Dạo quanh đoàn tàu SE: ĐỔI MỚI TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG

22:21 | 18/12/2023

Trên đệm giường êm êm, khi đang thả tâm trí vào “tiếng nhạc khùng khục, khùng khục” rồi cơ thể lại được bập bềnh nhè nhẹ lên, bập bềnh nhè nhẹ xuống, bạn mới thấy thích thú đến nhường nào? Nếu không tin, bạn hãy dạo một vòng quanh đôi tàu hỏa mang ký hiệu SE trên tuyến đường sắt Thống Nhất thì sẽ được tận hưởng điều tuyệt vời ấy…!

Là người gắn bó với đường sắt khá lâu năm, có những thời kì “ăn tàu, nhảy tàu” liên tục đến vài ba năm liền nên tiếng còi tàu, tiếng phát thanh viên trên toa xe, hay tiếng bánh xe nghiến vào đường ray kêu ken két cũng làm cho tôi thấy nhớ nhung. Bởi những ký ức ấy hằn sâu trong tình cảm con người của một thời sôi nổi. Mặc dù nhiều năm nay đi công tác, hay đi công việc đã có xe ô tô, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng dành thời gian để đi tàu hỏa. Đi tàu để một phần là công việc, một phần cho thuận tiện, nhưng cũng một phần để thấy lại cảm xúc của những năm tháng miệt mài cống hiến…

Hình ảnh đẹp của nhân viên phục vụ trên tàu hỏa mới đây

Đường sắt cũng như bao lĩnh vực ngành nghề khác, trải qua những năm tháng đổi mới sẽ không khỏi chập chững, hụt hẫng… Những tư duy lối mòn kiểu “thời bao cấp” với ý thức “thứ nhất vốt-cô/ thứ nhì biển số” (tàu biển vốt-cô/đường sắt mà biển số là chiếc biển hiệu trên ngực áo nhân viên) đã phần nào làm cho sự bắt nhịp với nền kinh tế thị trường có phần chậm chạp, yếu ớt. Cùng với việc “tách ra, nhập vào” liên tục, rồi quan điểm chỉ chú trọng vào an toàn vận tải mà lơ là trong công tác phục vụ cũng là một hạn chế trong phát triển… Ngành nào cũng vậy, “kẻ thù” của sự phát triển chính là ý thức tự thị nghề nghiệp – nếu cứ nghĩ ngành nghề của mình là “oai” thì ắt sẽ đi chậm. Nói về việc này, còn nhớ trong một nhiệm kì Bộ trưởng Bộ GTVT ông Đinh La Thăng đã từng nói với cán bộ ngành đường sắt một câu rất lạnh: “Các ông đừng nghĩ các ông là một cái Bộ con”. Tuy câu nói ấy rất khó nghe, nhưng cũng phần nào đã đánh thức lối tư duy cũ mòn vẫn còn cát cứ ở một số cán bộ làm nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp thời điểm lúc bấy giờ.

Tiếp viên công tác trên tàu tận tình giúp đỡ hành khách trong đợt mưa bão vừa qua ở ga Yên Duệ thuộc khu gian Hà Tĩnh

Đến nay, tuy vẫn rất khó khăn về nhiều mặt, nhưng đường sắt đã có những cố gắng, bứt phá để thay đổi. Trước hết, tư duy xem nhẹ công tác phục vụ đã được xóa bỏ. Cụ thể, cán bộ quản lý doanh nghiệp thời kì này đã xác định rõ nhiệm vụ của ngành trong năm 2023, là: “Ngành đường sắt luôn xác định mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, lấy khách hàng làm trung tâm để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và khai thác tối đa các nguồn lực, không ngừng cải thiện năng suất lao động”. Như vậy, “lấy khách hàng làm trung tâm” chính là xác định vai trò phục vụ là quan trọng, là tất yếu. Theo đó, phục vụ khách hàng trong hoạt động vận tải hành khách chính là “bộ mặt” của ngành – mà lĩnh vực vận tải hành khách nào thì công tác phục vụ hành khách cũng là “bộ mặt” của lĩnh vực ngành đó, như hàng không, đường thủy, cũng đều như vậy.

Cùng anh em đường sắt trải nghiêm trên một chuyến tàu

Từ xác định lấy “khách hàng làm trọng tâm”, nên hoạt động vận tải hành khách của ngành đường sắt đã có những đổi mới. Trên các tuyến tàu, các đoàn tàu vận tải hành khách đã có một diện mạo mới, bên cạnh toa xe gọn gàng, sạch sẽ là thái độ và ý thức phục vụ của nhân viên công tác trên tàu rất đáng được khích lệ và biểu dương. Ngay cả trang phục cho nhân viên công tác trên tàu cũng là một sự bứt phá mới mẻ mà điển hình là trang phục của nhân viên trên tàu SE19-20 được đông đảo hành khách đi tàu mến mộ, yêu thích. Mặc dù chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng thái độ niềm nở, chu đáo, chào hỏi hành khách đã là một tiến bộ vượt bậc so với trước đây, đã hình thành một nét văn hóa đẹp trong ứng xử trên tàu khách. Cũng chính từ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phục vụ hành khách, nên gần đây đã xuất hiện những gương tốt, việc tốt, như trên chuyến tàu SE2 xuất phát từ ga Sài Gòn đi Hà Nội ngày 11/12/2023, nhân viên Hà Thị Oanh là tiếp viên toa số 5 của đoàn tàu đã nhặt được hơn 50 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân của hành khách nước ngoài để quên trên tàu. Chị Oanh đã báo cáo với Tổ tàu để tìm trả lại cho hành khách. Đây là một hành động đẹp, một nghĩa cử làm cho hành khách thêm yêu quí ngành đường sắt.

Hành động đẹp của chị Hà Thị Oanh nhặt được hơn 50 triệu đồng và một số giấy tờ trả lại cho hành khách đã được Công đoàn ngành Đường sắt khen thưởng.

Tối chủ nhật ngày 10/12, tôi ra ga đi tàu SE1 vào Hà Tĩnh để dự buổi họp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trên chuyến tàu này, trưởng tàu Hoàng Văn Đại và nữ nhân viên phụ trách toa xe tôi đi có thái độ làm cho tôi thấy cũng lạ – lạ là trước đây ít khi thấy nhân viên vui vẻ, niềm nở và chu đáo với hành khách như bây giờ. Phục vụ như nhân viên tổ tàu SE1 này sẽ tạo cho hành khách niềm tin và vui hơn khi đi tàu. Kết thúc chuyến công tác ở Hà Tĩnh, tối ngày 13/12 tôi trở lại ga Yên Trung để đi tàu SE6 ra Hà Nội, nam nhân viên trẻ phụ trách toa số 10 nơi tôi nghỉ rất chu đáo, nhiệt tình. Điều đặc biệt hơn làm cho tôi rất ấn tượng với tổ tàu SE6 đó là trưởng tàu Nguyễn Hiển trực tiếp xách và đỡ hộ hành lý cho hành khách khi tàu đến ga, một hành vi ứng xử rất văn hóa và trân trọng… Ngoài hai tổ tàu nói trên, tôi cũng đã từng đi và quan sát một số tổ tàu SE và TN trên tuyến đường sắt Thống Nhất thấy nhiều tổ tàu thay đổi cung cách phục vụ rất tốt, tận tình đưa đón khách, vệ sinh toa tàu sạch đẹp, thái độ vui vẻ… Ví dụ như các tổ tàu của trưởng tàu: Vũ Thanh Minh, Đỗ Văn Hợi, Phạm Anh Hoàn, Văn Khắc Nam và Nguyễn Tiến Hưng SE3-4 Sài Gòn… đều rất xứng đáng để biểu dương về văn hóa phục vụ.

Với nhân viên đường sắt ở Saint Petersburg

Cũng từ gắn bó với đường sắt nhiều năm, nên khi có điều kiện đi đến các quốc gia trên thế giới có hệ thống đường sắt hiện đại, tôi đều dành thời gian để quan sát và trải nghiệm. Tháng 9/2022, tôi và anh em sang Ý cũng dành thời gian để đi tàu cao tốc trên đất Ý, sang Bỉ cũng dành thời gian quan sát khá kĩ hoạt động đường sắt ở Bỉ. Rồi cuối tháng 9/2023 mới đây, từ Saint Petersburg về thủ đô Moskva anh em tôi đi tàu hỏa cao tốc… Trên những chuyến tàu hỏa vừa nhanh, vừa êm ái hơn đi máy bay chúng tôi chỉ ước Việt Nam cũng sớm có hệ thống đường sắt cao tốc để phục vụ hành khách. Nếu đường sắt cao tốc được triển khai ở Việt Nam thì chắc chắn hành khách sẽ đi tàu hỏa nhiều hơn các loại hình giao thông khác bởi vừa nhanh, vừa thuận tiện, vừa có tính an toàn cao… Cũng như phương án dự kiến sẽ có đường sắt cao tốc phục vụ dành riêng cho vận tải hành khách của ngành đường sắt là hoàn toàn có cơ sở. Đổi mới để phát triển vừa là nhiệm vụ vừa là qui luật – tin rằng, những niềm vui và tươi mới trên các cung đường sẽ được CBCNV ngành đường sắt thực hiện hiệu quả và thành công.

GIÀNG NHẢ TRẦN

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Đà Nẵng và triển lãm mỹ thuật “Nắng Tháng 4”

Đà Nẵng và triển lãm mỹ thuật “Nắng Tháng 4”

Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng khẳng định vị thế và phát triển về du lịch

Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng khẳng định vị thế và phát triển về du lịch

Hải Phòng: Hoạt động kinh doanh của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 15- 07D và Cửa hàng xăng dầu Đồng Tâm vẫn bình thường

Hải Phòng: Hoạt động kinh doanh của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 15- 07D và Cửa hàng xăng dầu Đồng Tâm vẫn bình thường

Khai trương đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”

Khai trương đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”

Bế giảng khóa Bồi dưỡng “Nghiệp vụ Truyền thông – Quan hệ công chúng”

Bế giảng khóa Bồi dưỡng “Nghiệp vụ Truyền thông – Quan hệ công chúng”