Tại đền Sầy thuộc thôn Sầy, xã Sơn Thành, Trường Yên, Ninh Bình vẫn còn lưu truyền câu chuyện về Ngọc Quang công chúa, vị nữ tướng quả cảm chống lại quân Hán thời Lĩnh Nam.
Xuất thân
Thời thuộc Hán ở thôn Cự Lai (tức thôn Sầy) xã Sơn Dược thuộc động Hoa Lư, phủ Trường Yên, Ninh Bình có vợ chồng ông Vương Khôi hiền lành, phúc hậu, làm nhiều việc thiện, nhưng mãi vẫn chưa có con.
Một đêm bà vợ đang nằm ngủ thì thấy người nhẹ đi, bay lên cao, rồi thấy mình được dẫn vào một cung điện, một tiên nhân đón tiếp bà và ân cần nói rằng: “Đây là điện Ngọc Quang. Lượng trời vốn chẳng hẹp gì. Lòng thành của hai ông bà đã được soi tỏ, nên đã cho một tiên nữ trong điện này xuống đầu thai làm con của ông bà”
Sau một lát bà xin phép trở về rồi tỉnh mộng. Sau đó bà thụ thai rồi sinh được người con gái. Nhớ lại giấc mộng gặp được tiên nhân, hai vợ chồng liền đặt tên cho con mình là Vương Tiên.
Càng lớn Vương Tiên càng nết na xinh đẹp, lại thông tuệ khác thường. Lúc này Giao Chỉ nằm dưới sự đô hộ của nhà Hán, nhiều người đều luyện võ để phòng thân và sẵn sàng đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Hán.
Chủ tướng
Trong chúng bạn, Vương Tiên ngày càng trở nên nổi bật, tinh thông võ nghệ cũng như trận đồ. Tiếng đồn về người con gái nết na xinh đẹp giỏi võ nghệ dần lan xa, nhiều người tìm đến cùng giao đấu, nhưng cả giao đấu cũng như phép bày binh bố trận Vương Tiên đều vượt xa. Mọi người đồng lòng tôn xưng Vương Tiên làm chủ tướng, cùng đồng lòng chống lại ách đô hộ của nhà Hán.
Vương Tiên trở thành chủ tướng khi mới chỉ 18 tuổi, sau đấy cha mẹ cô lần lượt qua đời. Vương Tiên cùng quân sĩ vừa tập luyện, vừa tổ chức xây dựng quân, sau một thời gian quân số đã lên đến vài nghìn người. Nghĩa quân có căn cứ vững chắc với lương thực đầy đủ.
Nhận thấy quân lực đã mạnh, Vương Tiên cho quân đánh chiếm phủ Trường Yên rồi tiến ra các vùng xung quanh. Quân Hán không chống đỡ nổi, danh tiếng nghĩa quân vang xa.
Ngọc Quang công chúa
Lúc này ở Giao Chỉ có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Nhằm thống nhất các cuộc khởi nghĩa để tạo ra sức mạnh, cuối năm 39 SCN, Hai Bà Trưng hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Vương Tiên quyết định đưa quân về với Hai Bà Trưng.
Một đêm Trưng Trắc nằm mộng thấy sứ thần báo có nàng Tiên ở điện Ngọc Quang sẽ đến ra mắt. Sứ thần còn tả rõ dung mạo cùng trang phục của nàng rồi mới trở về. Đến sáng tỉnh dậy, Trưng Trắc được báo có nữ tướng đưa quân ở Trường Yên đến gặp. Trưng Trắc ra đón, gặp Vương Tiên thì thấy giống y như sứ thần đã tả thì vui mừng phong cho Vương Tiên là công chúa Ngọc Quang.
Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi, chiếm lại được các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải…, biên giới phía bắc đến tận Hồ Động Đình (phía bắc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay), đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía nam núi Ngũ Lĩnh).
Vương Tiên được giao cho cai quản vùng đất quê nhà ở châu Ái. Tuy nhiên đất nước vui hưởng thanh bình chẳng được bao lâu, năm 42 SCN, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng Đoàn Chí đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam.
Sau nhiều trận giao tranh quyết liệt ở Hồ Động Đình, Hợp Phố, vùng biển Nam Hải, Lãng Bạc, Hai Bà Trưng liền lui quân đến cố thủ ở Cẩm Khê.
Tuẫn tiết
Ở phía nam, Vương Tiên đang trấn giữ vùng châu Ái liền đưa quân ra bắc đến Cẩm Khê cùng quân của Hai Bà Trưng chống lại quân Hán. Cuộc chiến ở Cẩm Khê vô cùng ác liệt, kéo dài từ mùa hè năm 42 đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê không thể giữ được, các tướng Lĩnh Nam phải rút xuống phía nam.
Quân Lĩnh Nam rút đi theo hai đường thủy bộ, nữ tướng Lê Chân rút theo đường thủy, Vương Tiên theo Hai Bà Trưng rút ra theo đường bộ.
Quân Hán trùng trùng đuổi sát theo Hai Ba Trưng, trận chiến diễn ra rất ác liệt. Vương Tiên chỉ huy quân đánh thẳng vào quân Hán để Hai Bà Trưng chạy ra sông Hát, rồi lại mở đường máu rút đi.
Chạy đến xã Mã Phan thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phú ngày nay, thì chỉ còn 14 tướng sĩ chạy theo trong khi quân Hán vẫn còn rất đông ở phía sau.
Thấy quân Hán đã đuổi kịp, Vương Tiên cùng 14 tướng sĩ quay lại tử chiến với quân Hán, mọi người đi theo Vương Tiên cũng đều đã ngã xuống cả.
Vương Tiên một người một ngựa chạy xuống phía nam, lúc này quân Hán không còn đuổi theo nữa. Nữ tướng chạy đến phủ Thiên Trường, nơi xã Hữu Bị thuộc huyện Mỹ Lộc, Nam Hà ngày nay, trước mặt là con sông chảy xiết.
Vương Tiên khấn Trời đất: “Xin phó thác thân này cho sông nước. Cầu xin Trời đất cho trôi về bản quán”, rồi cả người và ngựa cùng lao xuống sông, lúc đó là rạng sáng ngày 12 tháng 2 nông lịch.
Mấy hôm sau, người dân ở bờ sông Cự Lại, Ninh Bình với được xác người chủ tướng của mình, vô cùng thương xót, làm lễ an táng rồi lập đền thờ, và gọi là đền thờ Ngọc Quang công chúa.
Tưởng nhớ
Đến thời vua Lý Thái Tông, trong nước có hạn hán lớn, Vua sai lập đàn tràng cầu mưa. Đêm ấy nhà Vua nằm mộng thấy có người trông như công chúa đến nói mình ở thôn Cự Lại vâng lệnh Ngọc Hoàng đến làm mưa theo lời thỉnh cầu của nhà Vua.
Vua Lý Thái Tông chợt tỉnh giấc nhìn ra ngoài đã thấy trời mưa như trút nước. Hôm sau Vua giao cho bộ Lễ tra cứu thôn Cự Lại thì được biết thôn này có thờ Thần thành hoàng là Ngọc Quang công chúa. Vua liền gia phong thêm cho hai chữ “thiên lương”, tên đầy đủ là “Ngọc Quang Thiên Lương công chúa”.
Ngày nay Ngọc Quang Thiên Lương công chúa vẫn được thờ tại đền Sầy thuộc thôn Sầy, xã Sơn Thành, Trường Yên, Ninh Bình. Hàng năm cứ đến ngày mất của bà (12/2 âm lịch) người dân lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ đến bà.
Theo Trithucvn