Sau tuyến bài viết phản ánh về những bất cập, sai phạm xảy ra tại xã Ngọc Sơn và Đền Truông Bát, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trực tiếp kiểm tra và có kết luận cụ thể bước đầu, chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại nhiều thiếu sót cần phải khắc phục và xử lý triệt để. Đến nay, chỉ còn vài ngày nữa là đón năm mới Ất Tỵ – tức sẽ đón một mùa lễ hội mới. Lẽ thường, nhiều đền chùa sẽ nườm nượp du khách ghé thăm, đặc biệt là những ngôi đền có lịch sử lâu đời gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc. Để nắm rõ thực hư về những sự thay đổi của Đền Truông Bát sau loạt bài phản ánh được đăng trên Tạp chí in Văn hiến Việt Nam và trang điện tử Vanhienplus.vn, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận bằng hình ảnh và thực tế tại ngôi Đền vào ngày cận tết…
Công trình trong khuôn viên Đền Truông Bát với tên gọi “Động cá thần” nhưng chỉ là cái hồ cạn có dăm con cá vàng và được đắp nổi bằng xi măng – một công trình xây dựng rất kệch cỡm, phản văn hóa ở nơi di tích tâm linh.
Có mặt tại Đền Truông Bát vào ngày 20/1, tức 21/12 âm lịch năm Giáp Thìn. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không khí trên Đền Truông Bát đìu hiu hơn rất nhiều so với những năm trước, lác đác chỉ vài ba người đi lễ. Ngôi đền rộng lớn với những công trình xây dựng mang tính “tự phát” vì chưa có giấy phép xây dựng, chưa có quy hoạch, chưa có cả chứng nhận quyền sử dụng đất… Nay trở nên tĩnh lặng lạ thường. Có thể, sau sự phản ánh quyết liệt của Văn hiến Việt Nam, nhiều du khách đã nhận ra tại đây đã “mượn hoa cúng phật” (đã mạo nhận là Đền thờ thân mẫu Quan Hoàng Mười) nên tạm thời quay lưng với nhà đền, chờ được cơ quan chức năng xử lý những sai phạm, rồi họ mới trở lại chiêm bái.
Anh Hoàng Xuân Hoài (trú tại đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi không phải là một người mê tín, nhưng về tín ngưỡng tâm linh tôi cũng rất quan niệm. Trước đây tôi hay đi hành lễ ở các đền chùa miếu mạo linh thiêng, trong đó có cả Đền Truông Bát. Nay tôi đọc nhiều bài viết trên Tạp chí Văn hiến Việt Nam, hiểu rõ được những sai phạm và bất cập xung quanh ngôi đền này, nên có thể đây là lần cuối tôi ghé thăm Đền Truông Bát, nếu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh không vào cuộc quyết liệt trả lại sự linh thiêng cho đền thì bản thân tôi cũng không đến đây hành lễ nữa”.
Đền vắng đìu hiu ngày cận tết
Theo quan sát, Đền Truông Bát hiện nay có nhiều ngôi nhà vừa mới hoàn thiện, tường còn thơm mùi sơn vữa, nhiều công trình mang tính tâm linh nhưng lại xây dựng theo kiểu giả tạo, nếu không muốn nói là kệch cỡm, trái với văn hóa thường có ở nơi Đền, Chùa. Đơn cử như công trình mang tên “Động cá thần”, thực tế chỉ là một cái hang được xây bằng xi măng nằm trơ trọi giữa khuôn viên của đền, bên dưới là một hồ cạn có dăm con cá vàng lững thững bơi lội. Vậy mà trước cổng vào đề biển hiệu ghi rõ “Động cá thần Đền Truông Bát thờ Bà Chúa Lộc”. Điều lạ là mặc dù đền nằm gần như trọn vẹn giữa núi rừng nhưng toàn bộ khuôn viên đều được trồng bằng những cây giả, gắn vào đó là những hoa giả được làm bằng… nhựa. Những hình ảnh “phản cảm, thiếu văn hóa” này trước hết không lẽ cán bộ có trách nhiệm của UBND xã Ngọc Sơn lại không hề hay biết?
PV Văn hiến Việt Nam tại Đền Truông Bát
Cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn, thủ nhang và là nhân vật được xã Ngọc Sơn “giao khoán” trọn gói công tác thu chi cũng không có mặt ở Đền Truông Bát. Theo nhiều nguồn tin, từ khi Văn hiến Việt Nam phản ánh ông Cẩn thường xuyên vắng mặt tại đền, mọi việc được giao lại cho vợ con cũng như người nhà của ông quản lý. Những tấm biển “mạo nhận” Đền thờ Bà Chúa Lộc là Thân mẫu Quan Hoàng Mười cũng được tháo gỡ. Tuy vậy, đây chỉ là một trong những điều cần phải thay đổi nếu muốn giữ lại sự trang nghiêm của đền, giữ lại môi trường văn hoá lành mạnh.
Trong buổi làm việc với phóng viên Văn hiến Việt Nam, bà Lương Thị Tâm (Nguyên Bí thư xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm: “Là một người theo dõi sát sao những bài viết của Văn hiến Việt Nam về Đền Truông Bát, sau khi đọc những bài viết trên, tôi thấy thực trạng Đền Truông Bát bây giờ cần phải có nhiều những tiếng nói như vậy. Trước đây tôi đã góp ý thẳng với xã, thậm chí lần mới đây là có mặt người của huyện về đây, rằng các đồng chí hãy xem Đền Bà Hải (Đền Nguyễn Thị Bích Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mà học tập, tại sao người ta quy củ như thế, những nhà tài trợ họ cũng chỉ đầu tư bên ngoài, ví dụ như đường vào đền, cầu cống… còn ở đây ông Cẩn lại cho xây dựng lung tung, có những cây cổ thụ lâu năm cũng bị chặt hết, trước đây có những cây xà cừ rất to, đặc biệt là những cây thông, họ đưa máy móc chặt và xây dựng nhiều nhà cửa phía sau của đền. Nói thẳng ra mục tiêu của ông này là dùng thần thánh để kêu gọi đầu tư mà thôi”. Bà Tâm cũng có mong muốn đền là nơi tâm linh của tất cả người dân trong xã, chứ không phải của mỗi một cá nhân nào, nên việc trả lại sự tôn nghiêm ở chốn tâm linh là vô cùng cần thiết.
Nhóm PV Văn hiến Việt Nam làm việc với bà Lương Thị Tâm về Đền Truông Bát
Liên quan đến hồ sơ thủ tục cấp phép của Đền Truông Bát, ông Nguyễn Quốc Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Đến thời điểm hiện tại Sở Xây dựng chưa hề nhận được bất kỳ hồ sơ nào liên quan về quy hoạch xây dựng của Đền Truông Bát. Theo quy định, các công trình thuộc Di tích Văn hoá cấp tỉnh do UBND huyện làm chủ đầu tư, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ là đơn vị cho ý kiến về mặt chuyên môn, Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên để phê duyệt quy hoạch, nếu công trình đó đang xảy ra tình trạng xây dựng không phép thì phải xử phạt. Cụ thể ở Đền Truông Bát, đầu tiên xử phạt về lĩnh vực đất đai khi chưa được cấp phép sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích. Sau khi hoàn tất các thủ tục về cấp đất, chính quyền địa phương lập hồ quy hoạch xây dựng trình Sở Xây dựng thẩm định. Sở Xây dựng sẽ yêu cầu phá bỏ các hạng mục và các công trình đã xây dựng không phép, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, lúc đó mới phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng”.
Khi Văn hiến Việt Nam phản ánh bằng những bài viết trên Tạp chí in và Trang điện tử vanhienplus.vn, UBND huyện Thạch Hà đã khẳng định có nhiều sai phạm tại Đền Truông Bát trong bản Kết luận ngày 29/11/2024. Kết luận nêu rõ: “Tại khu di tích này chưa làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với Di tích, chưa lập quy hoạch chi tiết các hạng mục tại Di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, mặc dù đã thành lập Ban Quản lý di tích nhưng Ban Quản lý chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, còn buông lỏng công tác quản lý, giao khoản cho Thủ nhang, vượt quá thẩm quyền, trách nhiệm”. Cũng chính trong buổi kết luận này, có đầy đủ thành phần ban bệ của cơ quan chức năng bao gồm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, đại diện các phòng chuyên môn: Quản lý Văn hóa, Thanh tra thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện, Lãnh đạo các phòng chuyên môn UBND huyện và lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn, Ban Quản lý di tích Đền Truông Bát và gia đình ông Ngô Thanh Cẩn là Thủ nhang Đền Truông Bát.
Rất vắng vẻ so với trước kia
Dù mọi việc tại Đền Truông Bát đã được cơ quan chức năng liên quan kết luận rõ ràng bước đầu, nhưng đã qua nhiều tháng trời kể từ lúc Văn hiến Việt Nam phản ánh ở bài viết đầu tiên, đến nay, hầu như việc xử lý những sai phạm vẫn còn “dậm chân tại chỗ”, việc quy kết trách nhiệm vẫn đang còn bỏ ngỏ, hướng xử lý tiếp theo vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Hơn nữa, thay vì tiếp thu ý kiến sau khi báo chí phản ánh sai phạm, thì trước hết là Ban quan lý di tích và UBND xã Ngọc Sơn cần tiếp thu để khắc phục sửa chữa. Nhưng ngược lại, không những không tiếp thu để khắc phục mà vẫn tổ chức những cuộc “trao đổi kín” để bàn cách chống chế với báo chí, bàn cách gặp gỡ với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí để nhờ “can thiệp”, nhằm hạn chế tính đấu tranh chống tiêu cực của các PV và cơ quan báo chí?. Trước tình hình đó, Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã gửi văn bản tới cơ quan Công an để đề nghị xem xét vụ việc tại Đền Truông Bát đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra trong lĩnh vực trật tự văn hoá, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không được cấp phép, sẻ núi, san đồi để xây dựng các công trình đồ sộ không có phép.v.v…
Trần Hoàng – Ngọc Trâm (Phóng viên Văn hiến Việt Nam tại Miền trung – Tây nguyên)