Đèn trung thu ế ẩm và nỗi buồn của nghệ nhân Việt

17:57 | 16/09/2018

Những nghệ nhân tại TP.HCM không khỏi nghẹn ngào khi nhớ về các lần lồng đèn Trung Quốc du nhập và lấn át hàng Việt. Họ khốn đốn, thiêu hủy hàng nghìn sản phẩm vì không ai mua.


Tiếng chuông điện thoại của khách hàng đặt lồng đèn reo liên tục. Vừa khéo léo uốn nắn những nan tre, thanh kẽm tạo hình thân một con rồng, chốc chốc, anh Nguyễn Trọng Bình lại nhanh tay ghi chép cẩn thận các yêu cầu của khách.

Gia đình anh Bình là một trong số những nhà có truyền thống làm lồng đèn dịp Trung thu hiếm hoi còn sót lại ở làng nghề lồng đèn Phú Bình, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.

Căn nhà anh Nguyễn Trọng Bình (quận 11, TP.HCM) luôn ngập tràn đèn lồng Trung thu mấy tháng nay. Ảnh: Phúc Minh.

Không còn chịu cảnh chật vật của hàng Trung Quốc, Trung thu năm nay tại làng nghề làm lồng đèn duy nhất TP.HCM là những tiếng cười nói giòn giã, tất bật sáng đêm để tạo hình, dán giấy bóng kính, vẽ màu cho kịp những đơn hàng cả nghìn sản phẩm khi đêm Trung thu đã gần kề.

‘Đã lâu rồi chúng tôi mới thấy hạnh phúc’

“Năm nay, lồng đèn do chính tay chúng tôi làm ra rất được ưa chuộng, không còn chịu cảnh vật vã trước hàng Trung Quốc nữa nên vui lắm. Riêng nhà tôi, mỗi ngày nhận hàng chục đơn hàng lồng đèn đủ kiểu dáng với kích cỡ từ tí hon đến khổng lồ”, anh Bình hào hứng chỉ tay về chiếc lồng đèn hình cá vàng dài gần 3 m đang được trang trí.

Trong căn nhà nhỏ, ba người đàn ông lại là những nghệ nhân chính làm nên hàng nghìn chiếc lồng đèn lớn bé, đủ mọi kiểu dáng treo ngập từ trần nhà, trên tường cho đến chân cầu thang.

Không khí càng trở nên chộn rộn khi anh Bình vót những nan tre, uốn cong tạo hình lồng đèn, anh trai anh đang “trang điểm” làm cho những chiếc đèn lồng thêm sặc sỡ, còn cậu em vợ thì nhận những sản phẩm được gửi đi gia công, sắp xếp đơn hàng để ngày mai kịp giao cho khách.

“Những ngày này là nôn nao vậy đó, ai cũng phải làm việc không ngừng nghỉ hết. Hầu như hôm nào chúng tôi cũng thức đến 1-2h sáng để vót nan tre, tạo hình con lân, con rồng, cá chép, đèn kéo quân… Sáng 6h là bắt đầu một ngày làm việc mới. Mệt nhưng vui lắm, đã lâu rồi những người làm lồng đèn chúng tôi có lại cảm giác hạnh phúc khi thấy người dùng nâng niu và yêu thích các sản phẩm của mình”, anh Bình thổ lộ.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Loan cũng là một trong số ít các nhà có tất cả anh em cùng chọn nghề này để kiếm sống. Chị Loan cho hay ba mẹ cùng người dân mang theo nghề làm lồng đèn rời quê Nam Định vào Sài Gòn những năm 50 thế kỷ trước để sinh sống. Vì vậy, ngay từ nhỏ, chị và các anh em của mình đã là những nghệ nhân thành thạo và tỉ mỉ.

“Những chiếc lồng đèn này được đi phân phối sỉ khắp nơi ở TP.HCM, trong đó, nhiều nhất vẫn là khu phố lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học (quận 5). Ngoài ra, chúng tôi cũng có những đơn hàng ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Thuận, Tiền Giang. Tôi rất vui vì mọi người ngày càng biết đến nhiều hơn làng nghề làm lồng đèn ngôi sao này”, chị Loan phấn khởi.

Tương tự những gia đình làm lồng đèn khác, nữ nghệ nhân thổ lộ, điều hạnh phúc nhất với chị không phải thu nhập khấm khá vào mùa Trung thu năm nay mà là thấy trẻ em, phụ huynh và người dùng không còn quay lưng với lồng đèn truyền thống, điều mà họ ám ảnh nhất vài năm trước.

3 lần khốn đốn vì hàng nghìn lồng đèn không bán được

“Ít nhất 3 lần gia đình tôi lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng nghìn chiếc lồng đèn được chuẩn bị kỳ công, tỉ mỉ nhưng cuối cùng, đến tận ngày Rằm tháng Tám cũng không một mối nào đến lấy. Những năm ấy, hàng Trung Quốc là lồng đèn pin, có nhạc du nhập ồ ạt, người ta thấy lạ nên không hứng thú mấy với những chiếc đèn giấy kính nữa”, nghệ nhân Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Nhiều nghệ nhân làng lồng đèn Phú Bình cho hay sản phẩm Trung Quốc ồ ạt xuất hiện khiến thời gian đầu họ phải điêu đứng. Ảnh: Phúc Minh.

Ông Thịnh kể, độ cuối những năm 90, đầu năm 2000 và 2010 là những thời điểm khủng hoảng của làng nghề khi sản xuất ra hàng loạt nhưng lại không có người mua.

Ông cho rằng, công việc này chủ yếu phù hợp với những gia đình nhàn rỗi, lấy công làm lời. Vì vậy, sau vài lần lỗ nặng, họ bỏ nghề dần, ai cố lắm mới tiếp tục làm đến nay.

“Không người mua, căn nhà chỉ hơn 30 m2 cũng không biết làm thế nào để trữ hết hàng nghìn chiếc đèn lồng. Chúng tôi buộc chỉ có thể giữ lại những chiếc có tạo hình phức tạp, có dùng nhiều kẽm để năm sau dán lại giấy bóng kính, tiết kiệm được phần nào hay phần nấy. Tuy nhiên, số lồng đèn để dành, 10 phần thì cũng hư hết 5”, ông Thịnh cho hay.

Đến giờ, nghệ nhân này vẫn nhớ như in khoảnh khắc những chiếc lồng đèn ngôi sao, vốn mang linh hồn nhất của làng nghề truyền thống phải mang thiêu hủy vì không cạnh tranh lại hàng Trung Quốc.

Ông nói đó là điều đáng buồn nhất của những nghệ nhân làm lồng đèn, bởi sản phẩm do chính bàn tay tỉ mẩn của mình làm ra nhưng không thu hút được người dùng trong nước.

Năm nay, những nghệ nhân làng lồng đèn Phú Bình ai cũng vui mừng khi trẻ em và người dùng đã trở lại với lồng đèn truyền thống. Ảnh: Phúc Minh.

Đúng như ông Thịnh chia sẻ, niềm hạnh phúc nhất của những nghệ nhân có kinh nghiệm hàng chục năm làm lồng đèn là được tiếp tục công việc và thấy thế hệ trẻ con hiện nay yêu thích những chiếc lồng đèn ngôi sao, thỏ ngọc, bươm bướm được làm từ nan tre, giấy bóng kính.

“Vì những biến cố lớn của gia đình và sản phẩm không cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc nên nhà tôi phải tạm dừng công việc này khoảng 4-5 năm. Tuy nhiên, không làm trong thời gian đó, tôi nhớ nghề kinh khủng, cứ đến Trung thu là bứt rứt thế nào đó. Bây giờ, cả nhà tôi đã tiếp tục làm lại lồng đèn vài năm nay, ai cũng hạnh phúc với quyết định đó”, nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành nói.

Đã cận kề Trung thu nhưng đơn hàng vẫn nườm nườm, các nghệ nhân tin rằng, đến đúng sáng ngày Rằm tháng Tám, họ mới được tạm nghỉ ngơi sau nửa năm quần quật.

Khi nào người Việt còn yêu thích lồng đèn truyền thống thì…

Chia sẻ về nghề làm lồng đèn, ông Thành cho rằng nhiều người vẫn nghĩ đây là công việc thời vụ, tức chỉ chuẩn bị rồi làm trước Trung thu 1-2 tháng. Tuy nhiên, nghệ nhân này tiết lộ, họ phải chấp nhận làm việc quanh năm, nếu muốn nối nghề ông bà bởi sau vụ Trung thu, họ sẽ chuẩn bị tiếp làm lồng đèn Giáng sinh.

“Cứ qua Tết, tức trước Trung thu nửa năm, chúng tôi đã bắt đầu vào vụ làm lồng đèn, nhiều người ngạc nhiên về điều này lắm nhưng thực sự là như vậy. Làm lồng đèn là công việc thủ công nên phải chuẩn bị từ A-Z và một người thì không thể làm xuể, cả gia đình phải cùng vào cuộc thì mới được”, ông Thành cười.

Để chuẩn bị cho Tết Trung thu, xóm lồng đèn phải bắt đầu vất vả chuẩn bị khi vừa qua Tết Nguyên Đán. Ảnh: Phúc Minh.

Từ những cây lồ ô, cây tre lấy từ vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, những hộ làm lồng đèn Phú Bình phải tự phơi đến độ dẻo nhất định rồi vót mỏng, chuẩn bị trước kẽm để tạo hình lồng đèn. Thông thường, trước Tết Trung thu 2-3 tháng, công việc chuẩn bị phải hoàn tất và sản xuất dần.

Ông Thành đánh giá, công đoạn khó nhất để làm nên chiếc lồng đèn giấy bóng kính xanh đỏ, thắp nến đêm Trung thu là tạo hình và vẽ màu. Nghệ nhân này cho rằng, phải là những người nhiều kinh nghiệm thì hình dáng mới đẹp và trang điểm mới có hồn.

“Thời gian sản xuất kéo dài nhưng chỉ bán hàng duy nhất trong 1-2 tháng cuối cùng. Nhiều hộ quanh quẩn mãi, không có đồng ra, đồng vô, rồi vài ba bận làn sóng hàng Trung Quốc đánh bại lồng đèn truyền thống nên họ không thể trụ nổi”, ông Thành nói.

Nghệ nhân này cũng tiếc nuối khi nhắc lại làng lồng đèn Phú Bình trước đây vốn nổi tiếng khắp miền Nam, chiếc lồng đèn giấy bóng kính bao ngoài những nan tre theo cha mẹ di dân từ đất Nam Định vào Sài Gòn.

Dù vui với việc người tiêu dùng bắt đầu chuộng lồng đèn truyền thống nhưng các nghệ nhân vẫn canh cánh lo làng nghề dần thu hẹp đi. Ảnh: Phúc Minh.

Ông nói hình ảnh gia đình nào cũng tấp nập, nhà nào cũng chất đầy lồng đèn đến mức không còn chỗ ngủ trước đây mỗi dịp Trung thu về tại làng lồng đèn Phú Bình, bây giờ chỉ còn trong ký ức. Hiện làng làm lồng đèn nổi tiếng này chỉ còn lác đác hơn chục hộ giữ nghề, nằm rải rác khắp con hẻm.

“Những thế hệ sau tôi có thể không theo nghề của gia đình nữa, chúng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tôi vẫn tôn trọng quyết định của các con nhưng hiện tôi rất vui bởi đang đi học nhưng chúng vẫn khá hứng thú với nghề làm lồng đèn của gia đình”, ông Thành vui vẻ, nói.

Dù cho rằng làng nghề có thể tiếp tục bị thu hẹp trong tương lai nhưng nghệ nhân này vẫn tin tưởng chỉ cần trẻ con thấy thích thú những chiếc lồng đèn hình thú, dán giấy bóng kính và dừng lại châm  khi có gió làm tắt nến thì cũng sẽ có những người như ông, miệt mài làm nên những chiếc đèn lồng truyền thống, giữ hồn truyến thống Việt.

 

Theo Zing

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình