Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tên gọi của Thẻ căn cước công dân

8:19 | 29/08/2023

Cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, cũng như Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn Đại biểu Quốc hội băn khoăn về nội dung này.


Hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của Thẻ căn cước công dân

Ngày 28/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi vẫn còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình, cho rằng dự thảo Luật được xây dựng dựa trên cơ sở 4 chính sách, trong đó, có chính sách bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, đến nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay mới nắm sơ bộ có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, trong đó có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch; hơn 11.000 trường hợp không xác định được quốc tịch; thực tế gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với đối tượng này, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 28/8.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và những người chưa có đầy đủ các quyền của công dân Việt Nam. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân, giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự, không tác động đến tâm lý của một bộ phận người dân.

Tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, tên gọi này thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người

Liên quan tới vấn đề này, thảo luận tại hội nghị, nhiều Đại biểu Quốc hội chuyên trách bày tỏ ủng hộ đổi tên Luật căn cước công dân thành Luật căn cước cũng như Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước như tờ trình.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý kiến cho dự án Luật.

Cho ý kiến tại hội nghị, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ, đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi… Mặc dù một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phân tích, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, tuy nhiên, đây là việc hiện hữu. Họ là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu.

Việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn còn Đại biểu Quốc hội băn khoăn. Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam. Trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.

Do đó, Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật hay không. Đồng thời, cần xem xét quy định như vậy có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không.

Thiên An

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-ve-ten-goi-cua-the-can-cuoc-cong-dan-post262326.html


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám