Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của tổ quốc – 40 năm nhìn lại

16:15 | 25/02/2019

VHVN xin trân trọng giới thiệu bản đề dẫn do PGSTS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN đã trình bày trong cuộc hội thảo Quốc gia nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc Chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Hội Khoa học Lịch sử VN vừa phối hợp tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đây là báo cáo khoa học rất được dư luận hoan nghênh, tuy ngắn gọn nhưng đã không ngần ngại nhìn thẳng vào bản chất của sự kiện.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Đất nước thu về một mối.

Để giành được độc lập – tự do và thống nhất cho Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ với nhiều thử thách, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến năm 1975.

Đất nước giành được độc lập và thống nhất nhưng thân mình đầy thương tích bởi hậu quả chiến tranh: hàng triệu người chết, hàng chục vạn người con ưu tú của dân tộc hy sinh, bị thương và chịu ảnh hưởng lâu dài của các di chứng chiến tranh, hàng ngàn thành phố, làng mạc bị tàn phá, nhiều cầu cống, đướng sá và công trình công cộng bị phá hủy…

Người dân Việt Nam – trong đó có hàng chục vạn người lính đã trải qua những năm tháng chiến đấu quyết liệt chống kẻ thù xâm lược, không có nguyện vọng nào hơn là xếp vũ khí lại, bắt tay xây dựng cuộc sống mới từ trong đổ nát của chiến tranh, để khôi phục thành phố và làng mạc, bệnh viện và trường học, cầu cống và đường sá, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng, trên đất nước đã trải qua nhiều chiến tranh và mất mát này, cuộc sống thanh bình như ước vọng của người dân đã không trọn vẹn. Và máu lại đổ. Nhiều thành phố, làng mạc lại bị bom đạn thù cày nát. Ngay sau tháng 4 năm 1975 không lâu, nhân dân Việt Nam đã phải đối đầu với cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam do quân đội Campuchia Dân chủ tiến hành với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các thế lực bên ngoài.

Và nghiêm trọng hơn, cách ngày này vừa đúng 40 năm, rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh, phòng không với 2.559 khẩu pháo trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn bất ngờ vượt qua biên giới kéo dài 1.400 km vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu… Quân Trung Quốc đã vào sâu trong đất Lạng Sơn, Lai Châu 10-15 km, vào sâu trong đất Cao Bằng 40-50 km.

Quân dân Việt Nam,  trước hết là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân xâm lược, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hỏng 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều sĩ quan và binh lính của đội quân xâm lược.

Cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thoạt đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do cùng lúc bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây. Tình hình lúc ấy có thể so sánh với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945-1946.

Cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc làm cho thế giới sửng sốt: Từ chỗ là đồng minh trong “chiến tranh Lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù… Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác – lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong hai cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản kích tự vệ”.

Ngay sau sự ngạc nhiên ấy, nhiều người đã hiểu rõ rằng, với việc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Trung Quốc hướng vào nhiều mục tiêu sau khi đã có những thay đổi chiến lược đối ngoại trong một tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi với các quan hệ phức tạp giữa các nước lớn chủ yếu là giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên Xô và việc Trung Quốc muốn mau chóng trở thành một thế lực mới, chi phối trước hết vùng Đông Nam Á, lấp vào chỗ trống mà Mỹ đã phải rút khỏi khu vực mang tính chiến lược này sau thất bại ở Việt Nam. Thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, bất chấp pháp lý và đạo lý, những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy chương trình 4 hiện đại hóa mới được khởi đầu với nhiều tham vọng…

Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam – một quốc gia độc lập, có chủ quyền đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước như Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Hungari, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Cuba, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia… cùng nhiều tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng trên thế giới và ở Liên Xô, Hungari, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Phần Lan, Anh, Ôxtrâylia, Êtiôpi… tổ chức biểu tình, ra Tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đòi “nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi, trong một xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua…

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học quốc gia này, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, xã hội trong cả nước không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử không thể chối bỏ, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 và kéo dài đến tận tháng 9 năm 1989.

Ở Vị Xuyên đến cuối năm 1989, quân Trung Quốc mới lần lượt rút khỏi các vị trí còn chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam. Cuộc hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào và chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; để biết quý trọng hơn cuộc sống hòa bình hôm nay giành được qua biết bao mất mát, hy sinh.

Cuộc hội thảo nhằm rút ra những bài học lịch sử cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau: luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống xảy ra trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay. Xin nhắc lại lời của G.Phu xích – nhà văn Tiệp Khắc viết năm 1943 trong ngục tù của chế độ phát xít Đức trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác”. Cảnh giác với mọi mưu toan nhằm phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, cản trở sự phát triển của Tổ quốc muôn vàn yêu quý của chúng ta.

Cuộc hội thảo còn nhằm góp phần khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Nêu rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước cùng nguyện vọng của nhân dân trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới; Biểu dương và cổ vũ những việc làm góp phần gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

Rất mong các tham luận và phát biểu trong Hội thảo sẽ được tiến hành theo tinh thần ấy.

Chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, các nhà khoa học!

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

 

 

PGS.TS. Trần Đức Cường

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình