Tối 1/2 (tức 11 tháng Giêng năm Quý Mão), tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, Chương trình Đêm nhạc Phật “Vĩnh Nghiêm – Hào quang trí huệ” đã được tổ chức. Chương trình tái hiện sự nghiệp, thân thế cũng như quá trình giác ngộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự hình thành, phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đây cũng là một trong những hoạt động nổi bật của Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Các đại biểu tham dự chương trình
Chương trình Đêm nhạc Phật lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm với chủ đề “Vĩnh Nghiêm – Hào quang trí huệ”, nơi được xem là chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được tổ chức theo hình thức ca, hợp ca, múa, mới lạ, đặc sắc.
Đêm nhạc Phật tái hiện sự nghiệp, thân thế cũng như quá trình giác ngộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự hình thành, phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử (do Phật hoàng sáng lập) trong đời sống tâm linh và Phật giáo Việt Nam; vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Lấy ý tưởng từ bài kệ “Cư trần lạc đạo” được trích trong bài phú cùng tên của Phật hoàng Trần Nhân Tông, hiện còn lưu giữ ở kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mang triết lý sâu sắc giữa đạo và đời, Chương trình Đêm nhạc Phật nhằm tiếp tục khơi dậy hào quang trí huệ ấy để lan tỏa đi muôn nơi.
Đêm nhạc Phật “Vĩnh Nghiêm – Hào quang trí huệ”.
Sau màn thỉnh chuông do Đại đức Thích Thanh Vịnh, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cùng các phật tử thực hiện, là chương trình nghệ thuật Đêm nhạc Phật diễn ra trong 60 phút, với ba chương gồm: Trăng lên núi thiêng; Từ chốn Tổ Vĩnh Nghiêm; Cư trần lạc đạo – Bay lên vì hạnh phúc con người.
Chương trình nghệ thuật mang đậm tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong quốc thái dân an
Chương 1 “Trăng lên núi thiêng” là hợp xướng gồm 4 phần: “Trăng lên”, “Trăng khuất”, “Thương ánh trăng xưa” và “Trăng bất diệt”. Dưới sự dẫn chuyện của Thượng tọa Thích Viên Như, sự trình diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ, tốp nam, nữ Nhà hát Kịch Việt Nam tái hiện hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông từ lúc làm vua, lãnh đạo quan, quân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, cho đến lúc Ngài tọa thiền trên đỉnh núi Yên Tử và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chương 2 “Từ chốn Tổ Vĩnh Nghiêm” với các ca khúc “Vĩnh Nghiêm – Hào quang trí huệ”, “Con đường tâm linh Tây Yên Tử” được trình bày bởi các ca sĩ, diễn viên đã thể hiện vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong trong Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây được tôn vinh là trung tâm của Phật giáo ngày ấy, là nơi Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử đã thành lập giáo trường, khắc mộc bản để lưu lại những lời giáo huấn của những bậc tôn túc cả trong thi kinh, thi họa…
Các đại biểu và phật tử thực hiện nghi lễ thả hoa đăng, cầu quốc thái dân an tại hồ nước trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm
Chương 3 “Cư trần lạc đạo – Bay lên vì hạnh phúc con người” thể hiện triết lý sâu sắc giữa đạo và đời, trong chuỗi duyên sinh, đạo chẳng xa đời, đời ở trong đạo, cư trần mà vẫn vui đạo, sống thuận theo với tự nhiên. Về với chốn Tổ Vĩnh Nghiêm, trên con đường Tây Yên Tử, là về với cội nguồn của Phật giáo Việt Nam.
Kết thúc Chương trình các đại biểu, nhân dân và tăng ni phật tử thả đèn hoa đăng tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm.
Thế Hiếu – Đức Hưng (VHVN)