Trịnh Công Sơn đã có những rung động đầu đời trước Thanh Thuý trong một phòng trà vào năm 1958. Và đó cũng là xúc cảm để ông sáng tác “Ướt mi”.
Danh ca Thanh Thúy là cảm hứng để Trịnh Công Sơn sáng tác “Ướt mi”. Ảnh: GĐCC.
Bước lên sân khấu ở tuổi 15, có lẽ chính Thanh Thuý cũng không ngờ rằng mình sẽ trở thành “nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ” như nhà thơ Nguyên Sa đã từng viết.
Khán giả yêu mến bà, giới văn nghệ sĩ lại càng yêu mến bà như hàng loạt những ví von đầy ngợi ca. Và dĩ nhiên người nhạc sĩ luôn mang trong mình một tâm hồn thuần khiết như Trịnh Công Sơn càng không ngoại lệ.
Những ngày tháng tuổi trẻ ấy ở Sài Gòn đối với Trịnh Công Sơn là “đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng.”
Dẫu vậy, mang trong mình sự tự ti của cậu học trò nghèo đứng trước nữ ca sĩ nổi tiếng được nhiều người đón đưa, Trịnh Công Sơn đã giữ lại tất cả những rung động thầm lặng, kín đáo. Chỉ đến một hôm, ông đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thuý hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong và nàng đã nhận lời.
Lúc này, danh ca Thanh Thuý từng kể lại, bệnh tình của mẹ bà trở nặng, hình ảnh con chim non trong bài hát làm bà nhớ đến mẹ nên trong giây phút xúc động, Thanh Thuý đã hát bằng tất cả cảm xúc với giọt nước mắt đọng trên bờ mi.
Đêm đó, Trịnh Công Sơn thức trắng đêm viết nên ca khúc “Ướt mi” với tiếng hát thấm đẫm giọt buồn của Thanh Thuý trong tim.
Vẻ đẹp của danh ca Thanh Thúy. Ảnh: GĐCC.
Khát khao, mơ ước “phải làm một cái gì đó” để tỏ lòng ngưỡng mộ đã chuyển hoá thành một bài hát, từng nốt nhạc như những giọt nước mắt vương trên mi người ca sĩ đêm ấy. Thanh Thuý đã trở thành nàng thơ đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa từ xúc cảm đó.
Sau 3 tuần, Trịnh Công Sơn lấy hết can đảm gửi tặng trang giấy được chép nắn nót đến tay Thanh Thuý (bài “Ướt mi”), bài hát mới được vang lên trên sân khấu. Khoảnh khắc Thanh Thúy cất tiếng hát “Ướt mi” là giây phút lịch sử, đưa nhạc Trịnh lần đầu ra với công chúng. Bà không chỉ là người trong mộng mà còn là “người ơn” góp phần đưa Trịnh Công Sơn đến gần với công chúng.
Cô ca sĩ Huế 16 tuổi, mảnh mai ấy chính là nàng thơ người hát ca khúc đầu tiên, khơi nguồn cảm hứng dạt dào nhiều tác phẩm về sau của người nhạc sĩ tài hoa.
Cũng từ đó, mối giao tình của Trịnh Công Sơn và Thanh Thuý dần thành hình. Trong một lần đưa nàng về sau đêm diễn, nhìn bóng nàng liêu xiêu khuất dần vào ngõ tối, ông tiếp tục viết nên ca khúc “Thương một người”.
Thanh Thuý là người góp phần phổ biến nhạc Trịnh đến đông đảo khán giả, ca khúc “Ướt mi” cũng được trả tiền tác quyền là 5.000 đồng, một khoản tiền khá lớn vào thời điểm đó.
Nhưng trên cả những lợi ích hữu hình, sự rung cảm giữa người viết tình ca và người hát tình ca có lẽ mới là điều quan trọng nhất đối với Trịnh Công Sơn.
Mới đây, trong đêm nhạc tưởng niệm 21 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đoàn phim “Em và Trịnh” đã giới thiệu đến khán giả nàng thơ đầu tiên của Trịnh Công Sơn: Thanh Thuý – do diễn viên Phạm Nhật Linh thủ vai. Ngay khi cô gái trẻ cất giọng chào khán giả bằng giọng Huế ngọt ngào, khán giả đêm nhạc ngạc nhiên vì khí chất quá giống với nữ danh ca Thanh Thuý một thời.
Dẫu có ngoại hình khá giống, nhưng giọng hát của danh ca Thanh Thuý chắc chắn là thử thách lớn nhất đối với Nhật Linh. Trong đêm nhạc tưởng niệm, Nhật Linh bẽn lẽn chia sẻ mình đã lo lắng “bủn rủn tay chân” khi tập hát cùng nhạc sĩ Đức Trí để tái hiện hình ảnh lẫn giọng hát của Thanh Thuý.
BBĐ (TH)