Giữa thời kỳ Bắc thuộc, anh em Lý Trường Nhân và Lý Thúc Hiến đã giúp Giao Châu có được 17 năm độc lập. Tiếc rằng nếu như Lý Thúc Hiến tỉnh táo hơn thì nền độc lập còn được kéo dài hơn nữa. Sự kiện này ít được nhắc đến và người Việt hầu như không ai biết đến cuộc nổi dậy này.
Lý Trường Nhân mang lại nền độc lập
Năm 420, Trung Nguyên bắt đầu thời kỳ chiến loạn Nam – Bắc triều, mở đầu bằng sự kiện soán ngôi Đông Tấn lập ra nhà Lưu Tống.
Năm 468, Thứ sử Giao Châu là Chu Mục chết vì bệnh. Chớp thời cơ, Lý Trường Nhân cùng em họ là Lý Thúc Hiến lãnh đạo người Giao Châu nổi lên công phá thành trì, đánh bại quân Lưu Tống, giành lại độc lập cho dân tộc.
Sử Trung Hoa gọi Lý Trường Nhân là “thổ nhân” hoặc “Giao Châu nhân”. Như vậy ông không phải là quan lại phục vụ trong guồng máy nhà Lưu Tống, mà có thể là một Hào trưởng có thế lực được dân chúng ủng hộ.
Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư chép như sau:
“Mậu Thân, [468], (Tống Minh Đế Úc, Thái Thủy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, Thứ sử Lưu Mục ốm chết. Người châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của châu mục đem từ Trung Quốc sang rồi chiếm giữ châu làm phản, tự xưng là Thứ sử”.
Chống cự quân phương Bắc, tranh thủ thời gian
Giao Châu chỉ mới giành lại độc lập sau thời gian dài Bắc thuộc nên rất yếu, chưa thể chống nổi phương Bắc. Vì thế Lý Trường Nhân tự xưng là Thứ Sử rồi cho người sang xin Tống Minh Đế phong mình làm Thứ sử Giao Châu. Lý Trường Nhân muốn tranh thủ thời gian có được để xây dựng Giao Châu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên Tống Minh Đế không đồng ý cho Lý Trường Nhân làm Thứ sử mà chỉ đồng ý cho ông làm Kinh lược sứ, rồi cử người của mình sang làm Thứ sử Giao Châu.
Nhà Lưu Tống liên tiếp cử Ngô Hỷ, rồi Tông Phụng Bá sang Giao Châu để làm Thứ sử. Tuy nhiên những người này qua tìm hiểu thấy Lưu Trường Nhân không muốn trao quyền, lại thấy ông được người Giao Châu ủng hộ, vì thế mà lo sợ không dám sang Giao Châu.
“Việt sử lược” dẫn theo “Khâm định tứ khố toàn thư” chép: Tháng 8/468 Lưu Bột được cử làm Thứ sử đưa quân đến Giao Châu. Lý Trường Nhân cho quân chống trả quyết liệt, Lưu Bột đánh lâu nhưng không sao thắng được sinh bệnh mà chết.
Dù thắng nhưng Lý Trường Nhân nhận thấy đây là lúc rất cần thời gian ổn định để xây dựng Giao Châu, nếu nhà Lưu Tống không chấp nhận ông làm Thứ sử mà đưa quân đi đánh thì dù thắng cũng khiến Giao Châu thêm suy yếu. Vì thế ông lại cho người đi sứ sang Lưu Tống xin được làm “Hành Giao Châu sự”, tạm thời lo việc ở Giao Châu. Quả nhiên Triều đình Lưu Tống đồng ý.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:
“Mùa thu, tháng 8, vua Tống lấy Nam Khang tướng là Lưu Bột làm Thứ sử Giao Châu. Bột đến, bị Trường Nhân chống cự, không bao lâu thì chết. Tháng 11, Lý Trường Nhân sai sứ xin hàng và tự hạ xuống chức Hành Châu sự. Vua Tống y cho.”
Nhờ đó Lý Trường Nhân tránh được cuộc chiến với nhà Lưu Tống, tranh thủ thời gian để xây dựng Giao Châu phát triển.
Tiếc rằng chỉ vài năm sau thì Lý Trường Nhân mất, sử không nói rõ ông thọ bao nhiêu tuổi. Em họ của ông là Lý Thúc Hiến thay anh tiếp tục trị vì Giao Châu.
Lý Thúc Hiến duy trì nền độc lập
Lý Thúc Hiến cho đi sứ đến nhà Lưu Tống xin được phong làm Thứ sử, tuy nhiên nhà Lưu Tống không đồng ý, chỉ phong cho làm Ninh Viễn Quân Tư Mã, đồng thời làm Thái thú hai quận Tân Xương và Vũ Bình.
Năm 478, nhà Lưu Tống phong cho Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán làm Thứ sử Giao Châu.
Dân chúng Giao Châu ủng hộ Lý Thúc Hiến, không muốn Thẩm Hoán sang làm Thứ sử cai trị Giao Châu. Lý Thúc Hiến bèn cắt cử quân trấn giữ nơi hiểm yếu sẵn sàng đánh trả quân Lưu Tống. Thẩm Hoán không dám đến Giao Châu, lưu lại ở Uất Lâm rồi chết.
Năm 479, nhà Lưu Tống bị Diệt, nhà Tề lên thay. Tháng 7/479, Tề Cao Đế mới lên ngôi có rất nhiều việc phải làm nên không có thời gian để ý đến Giao Châu, vì thế mà quyết định để cho Lý Thúc Hiến làm Thứ sử Giao Châu.
Không dám chống giặc
Lý Thúc Hiến được làm Thứ sử, mọi việc đều đang thuận lợi, nhưng lúc này ông lại không tỉnh táo duy trì tình hình. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Bấy giờ Thúc Hiến đã phụng mạng nhà Tề làm Thứ sử, nhưng không cống hiến gì cả”.
Nhận thấy Lý Thúc Hiến không cống nộp, năm 485, sau khi ổn định Triều chính, vua Tề phong cho Lưu Khải làm Thứ sử, điểm rất đông binh mã tiến đánh Giao Châu.
Lý Thúc Hiến thấy vậy vội vàng sai sứ mang theo 20 cỗ mũ đâu mâu toàn bằng bạc cùng dải tua bằng lông công xin vua Tề bãi binh. Tuy nhiên vua Tề không đồng ý.
Đứng trước quân Tề rất đông, Lý Thúc Hiến nhắm không thể thắng được, liền bỏ Giao Châu, theo đường tắt từ Tương Châu đến hàng vua Tề.
Sự việc Lý Thúc Hiến bỏ mặc Giao Châu hàng Tề khiến dân chúng bất ngờ. Tướng sĩ không có người chỉ huy nên cũng không còn tinh thần giao chiến. Lưu Khải đưa quân đến như vào chỗ không người, Giao Châu lại bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc.
Theo Trithucvn