Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc

19:49 | 23/08/2021

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, truyền hình Quân đội đến phỏng vấn, tôi nhớ đến hội thảo khoa học Quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” do tạp chí Văn hiến VN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử VN, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN tổ chức vào ngày thứ sáu 21/12/2018 nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đại tướng và 74 năm ngày thành lập QĐNDVN. Xin chia sẻ đề dẫn của tôi tại Hội thảo với tư cách là trưởng ban tổ chức và một số hình ảnh về Hội thảo đáng nhớ ấy.

Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê
Vì Dân Nước, Người trở thành Bất Tử
(Bất Tử – Thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Thế là đã hơn năm năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiển thánh trong lòng dân tộc, trở về cõi vĩnh hằng với tổ tiên, với Bác Hồ kính yêu, với những đồng chí đồng đội vĩ đại Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Hoàng Minh Thảo…Ngày ấy, Người vệ quốc trung kiên cuối cùng của thế hệ khai quốc của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thế hệ lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, đất nước và quân đội ta, với những con người tài đức vẹn toàn, rất cộng sản, rất Việt Nam, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đã vĩnh biệt chúng ta ra đi, để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, lòng tiếc thương và niềm tự hào vô hạn.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam tại hội thảo.

Hôm nay, cũng trong một ngày thứ Sáu luôn gắn với những sự kiện giàu ý nghĩa trong cuộc đời Đại tướng, trong không khí xúc động chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta từ khắp miền đất nước đã tự nguyện tụ hội về đây để cùng nhau tổ chức một hội thảo về Người anh Cả của  đội quân trung hiếu của nhân dân ta, hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc”

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại hội thảo.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” chắc chắn là một đề tài nghiên cứu khoa học rất rộng, rất lớn, rất khó, rất lâu dài. Trên khía cạnh văn hóa quân sự, Đại tướng của chúng ta, vị  “Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy” , “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại”, như đánh giá của các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự hàng đầu trong và ngoài nước, là người đã tiếp thu và phát triển tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng quân sự hiện đại thế giới để xây dựng nên một hệ thống tư tưởng minh triết về chiến tranh nhân dân, kết hợp quân sự với chính trị và ngoại giao, chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại”…được cả thế giới khâm phục, học tập. Trong một thời gian khá dài thời trẻ, vị tướng thiên tài ấy từng là một nhà báo toàn năng, không những biên dịch, viết báo mà còn là người sáng lập báo, viết  báo cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, từng làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ thời Mặt trận dân chủ Đông Dương. Ông cũng từng là người thầy giáo dạy sử rất được mến mộ thời trẻ và sau này người làm ra lịch sử ấy lại là người chép sử lớn nhất thời hiện đại của đất nước, nhất là “quân sử”, với các bộ sách nổi tiếng như Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Điện Biên phủ – điểm hẹn lịch sử,  Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng… Nếu chúng ta coi tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những đỉnh cao của văn hóa dân tộc, là ngọn đèn sáng mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam, thì Võ Nguyên Giáp cùng với Phạm Văn Đồng, hai học trò thân cận nhất của Bác trong suốt 29 năm (1940-1969), chính là hai người đầu tiên nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là hai người hiểu và  truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh nhiệt thành nhất, toàn diện nhất, sâu sắc nhất, thực chất nhất, thuyết phục nhất.

Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ đóng góp lớn nhất của Đại tướng cho văn hóa dân tộc chính là ở nhân cách văn hóa cao đẹp của Người. Đó là một người cộng sản trong như ánh sáng, rất mực yêu nước thương dân, thực sự suốt đời dĩ công vi thượng. Đó là một tổng tư lệnh đại trí đại dũng biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Đó là một vị tướng bách chiến bách thắng luôn khoan hòa khiêm cung. Đó là một học giả hết sức uyên bác luôn nói những lời giản dị, dân dã. Đó là vị khai quốc công thần khi bị đối xử bất công, bị cố ý lãng quên vẫn thanh thản, nhẫn nhịn chịu đựng theo cách tự “phủ tuyết cả ngọn núi lửa” (ý của một nhà báo Pháp)  vì lợi ích chung, vẫn giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực. Đại tướng đã cho mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân Việt Nam một tấm gương sáng để soi mình. Như Bác Hồ vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiển thánh, trở thành chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy, niềm khích lệ lớn lao của toàn dân tộc và mỗi người  dân không chỉ vì những chiến công vĩ đại mà còn vì tấm gương cao xa mà gần gũi đó. Câu thơ đầy ý nghĩa của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ:
Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Một buổi sáng nhìn lòng ta ta thấy Bác
Nước mắt tràn, ta cảm hết ơn sâu
Cũng rất xứng đáng được dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân yêu của chúng ta.
Phải nói tuy đề tài hội thảo rộng, lớn, khó và lâu dài như vậy nhưng  ở hội thảo có tính chất thăm dò, mở đầu của chúng ta, Ban tổ chức hội thảo rất vui khi chỉ trong thời gian sau hơn hai tháng phát động, đã nhận được hơn 60 tham luận gửi đến từ nhiều địa phương trong nước: thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Miền Trung Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc… Xuất phát từ tình cảm yêu kính chân thành với Đại tướng và mong muốn khám phá phát hiện thêm về con người mình ngưỡng mộ, tất cả các tham luận đều rất xúc động và cụ thể, trong đó chúng tôi rất  cám ơn các tham luận công phu tâm huyết nhiều phát hiện của các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội lão thành, các nhà hoạt động văn hóa giáo dục, các văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp cả nước như: Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Thiếu tướng Hoàng Kiền, đại tá Nguyễn Huyên… các GS, PGSTS Nguyễn Đình Chú, Hồ Sĩ Vịnh, Lê Ngọc Canh, Trình Quang Phú, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Minh Đức, Lê Thị Bích Hồng… các nhà văn nhà thơ, nhà viết kịch Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Thế Kỷ, Thái Bá Lợi, Vũ Bình Lục. Mai Nam Thắng, Nguyễn Minh Ngọc…nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, họa sĩ Lê Trí Dũng, NSND Trịnh Thúy Mùi, NSƯT Lê Chức, NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Đào Quang…
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đặc biệt, ba nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Nguyễn Đình Toán, Trần Định đã đóng góp cho hội thảo một tham luận tập thể bằng ảnh hết sức quý giá. Đó là gần 40 bức ảnh khổ lớn chụp Đại tướng trong hơn 30 năm cuối đời làm cho cả hội thảo như thấy Đại tướng đã về với chúng ta trong những ngày lịch sử này. Hơn 60 tham luận cùng 40 bức ảnh trong hội thảo sẽ là món quà quý của hội thảo chúng ta dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chúc mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN. 

Nếu nỗi lo lớn nhất của Ban tổ chức khi phát động hội thảo là lo có ít tham luận thì bây giờ khó khăn lớn nhất của chúng tôi là trong hơn hai giờ đồng hồ của hội thảo, chúng tôi sẽ phải chọn lựa cách trình bày nào đây.
Bởi gần như tất cả các tham luận đã được chúng tôi in trong một tập kỷ yếu khá trang trọng và sẽ biên tập sữa chữa bổ sung để xuất bản thành sách, nên chúng tôi xin phép hội thảo chọn khoảng hơn 10 tham luận  trình bày tại hội thảo và vì sự eo hẹp của thời gian, chúng tôi cũng đề nghị các tác giả trình bày tham luận chỉ phát biểu tóm tắt tham luận của mình trong vòng 7 phút. Chúng tôi kính xin quý vị thông cảm, ủng hộ Ban tổ chức hội thảo vì điều kiện bất khả kháng về thời gian.
Cuối cùng, thay mặt Ban Tổ chức, chúng tôi xin gửi lời cám ơn tởi Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu.Quân đội Nhân dân VN, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu, Nhà khách Bộ Quốc phòng 266 Thụy Khuê, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã hết sức khích lệ,  ủng hộ, đồng hành với chúng tôi tổ chức tốt nhất hội thảo quan trọng này.
Chúng tôi cũng đặc biệt cám ơn sự tài trợ rất vô tư tình nghĩa của các doanh nghiệp tâm huyết với văn hóa dân tộc, yêu kính đại tướng như Hãng Hàng không Jestar, Công ty Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Than Quang Hanh, Công Ty TNHH Behn Meyer Agricare Việt Nam, Nha khoa White King TPHCM, NSND Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Sân khấu VN.
Chúng tôi cũng xin cám ơn các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và Hà Nội đã đến đưa tin về hội thảo.
Cuối cùng, chúng tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị đại biểu tham dự hội thảo, các đồng chí và các bạn sức khỏe và hạnh phúc, chuẩn bị đón một giáng sinh an bình  và một năm mới vui tươi, may mắn.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Nguyễn Thế Khoa

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”