Ngày 26/6, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tại đây đã tiếp nhận, hỗ trợ chuyên môn cho một trường hợp bị tăng huyết áp ác tính thai kỳ hiếm gặp.
Cụ thể, bệnh nhân Hà T. T. D (37 tuổi ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) điều trị hiếm muộn nhiều năm nhưng không có kết quả, đến khi phát hiện có thai thì trong tình trạng nguy kịch: tăng huyết áp ác tính, phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, tổn thương cơ tim cấp). Các bác sỹ bệnh viện Nhân dân Gia Định đã nỗ lực ổn định sức khỏe cho mẹ, duy trì sự phát triển thai nhi từ tuần thứ 25 đến tuần thứ 32 của thai kỳ.
Theo đó, chị D. lập gia đình hơn 10 năm, từng đi điều trị hiếm muộn tại nhiều bệnh viện nhưng không thể mang thai. Kể từ tháng 4 năm 2023, chị cảm nhận phù mặt, phù tay – chân tăng dần, phù toàn thân, công việc thường ngày dần trở nên quá sức với chị.
Bác sĩ theo dõi tình hình sản phụ sau khi mổ lấy em bé.
Sau một tháng, chị nhập khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì khó thở nhiều, phải ngồi để thở suốt đêm. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị D. mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 (khoảng thai 25 tuần) kèm tăng huyết áp ác tính, phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, tổn thương cơ tim cấp).
Nhận định đây là một trường hợp thai kỳ nguy cơ rất cao cho cả mẹ và thai, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp gồm các bác sĩ chuyên gia tim mạch, thận học, hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, sản khoa để đưa ra hướng xử trí tối ưu nhất. Với hoàn cảnh gia đình đặc biệt, đây là con quý sau nhiều năm chờ đợi mòn mỏi của hai vợ chồng chị D.
ThS.BS Giang Minh Nhật- Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch – Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Các bác sĩ đã quyết định cố gắng cứu cả mẹ và bé. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều khoa với các kỹ thuật chuyên sâu. Đó là các chuyên khoa tim mạch, thận học và sản khoa cùng kết hợp nhằm kiểm soát toàn diện các nguy cơ và biến cố bất lợi trong thai kỳ.Lúc này các bác sỹ phải vừa phải ổn định được kiểm soát huyết áp chỉ huy đồng thời đảm bảo quá trình lọc máu liên tục 2 chu kỳ nhằm điều trị suy thận và ổn định tổn thương cơ tim”.
“Một điều quan trọng khác là bác sỹ sản khoa phải liên tục theo dõi sát tình trạng sức khoẻ thai nhi. Tất cả các yếu tố trên đều cần phải đảm bảo liên tục nếu không sẽ dẫn đến quá tải hệ tuần hoàn, nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con”, bác sỹ cho biết.
Bé gái chào đời trong niềm vui, hân hoan và sự cố gắng của gia đình, đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện.
Sau 1 tuần điều trị tích cực, huyết áp bệnh nhân ổn định hơn, các tổn thương gan và tổn thương cơ tim hồi phục ngoạn mục, sức khoẻ thai ổn định, tuy nhiên, tổn thương thận nặng chỉ có thể hồi phục một phần. Bệnh nhân được ra viện ở tuần tuổi thai thứ 27 và được tiếp tục theo dõi ngoại trú theo quy trình chăm sóc thai kỳ nguy cơ cao tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Khi tình trạng bệnh nội khoa của chị D. ổn định hơn, em bé tiếp tục tăng trưởng tốt trong tử cung. Đến tuần thứ 32, huyết áp của chị trở nên khó kiểm soát, kháng trị với tất cả các thuốc hạ áp có thể sử dụng cho thai kỳ, tổn thương thận của chị diễn tiến xấu nhanh trở lại. Lúc này, thai kỳ đã trưởng thành ở một mức độ nhất định, và khả năng sống của em bé sau sinh cao.
Từ diễn biến của sản phụ, hội đồng các chuyên gia thống nhất chấm dứt thai kỳ, nhằm ổn định tốt hơn tình trạng bệnh lý nội khoa đang diễn tiến nặng của mẹ. Tối ngày 22.06.2023, chị D. đã sinh một bé gái khoẻ mạnh trong niềm vui của tất cả các bác sĩ và gia đình chị. Hiện tại chị D đang được điều trị tích cực sau sinh tại Khoa Nội tim mạch còn bé được chăm sóc tại Khoa bệnh lý sơ sinh và sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
Thu Phương
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/cuu-chua-thanh-cong-san-phu-hiem-muon-mac-tang-huyet-ap-ac-tinh-thai-ky-hiem-gap-post253309.html