Đám giỗ: Đừng nên biến phong tục thành hủ tục

8:53 | 01/04/2019

Giỗ là một phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất, thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, là dịp họ hàng thân thuộc đoàn tụ, gắn kết và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.


Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước, gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ.

Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến và vài món ăn giản dị cũng đã có lòng thành kính đối với người đã mất.

Đám giỗ cũng là một dịp để anh em, họ hàng gặp nhau, thăm hỏi, kết nối gắn chặt tình thân. Là dịp để cùng nhau ôn cố tri tân, nhắc nhớ người đã khuất.

Giỗ là một phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất, thể hiện đạo hiếu với tổ tiên (ảnh minh họa).

Tuy nhiên trong thực tế, việc tổ chức đám giỗ cũng xảy ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Về việc tổ chức, nếu chỉ cúng giỗ hai đời của hai bên chồng,vợ thì con số có thể trên, dưới 10 người. Nếu cúng giỗ ba đời thì số người nhân lên rất nhiều, có thể lên đến 20 hoặc hơn. Ông bà ta thường nói: “100 cái giỗ đổ đầu trưởng nam”. Vậy người con trưởng trong gia đình một năm gánh từ 5 đến 20 cái đám giỗ thì thật là căng thẳng.

Ở thôn quê, trong năm, một người được mời ăn giỗ nhiều nơi, thì đến khi giỗ chính của gia đình mình phải mời trả lễ lại cho phải phép. Mời thiếu thì kẻ buồn giận, người phiền trách, mà mời đủ thì hao tốn tiền bạc.

Về mặt thời gian, trừ những người già về hưu, không phải ai cũng rảnh rỗi và thu xếp thời gian được để về dự đám giỗ. Không về thì mang tiếng là bất hiếu hoặc không quan tâm đến gia tộc, họ hàng. Mà giỗ nào cũng xin nghỉ thì công việc ách tắc, gián đoạn, thủ thưởng quở trách. Ông bà ta thường nói: ”Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày” là vậy.

Tôi có hỏi thăm một số người bạn thì học được những kinh nghiệm hay để tổ chức đám giỗ như sau:

Chị A, là nhân viên hành chính, với đồng lương hạn hẹp, trong năm, chị tổ chức giỗ cha và mẹ là tương đối lớn, có mời anh chị em về dự, còn các giỗ khác chỉ làm một mâm cơm nhỏ cúng ông bà đơn giản.

Anh D, nhà cửa chật chội nên đến ngày giỗ mẹ, sau khi cúng kiến ở nhà buổi trưa xong, chiều tối anh mời tất cả các anh chị em và con cháu ra nhà hàng ăn. Gia đình sum họp, cùng nhắc kỷ niệm về mẹ, hàn huyên, tâm sự khoảng hai tiếng rồi về. Như vậy rất gọn gàng và không gây mệt mỏi cho những thành viên trong gia đình.

Nhà anh T thì có cái hay khác là “xin phép ông bà” cho được dời ngày giỗ về chiều thứ bảy hoặc chủ nhật, vì thời gian đó, đa phần mọi người được nghỉ làm, nghỉ học, con cháu có thể tề tựu đông đủ. Chắc dưới suối vàng ông bà cũng “thông cảm và sẵn lòng cho phép”.

Chị M, nhà đông anh chị em, chị phân công mỗi hộ nấu hoặc mua một món ăn để góp phần cho đám giỗ. Đến ngày giỗ, từng hộ mang thức ăn đến, cùng thưởng thức và nhận xét tài nấu nướng, của mỗi hộ. Thế cũng vui.

Gia đình anh H thì không tổ chức đám giỗ cố định ở nhà nào. Thấy không thể chịu nỗi “100 cái giỗ” đổ đầu mình, nên anh H giao cho anh em, mỗi hộ tổ chức giỗ một lần. Những ngày giỗ của gia đình được kê ra và cứ thế xoay tua với số anh chị em trong nhà. Với cách này, gánh nặng được san sẻ, mọi người có thể thay phiên đến nhà nhau, vừa ăn giỗ, vừa nắm được tình hình sinh hoạt của người thân.

Chỉ cần vài món ăn giản dị cũng đã có lòng thành kính đối với người đã mất.

Tổ chức cách này hay cách khác là tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình, nhưng phải làm sao đảm bảo tinh thần đoàn kết, vui vẻ, ấm cúng trong họ hàng. Hơn thế nữa, giỗ chạp phải đảm bảo nếp sống văn minh, lịch sự; không nên nhậu nhẹt, say sưa quá đà sinh ra nhiều hậu quả đáng tiếc; không gây ồn ào, ca hát (karaoke) làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh; Không nên vì sĩ diện mà tổ chức đám giỗ thật linh đình để rồi sau đó lại đùn đẩy nhau khoản chi phí đặt tiệc, sinh ra mất đoàn kết.

Tưởng nhớ người thân là một điều cần thiết nhưng phải tổ chức đám giỗ sao cho phù hợp với không gian, thời gian, điều kiện sống. Lòng tôn kính, thương tiếc người đã khuất phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Đừng nên biến một phong tục tốt đẹp thành hủ tục.

 

Theo TGTT


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái