài Gòn.
Dưới góc độ pháp lý, ông Hải đã hành xử chuẩn, đó là vẫn tiếp nhận quyết định bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, rồi sau đó mới có đơn xin từ chức. Thử hình dung nếu ông cương quyết không nhận quyết định bổ nhiệm này, lúc đó câu chuyện sẽ rẽ đi ngả khác, phức tạp hơn nhiều.
Có thể có người bảo thế là ông Hải đã “rắp tâm” chuyện từ chức theo kiểu này. Hãy đặt mình vào câu chuyện của ông: không muốn chuyển sang chức vụ mới, nhưng không có cách nào. Vậy thì để không bị coi là vi phạm kỷ luật, ông buộc phải nhận quyết định đã, rồi sau đó mới xin từ chức.
Đến đây, từ câu chuyện của ông Hải buộc phải suy nghĩ cho thấu đáo về 2 chủ thể trong mối quan hệ công vụ này, đó là tổ chức và người đang làm việc trong tổ chức. Cơ quan, tổ chức có những quyền nhất định đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cũng có những quyền nhất định đối với cơ quan, tổ chức.
Đôi khi, nếu nảy sinh mâu thuẫn không thể giải quyết được qua thương lượng giữa hai bên thì rất có thể phải cần đến sự phán xét của tòa án.
Theo Vietnamnet