Đến hẹn lại lên, đầu xuân Nhâm Dần, ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” lại diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của Việt Nam.
Bức tranh văn hóa đa màu sắc
Là hoạt động thường niên, năm nay, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/2 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với sự tham gia của hơn 200 đồng bào thuộc 24 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước.
Trong ngày khai mạc “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, nhiều đoàn nghệ thuật của đồng bào dân tộc đến từ các địa phương cũng như nghệ nhân sinh sống tại Làng đã trình diễn những tiết mục đặc sắc, mang bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, vùng miền.
Ngoài ra, theo thông tin từ Làng Văn hóa, trong tháng 2 này, “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” còn giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc. Tại Làng cũng sẽ diễn ra các hoạt động khác như hái chè, dệt vải, làm đồ thủ công, làm thuốc do các nghệ nhân các dân tộc thực hiện; chương trình trải nghiệm đón Tết tại không gian các làng dân tộc…
Về phía du khách, khá nhiều người tỏ ra hào hứng và tò mò. Là người đã đến Làng Văn hóa vài lần, ông Kiều Văn Chung – một du khách ở Thạch Thất, Hà Nội vẫn ấn tượng về sự hoành tráng, đồ sộ của tháp Chăm, trong đó ông nhắc mãi về việc xây dựng tháp không cần vữa làm chất kết dính. Còn Hà Khanh – nữ du khách đến từ Khánh Hòa lại ấn tượng về quy mô rộng lớn của Làng Văn hóa.
“Đã nghe nhiều về Làng Văn hóa rồi, tới đây mới thấy nó lớn hơn mình nghĩ, đi cả ngày chắc chưa hết đấy. Nói thật là mình không thể xem hết các chương trình đâu, còn đi các nơi để ngắm mà. Nhưng hơi thất vọng vì nhiều chỗ không có bà con sinh sống, đến đây tìm hiểu về cuộc sống bà con mà không được như kỳ vọng”.
Trong khi đó, ông Chung tiếc rẻ vì năm nay không thấy cảnh chợ quê với con lợn quay khói mù mịt một góc và những gánh hàng ăn đường phố. “Không rõ chợ quê năm nay không tổ chức hay đã bị bỏ. Lần trước tôi mất thời gian la cà ở chợ quê lâu đấy”, ông Chung dí dỏm nói.
Trăn trở chuyện bảo tồn
Cảm nhận tiếc nuối của chị Hà Khanh có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều du khách và cũng là nỗi trăn trở của đồng bào dân tộc sinh sống tại Làng.
Cùng gia đình từ Sóc Trăng tới Làng Văn hóa sống đã được gần 6 năm và rất tâm huyết, nhưng chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân người Khmer Sơn Đel cũng bộc bạch rằng: “Mình đã 64 tuổi rồi, ba bốn năm nữa là phải về thôi”.
“Mới sáng ngày, anh Phó Giám đốc Sở Văn hóa có tới thăm, nói chuyện phải giữ anh chị vài năm nữa mới về, nhưng mình biết sẽ có lúc phải chuẩn bị cho việc đó”, ông Sơn Đel trầm ngâm.
Ở làng Mường, bà Bùi Thị Thảo cũng khá ưu tư khi cả 8 thành viên sinh sống tại Làng đều là người có tuổi. Trước đây, Làng Mường cũng có một số người trẻ, song họ không ở lại lâu, thường chỉ một hợp đồng 3 tháng.
“Người trẻ họ còn bận gia đình, con cái rồi lo làm ăn kinh tế bên ngoài. Tỉnh Hòa Bình có nhiều khu công nghiệp, lớp trẻ họ nghĩ đi làm ở đó lương cao năm, bảy triệu nên thu hút họ vào làng ở lâu dài là khá khó”.
Trong khi đó, anh K’Tình – một thành viên của đoàn nghệ nhân K’Ho bộc bạch rằng, anh rất cảm động khi thấy hình ảnh ngôi nhà thân thương của dân tộc hiện diện ngay tại Thủ đô. Nhưng cũng vô cùng đáng tiếc, K’Tình cho biết, sau khi ra Làng Văn hóa biểu diễn vài ngày, đoàn nghệ nhân K’Ho sẽ lại rút hết vào Lâm Đồng và không có ai ở lại làng nữa. Vậy mới thấy rằng, việc đảm bảo sinh kế cho đồng bào ở Làng, để từ đó có hướng bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững xem ra vẫn là bài toán khó.
Vĩ thanh
Trong buổi trưa lang thang ở Làng Văn hóa, chúng tôi tình cờ được tham gia một cuộc giao lưu văn hóa khá thú vị và chắc là hiếm thấy giữa bà con đồng bào dân tộc Ê-đê và một nhóm du khách. Ở đây, ngoài việc các nghệ nhân Ê-đê chủ đạo trình diễn các loại hình văn hóa dân tộc, đồng bào còn sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ hiện đại, trình diễn ca khúc bằng tiếng Việt. Các nghệ nhân và du khách cùng giao lưu, múa hát những bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên và cả những bài hát “hiện đại” khác.
Điểm đặc biệt là không khí giao lưu thật tự nhiên, đầm ấm, không có khoảng cách, không có sự xô bồ, cợt nhả nhưng cũng không xơ cứng, hành chính. Đồng thời, qua hoạt động này, đồng bào có thể cung ứng những dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm cho những du khách thật sự có nhu cầu. Phải chăng đây là một hướng đi phù hợp trong bối cảnh giao thoa văn hóa của thời đại 4.0, để từ đó có thể bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc một cách bền vững?
Theo Công luận
https://congluan.vn/den-lang-van-hoa-nghe-sac-xuan-tu-hoi-post181727.html