Ngô Thì Sĩ vì “văn chương hùng vĩ” mà bị ganh ghét khiến đường thi cử lận đận. Phải nhờ một trận tả, văn khí giảm sút thì mới được chấm đỗ.
Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) quê làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thanh Trì – Hà Nội). Gia đình Ngô Thì Sĩ nổi tiếng thi thư: Ông nội là Ngô Trân – được xếp vào nhóm “Thất hổ Tràng An”, cha – em và các con đều là những nhân vật lẫy lừng trong trường văn trận bút.
Văn khí giảm sút vẫn đỗ đầu
Theo các tài liệu lịch sử, thuở nhỏ vì cha mất sớm, Ngô Thì Sĩ được ông nội chăm sóc dạy dỗ. Lớn lên, ông được nhập môn với các bậc danh nho như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản. Năm 18 tuổi, ông thi đậu Giải nguyên khoa thi Hương, nhưng hỏng khoa thi Hội.
Ngô Thì Sĩ học giỏi nhưng thi cử lận đận, vì những ý tứ mới lạ và văn chương phóng khoáng không hợp với quan trường. Tiếng tăm ông lừng lẫy càng làm cho người ta thành kiến.
Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ cũng chép: “Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội các khảo quan dò xét hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau: “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi.
Trịnh chúa Trịnh Doanh biết có thói tệ ấy nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ, nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy. Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển.
Khảo quan chấm quyển bảo nhau: “Quyển này làm văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển của ông Nguyễn Bá Dương lại bảo nhau: “Quyển này văn khí khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ nhưng làm văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”. Vì họ hồ đồ không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng nên Thì Sĩ mới đỗ Hội nguyên”.
Suốt 13 năm ròng đi thi nhưng đều bị đánh hỏng, bởi vậy gia đình Ngô Thì Sĩ rất nghèo, nhờ đó khiến ông có được “Bài văn trách ma nghèo”. 40 xuân mới nên danh phận, trong khi ông nội mãi đến năm 73 tuổi mới đậu khoa Hành từ, được bổ chức đứng đầu chính sự ở một huyện. Dù đậu muộn màng, nhưng từ đây con đường hoạn lộ của Ngô Thì Sĩ tương đối thuận lợi.
Làm rạng rỡ tông phái nho gia
Năm 1770, Ngô Thì Sĩ làm Tham chính Nghệ An nhưng trong lần coi thi do có lầm lẫn – chủ yếu do bè phái ganh ghét nên ông bị cách chức. Trở về làm dân, Ngô Thì Sĩ đóng cửa viết sách. Đến năm 1774, chúa Trịnh đi tuần phương Nam, biết ông bị oan nên mới có ý cất nhắc. Qua năm sau ông được triệu vào kinh làm hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm Hiệu chính quốc sử.
Ít lâu sau ông được thăng chức Thiêm đô Ngự sử, nhân đó ông có điều trần bốn việc: “Xin định rõ phép khảo xét các quan. Xin sửa sang luật lệ kiện tụng. Xin truy tôn các bậc tiên nho. Xin sửa lại thể thức làm văn”.
Sau đó, Ngô Thì Sĩ được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Đây cũng là dịp thử thách tài năng và bản lĩnh của ông. Lúc bấy giờ, hạt Lạng Sơn đang đói vì mất mùa, dân chúng xiêu tán bỏ đi nơi khác, người chết đói đầy đường. Khi đến, ông chiêu dụ dân lưu tán về khẩn ruộng hoang, tự mình đứng ra đôn đốc việc cày bừa.
Khi việc tuần phòng được nhàn rỗi, ông đích thân đi xem xét, hỏi han dân tình, tìm hiểu phong tục và ngao du sơn thủy. Có thể nói không chỗ nào mà ông không đặt chân đến. Những chốn thanh u, hiểm trở đều được ông đến đề thơ, ngâm vịnh, ông cũng là người đặt tên cho động Nhị Thanh.
Hơn ba mươi năm làm quan, ông đã đề xuất nhiều vấn đề và trực tiếp đối thoại với phủ chúa. Đó là các đề nghị chấn chỉnh thi cử, sửa đổi chính sách thuế khóa, chiêu tập nông dân phiêu bạt về khai hoang, hạn chế việc nhà giàu chiếm đoạt ruộng đất, nghiêm trị bọn quan lại hà hiếp dân, phòng thủ biên giới…
Ngô Thì Sĩ đặc biệt thông cảm và dành nhiều ưu ái cho tầng lớp học trò và nông dân. Vào thời điểm bấy giờ, khi bộ máy quan liệu đã hết sức sa sút, một người có nhân cách cao đẹp như ông thật hiếm có.
Ngô Thì Sĩ là một trí thức có nhiều hoài bão. Suốt đời, ông theo đuổi lý tưởng làm một người có ích cho dân cho nước. Trong chính trị, có thể ông không thành công, nhưng trong sử học, văn học, ông có rất nhiều đóng góp. Ông thực sự có vai trò người sáng lập Ngô gia văn phái.
Khi viết tựa cho bộ Ngô gia văn phái, danh sĩ Phan Huy Ích (con rể của Ngô Thì Sĩ) đã viết: “Nay nhờ phúc ấm của tổ tiên mà dòng văn đời đời tiếp nối, tinh hoa đầy rẫy trong văn từ, mà bản lĩnh vẫn quy vào đạo lý. Rõ ràng là phong cách của một đại gia, vẻ đẹp, mùi thơm của mọi người không phải riêng một nhà mình”.
Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ còn là một nhà sử học lớn với các tác phẩm: Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần “Đại Việt sử ký tục biên”. Lối chép sử của ông có tinh thần dân tộc, có nhiều phát hiện, và có phong cách khoa học. Ông cũng là một nhà văn đa dạng về bút pháp và có một khối lượng tác phẩm khá lớn.
“Bảo chướng hoằng mộ” cho hậu thế thấy sự sắc sảo, giàu tinh thần phê phán của ngòi bút nghị luận. “Ngọ phong văn tập” thể hiện chất hiện thực, phong phú của ngòi bút ký sự. “Anh ngôn thi tập” thể hiện chất hào hoa đằm thắm của một tâm hồn thi sĩ giàu nhân ái, trung hậu…
Cái chết nhiều tồn nghi
Theo giới nghiên cứu, nổi bật nhất ở Ngô Thì Sĩ là chất cận đại trong thi pháp. Đó là chất văn xuôi, chất đời sống thường xuất hiện đậm nét ở mọi thể loại. Có thể gặp trong tác phẩm của ông những con số thống kê có thực, cảnh thực, người và chuyện thực. Điều này là mới mẻ so với bút pháp ước lệ, khoa trương, tượng trưng của văn học thời trung đại.
Có lẽ trước ông, không tìm thấy trong văn học nước ta nhà văn nào có cả một tập như “Khuê ai lục” nói về người vợ, người tình một cách thâm trầm da diết như vậy. Ngoài ra, thơ đề vịnh của Ngô Thì Sĩ cũng bộc lộ được tính cách hào hoa, tâm hồn phong phú và nhạy cảm trước cảnh đẹp của quê hương đất nước.
Theo một số nguồn sử liệu, Ngô Thì Sĩ mất sau lần đi công cán trên ải Nam Quan trở về vào nằm nghỉ trong động Nhị Thanh, có lẽ là do bị cảm lạnh. Tuy nhiên, cũng có sách lại cho rằng Ngô Thì Sĩ đã uống thuốc độc mà chết.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: Trước khi Ngô (Thì) Nhậm tố cáo cơ mưu của Trịnh Khải, có đem bàn với cha là Ngô (Thì) Sĩ. Ngô (Thì) Sĩ cố sức ngăn… Đến khi hay tin Ngô (Thì) Nhậm đã tố cáo, Ngô (Thì) Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử.
Ngô (Thì) Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công, nhưng thiên hạ lúc ấy lại có câu rằng: “Sát tứ phụ nhi Thị lang”, nghĩa là “giết bốn người cha mà làm Thị lang”.
Sách “Lê quý dật sử” chép tương tự: “…(Ngô Thì) Sĩ thấy con bè đảng xu phụ Tuyên phi (Đặng Thị Huệ), vu khống Thế tử, ông bất bình, ra sức khuyên ngăn, nhưng (Ngô Thì) Nhậm không nghe, ông phẫn uất uống thuốc độc tự tử… (Sau vụ án) cất nhắc Ngô Thì Nhậm làm Công bộ Tả Thị lang, vì tố cáo Thế tử (Trịnh Khải) nên được ban thưởng, thăng vượt cấp bảy lần.
Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” lại chép khác, rằng: Chỉ có một mình Nguyễn Huy Bá đứng ra tố giác, còn Ngô Thì Nhậm thì đã có lời khuyên Nguyễn Khắc Tuân phải hỏa tốc về kinh can ngăn Trịnh Khải dừng lại cơ mưu, nhưng không được nghe. Đến khi ông Tuân bị bắt giam, ông Nhậm định tìm cách gỡ tội, nhưng vì việc tang (cha mất) nên phải về.
Cái chết của một vị danh nho cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, dù thế nào thì Ngô Thì Sĩ cũng đã để lại cho đời những trước tác và cả những gia tài tri thức uyên bác, cùng cách đối nhân xử thế tử tế và hài hoà.
Hiện nay, tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì – Hà Nội) vẫn còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn các di tích in đậm dấu ấn Ngô Thì Sĩ – bậc danh nho “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia”.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/danh-nho-ngo-thi-si-om-ma-do-hoi-nguyen-post599135.html