Cứ 2 năm một lần vào tháng 2 Âm lịch, tại thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội lại diễn ra lễ hội truyền thống để thể hiện lòng thành kính đối với các vị Thần Thành hoàng làng, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Di tích Lịch sử Văn hóa đình Siêu Quần, thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội
Ngược dòng lịch sử, đầu thế kỷ XIX, Siêu Quần là một xã thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm Minh Mạng thứ 12 – 1831 là tỉnh Hà Nội, năm đầu đời Thành Thái – 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông).
Trong kháng chiến chống Pháp, Siêu Quần nhập với các làng Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc thành xã Đại Thanh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1965, xã Đại Thanh đổi tên thành Tả Thanh Oai. Đến năm 1979, xã được chuyển về huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Tên làng Siêu Quần bắt nguồn từ tên Nôm là Kẻ Gùn. “Gùn” có nghĩa là “quần tụ”; còn “Siêu” ý chỉ làng là nơi sinh tụ. Vì thế, cư dân sinh sống ở nơi đây trong đó có một bộ phận lớn là từ huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) và vùng Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên – Huế) chuyển ra từ đầu thời Lê Sơ.
Theo lưu truyền, lúc đầu, dân cư tập trung ở bờ Bắc sông Nhuệ. Sau một trận lũ lớn, nước ngập đến mái nhà, có một con chó mẹ tha đàn con đến một gò đất chếch về phía Đông – Nam. Dân làng thấy đó là điềm tốt nên sau trận lũ đã chuyển đến gò đất đó sinh sống, tức trung tâm làng Siêu Quần bây giờ.
Dân làng Siêu Quần xưa kia chủ yếu làm ruộng, song đa phần ruộng ở đây là chiêm trũng, hàng năm thường bị úng ngập bởi nước lũ sống Nhuệ nên năng suất lúa thấp và bấp bênh. Năm 1939, thực dân Pháp cho nắn đoạn sông Nhuệ, từ địa phận của làng Siêu Quần xuống làng Đan Nhiễm (huyện Thường Tín), làm cho đồng ruộng của làng cùng 16 làng khác trong vùng tiêu nước dễ hơn, nạn úng lụt đã giảm đáng kể. Đến năm 1942, người Pháp lại cho đào con máng từ Gò Quán làng Vĩnh Thịnh (xã Đại áng) xuống cống Hai Cửa giáp làng Siêu Quần, để hạn chế thêm nạn úng lụt.
Đình làng Siêu Quần ngày nay không chỉ thờ hai nhân thần là Trịnh Khả và Nguyễn Phục mà còn thờ Diêu La Công Chúa và Quý Minh Trí Tỉnh phu nhân.
Trịnh Khả – người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong 18 người có mặt tại Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi (năm Bính Thân – 1416), sau lập được nhiều chiến công trong việc đánh đuổi giặc Minh. Khi Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ, 1428), ông được phong Hổ Vệ tướng quân, Thượng trụ quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, khắc biển công thần. Về sau (năm 1451), do bị gian thần gièm pha, ông và cả con trai là Trịnh Bá Quát bị giết. Đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) được minh oan, trả lại quan tước, phong làm Phúc thần. Việc làng Siêu Quần thờ Trịnh Khả là do dân từ Sóc Sơn (Thanh Hóa) chuyển cư ra, đem theo cả thành hoàng ở làng gốc.
Lễ rước kiệu được người dân địa phương tổ chức trang trọng
Vị thần thứ hai là Nguyễn Phục (1434 – 1470), quê Thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa đời Vua Trần Nhân Tông (1453), làm quan đến chức Hàn lâm viện kiêm Vương phó (thầy dạy các vương tử). Năm Canh Dần (1470), Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được cử giữ chức Đốc lương (đốc suất vận chuyển lương thực). Đến cửa biển Tư Dung (gần thành phố Huế hiện nay), bị gió bão, thuyền lương đến chậm, Lê Thánh Tông nổi giận nên ông bị chém. Về sau, Vua biết ông bị oan, đã phong ông làm Phúc thần, nhiều làng xã vùng biển Tư Dung và ngoài Bắc thờ ông. Các triều vua về sau đều phong ông là “Đông Hải đại vương, Thượng đẳng thần”. Việc làng Siêu Quần thờ ông là do có một bộ phận cư dân Huế từng thờ ông ở quê gốc chuyển cư ra đây.
Nhằm tri ân những công lao to lớn của các vị Thần, hàng năm, người dân làng Siêu Quần tổ chức Lễ hội truyền thống diễn ra vào ngày mùng 10 và 11 tháng 2 Âm lịch. Cùng với phần lễ như: Rước kiệu, nghinh thánh,..; Nơi đây còn tổ chức các trò chơi dân gian đặc sắc như: Đua thuyền, kéo co, bắt vịt, đập niêu,…thu hút đông đảo du khách thập phương.
Hoạt động Bơi Chải tại Lễ hội Siêu Quần
Lễ hội làng Siêu Quần mang ý nghĩa cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, muôn người, muôn nhà được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Cùng với đó là hướng về cội nguồn, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống quê hương.
Đình Siêu Quần và chùa Linh Ứng (Linh Ứng tự) thuộc thôn Siêu Quần được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá năm 1994.
Thế Hiếu – Đình Quyền