Xu thế dân số già sẽ có thể tác động đến cán cân quyền lực khu vực cũng như toàn cầu khi mà một số nền kinh tế chững lại trong khi một số nền kinh tế khác tăng trưởng tốt.
Từ Nhật cho đến Hàn Quốc hay Trung Quốc hoặc một số vùng thuộc Đông Nam Á, tình trạng dân số già sẽ thay đổi căn bản các xã hội, chiến lược kinh doanh và chính sách của chính phủ.
Hơn thế nữa, xu thế này sẽ có thể tác động đến cán cân quyền lực khu vực cũng như toàn cầu khi mà một số nền kinh tế chững lại trong khi một số nền kinh tế khác tăng trưởng tốt với lực lượng lao động dồi dào, theo khẳng định của một bài đăng mới đây trên báo Nikkei.
Người ta đã bàn đến rủi ro dân số già đã nhiều năm, thế nhưng dấu hiệu mới nhất cho thấy rằng nỗi sợ lớn nhất của khu vực đang thực sự trở thành hiện thực.
Một người phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 30 nói: “Chúng tôi muốn có con, thế nhưng khi mà chúng tôi chưa có nhà, và khi chúng tôi nghĩ đến tiền, chúng tôi không thể có con được”.
Nhiều người Hàn Quốc có tâm lý tương tự vì vậy họ không muốn có con. Tổng số dân thuộc độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi, đã giảm lần đầu tiên trong năm 2017. Giờ đây, tổng dân số ước tính sẽ bắt đầu giảm từ đầu năm sau, theo cảnh báo của cơ quan thống kê Hàn Quốc vào cuối tháng 3/2019.
Đến năm 2065, Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành đất nước phát triển già nhất.
Tại Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã chính thức bỏ đi chính sách một con vào năm 2016, thế nhưng dường như chính sách này đã được áp dụng quá chậm. Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong năm 2017 và năm 2018.
Số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 59 bắt đầu giảm từ năm 2014, theo Liên hợp quốc. Trong năm ngoái, lần đầu, tiên số người thuộc nhóm tuổi này rơi xuống dưới 900 triệu.
Không chỉ vậy, tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc tính đến năm 2017 cũng giảm đến 4 năm liên tiếp. Doanh nghiệp nước này đang ngày một thích ứng nhiều hơn với một quốc gia với quá nhiều người độc thân: trong năm ngoái, Alibaba đã tổ chức chương trình mua hàng dành cho người độc thân bao gồm 1 lạng gạo và 200 ml rượu vang đỏ.
Tình hình dân số giảm tại Nhật còn tồi tệ hơn nữa. Số lượng dân trong độ tuổi từ 15 đến 63 bắt đầu giảm từ năm 1995, cùng thời gian nước Nhật rơi vào thập kỷ mất mát của chu trình kinh tế suy giảm và giảm phát. Tổng dân số Nhật nói chung giảm từ năm 2008.
Triển vọng của ba nền kinh tế lớn tại châu Á đều u ám: Từ năm 2020 đến năm 2060, số lượng người dân trong độ tuổi lao động được ước tính giảm 30% tại Nhật; 26% tại Hàn Quốc và 19% tại Trung Quốc.
Đến năm 2060, nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên ước tính chiếm khoảng 30% tổng dân số.
Hồng Kông, Singapore và Thái Lan nhiều khả năng cũng theo hướng tương tự.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngoại lệ. Lực lượng lao động của Ấn Độ và Indonesia được dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất cho đến năm 2060. Điều này giống như những gì đang diễn ra tại Mỹ, chính vì vậy Mỹ sẽ có lợi thế không nhỏ so với Trung Quốc.
Đối với nhiều nước đang đối diện với tình trạng già hóa dân số tồi tệ, điều này thực sự tiềm ẩn rủi ro với tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc vốn đã đang tâng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 7,1% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020. Kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng tăng trưởng chỉ 1,5% trong thập niên từ năm 2040 đến 2050. Tốc độ này sẽ thấp hơn so với con số 3,7% của Ấn Độ và 2,0% của Mỹ.
Theo Bizlive