Dân tộc, khoa học, đại chúng” – phương châm của nền văn hóa mới

9:17 | 24/02/2023

Tại rất nhiều cuộc Hội thảo, những giá trị vô giá, mang cả ý nghĩa khoa học và thời đại của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 liên tục được các nhà nghiên cứu khẳng định, trong đó có việc đề ra được phương châm của một nền văn hoá mới “Dân tộc, khoa học, đại chúng”.


Sự thay đổi tận gốc, cuộc cách mạng về nhận thức

Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943, sau các phần “Đặt vấn đề”, giới thiệu khái quát về Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam… đã dành phần IV để bàn về “Vấn đề cách mạng văn hóaViệt Nam”, và nêu lên Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa.

Theo đó, Bản Đề cương ghi rõ: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

“Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v… Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hoá quá trớn của bọn tờrốtkít” – Đề cương Văn hóa Việt Nam vạch rõ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các văn nghệ sĩ. Ảnh: Tư liệu

Về 3 nguyên tắc này, GS. Phong Lê nhìn nhận: Dân tộc hóa là nguyên tắc được đặt ở vị trí số 1 trong Đề cương. Với nguyên tắc này, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là các tầng lớp trí thức sẽ có ý nghĩa như là một định hướng cho họ ở cả hai tư cách: tư cách người công dân và tư cách người trí thức – nhà khoa học và nghệ sĩ, trước một thời cuộc đang chuyển vào đêm trước cách mạng. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường – con đường hướng về cách mạng và tham gia cách mạng, để cứu nước, trong đó có bản thân mình và nghề nghiệp của mình.

Đại chúng hóa, ở vị trí số 2. Và dẫu ở vị trí số 2 nó vẫn là nguyên tắc được đón nhận dễ dàng và có tác động sâu rộng đối với đời sống văn hóa, tinh thần nói chung và văn học – nghệ thuật nói riêng… Chính nhờ vào các kết quả của Đại chúng hóa mà ngay sau 1945, nền văn học – nghệ thuật dân tộc đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới trong sáng tạo và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa…

Nguyên tắc Khoa học hóa là kết quả sự vận dụng chủ nghĩa Mác để phân tích lịch sử văn hóa dân tộc và thực trạng văn hóa hiện thời. Từ đó đề ra phương hướng phát triển văn hóa “tân dân chủ”

“Như vậy, ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa được nêu trong Đề cương rõ ràng là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Và do khả năng đón đợi, tập hợp và đưa tất cả đội ngũ trí thức vào cách mạng, nó đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945. Đồng thời góp phần tạo cơ sở lý luận cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa kháng chiến – kiến quốc ít ra là trong vài thập niên tiếp theo” – GS. Phong Lê nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Phạm Quang Long thì nhìn nhận: “Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, là đưa văn hóa trở về với đại chúng, là vì đại chúng, phục vụ đại chúng chứ không thể vì một đối tượng nào khác.

Đây thực sự là một sự thay đổi tận gốc, là cuộc cách mạng chứ không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương. Nêu phương châm Dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng.

Khoa học hóa văn hóa giai đoạn này chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, mà thực chất là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật và tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân.

Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Yêu cầu trở về với dân tộc, nhân dân của văn hóa, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, nói như một số nhà hoạt động văn hóa lúc đó, là mệnh lệnh của lương tri”.

Phương châm của nền văn hóa mới

Theo nhìn nhận của phần đa các nhà nghiên cứu, chính với ba phương châm: Dân tộc, khoa học và đại chúng ấy, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nhanh chóng tác động sâu sắc và làm thay đổi nhận thức cũng như thu hút đông đảo giới tri thức, văn nghệ sĩ mà trong hoàn cảnh đó còn bâng khuâng. Cuốn họ vào dòng chảy đất nước, sát cánh với người dân, có mặt trên tất cả mặt trận sản xuất, chiến đấu, khoa học, giáo dục… nhờ đó hàng loạt tác phẩm, thành tựu văn hóa mới đã ra đời trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Trên hết, Dân tộc, khoa học và đại chúng – đã trở thành phương châm của nền văn hóa Việt Nam từ ngày độc lập đến nay.

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP. Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh; đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Theo GS.TS Trần Văn Bính: “Sau Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, cả nước lần đầu tiên triển khai thực hiện những định hướng, phương châm về văn hóa: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Quan điểm Dân tộc để làm gì? Để chống lại nguy cơ đồng hóa của thực dân Pháp đối với dân tộc mình và nguy cơ coi nhẹ những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc chúng ta. Quan điểm Khoa học. Chế độ phong kiến, thực dân đã làm cho dân tộc ta nghèo nàn cả về vật chất và tinh thần. Cho nên, phải đưa nhân tố khoa học vào, để dân tộc mình phát triển, mở rộng trình độ, tư duy. Ví dụ, quan niệm sống thiếu vệ sinh, không khoa học, mê tín dị đoan… phải được giảm. Quan điểm Đại chúng là dễ hiểu, ai cũng hiểu được. Văn hóa là của đa số nhân dân chứ không phải chỉ của tầng lớp tinh hoa”.

Theo nhà văn Bùi Việt Thắng, Đề cương Văn hóa Việt Nam, nếu xét theo ngữ nghĩa thì có tính sơ thảo, song các phương châm, nguyên tắc văn hóa được đề ra: Dân tộc hóa – Đại chúng hóa – Khoa học hóa, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị vì trình diện được bản chất của văn hóa thời đại mới, cách mạng – đồng nghĩa với Văn hóa cứu quốc, Văn hóa yêu nước, vốn được coi là một trong hai truyền thống lớn của dân tộc từ hàng nghìn năm nay. Điều đáng mừng, theo nhà văn là việc vận dụng và phát huy tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, trong 80 năm qua, có thể nói là một quá trình liên tục và sáng tạo, cả trong tư duy lý luận, cả trong ứng dụng thực tiễn của các chính sách văn hóa của Đảng.

Anh Thư

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/bai-3-dan-toc-khoa-hoc-dai-chung–phuong-cham-cua-nen-van-hoa-moi-post236441.html

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024