Công trình nghiên cứu có đóng góp đáng kể vào khoa tuồng học

21:37 | 14/07/2021

(Ông là nhà nghiên cứu sân khấu hàng đầu nước ta hiện nay sau thế hệ của Mịch Quang, Hoàng Châu Ký, Trần Bảng, Hà Văn Cầu…Đã vào tuổi 85 nhưng ông vẫn rất minh mẫn, sung mãn, năm nào cũng cho ra công trình mới. Mặc dù rất bận, ông vẫn dành thời gian đọc cuốn chuyên luận đầu tiên về tuồng khá dày của tôi gửi tặng và viết bài khích lệ. Xin cám ơn PGS Tất Thắng và giới thiệu bài viết của ông)

00. Trong một hai thập kỷ trở lại đây, Nguyễn Thế Khoa đã nổi lên với tư cách nhà sân khấu học. Ngoài việc mở rộng diện chú ý ra các hiện tượng sân khấu (sự kiện, kịch chủng, tác gia, tác phẩm…) anh đã tập trung vào điểm để hoàn thành gần 20 tiểu luận nghiên cứu về hai tác gia, nhà soạn Tuồng lỗi lạc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là Nguyễn Diêu và Đào Tấn.
01. Lâu nay, giới nghiên cứu văn học và sân khấu thường quan tâm nhiều đến Đào Tấn, còn Nguyễn Diêu thì có lẽ, ít được để mắt đến. Đó là một khoảng trống – có thể nói như vậy – trong việc đi sâu vào lịch sử sân khấu thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nói chung, và lịch sử Tuồng, nói riêng. Nếu nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có công phát hiện, sưu tầm và chú giải các tác phẩm Nguyễn Diêu qua tập biên khảo Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ (Nhà xuất bản Sân khấu 2011) thì Nguyễn Thế Khoa đã kế tục sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn bằng tập biên khảo Nguyễn Diêu – Đào Tấn, một thời đại tuồng (Nhà xuất bản Sân khấu 2020), góp công đáng kể vào việc san lấp chỗ trống đó.
Trong công trình mà chúng ta đang nói đến, Nguyễn Thế Khoa đã dành nhiều tâm huyết và trí lực, cũng có thể nói là tinh lực để tiếp tục khảo sát, tìm hiểu, đi sâu phân tích về cả tác phẩm và cuộc đời, về sự nghiệp và thân thế, về nhân cách và tầm vóc của hai nhà soạn Tuồng lỗi lạc ấy, đồng thời qua đó lần ra cái mối tương quan, có thể coi là cái sợi chỉ đỏ xuyên suốt hiện tượng hai danh nhân Nguyễn Diêu – Đào Tấn, hai nhà soạn tuồng lớn nhất trong lịch sử tuồng của đất nước, lại là hai thầy trò đồng hương ở Tuy Phước, Bình Định.
02. Trở lên trên là chúng tôi (T.T) mạo muội xét đoán hành trình của nhà Tuồng học Nguyễn Thế Khoa để đạt tới cái đích cuối cùng là xác định một thời đại Tuồng với hai tên tuổi Nguyễn Diêu và Đào Tấn.
02.1. Mở đầu là tiểu luận Tầm vóc Nguyễn Diêu (tr 39 – 45). Chỗ dựa của Nguyễn Thế Khoa khi đi đến xác định Nguyễn Diêu như là nhà hoạt động văn chương nghệ thuật vĩ đại (tr 45) là ba vở Tuồng: Ngũ hổ bình Liêu, một “kỳ thư” sân khấu có giá trị cao về nhân văn và nghệ thuật (tr 39), như sự xác định của các học giả nhiều thời, Tiết Giao đoạt ngọc (hay Võ Tam Tư chém cáo, Cổ miếu văn ca) vở Tuồng có sức ám ảnh lớn lao từ tấn bi kịch Nguyệt Cô cùng tính hiện đại của những triết lý nhân sinh sâu sắc…” (tr 40), Liệu đố, vở Tuồng có thể được coi như một hài kịch trữ tình chưa từng có trên sân khấu Tuồng” (tr 41).
Để diễn giải và chứng minh các nhận định, đánh giá trên, Nguyễn Thế Khoa đã dày công đi sâu phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng vở Tuồng trên.
Vở Ngũ hổ bình Liêu. Trước hết tác giả khẳng định: đó là “pho Tuồng đồ sộ nhất và biểu diễn liên tục, nhiều nhất trong suốt hơn một thế kỷ. Ảnh hưởng sâu đậm bền lâu của Ngũ hổ bình Liêu đối với khán giả Tuồng cả nước, có thể nói, là không có tác phẩm sân khấu nào sánh được” (tr 46). Tác giả tiểu luận đã trần thuật lại cốt truyện vở Ngũ hổ bình Liêu với tích trò về hai nhân vật Địch Thanh và Trại Ba, từ tình huống xuất phát đến tình huống kết thúc vở (tr 44  – 53).
Nguyễn Thế Khoa quả là nhà nghiên cứu chu đáo và tinh ý, khi anh dừng lại phân tích hai cảnh tuồng rất tiêu biểu của vở tuồng này là Địch Thanh qua ải và nhất là Trại Ba – Phiêu Vương: Để giải cứu Địch Thanh, Trại Ba phải xin Phiên Vương, vua cha cho mình xuất binh phạt Liêu. Nhưng Phiên Vương không bằng lòng, và cuộc trần tình đấu tranh của Trại Ba với Phiên Vương đã diễn ra rất quyết liệt với những lời giãi bày tâm sự, bộc lộ ý chí và thỉnh cầu vừa kiên quyết vừa mềm dẻo, vừa có lý vừa có tình của Trại Ba mà hạt nhân hợp lý (rationaliste noyau) là đạo tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu. Ở nhà – theo cha, đi lấy chồng – theo chồng.. “Như con nay, sống làm vợ họ Địch, chết làm ma họ Địch”. Trước sự van xin, thỉnh cầu da diết, quyết liệt của con gái, Phiêu Vương đành phải đồng ý để Trại Ba cất quân đi đánh Liêu, giải cứu cho Địch Thanh, như ta đã biết.
02.1.2. Trong tích trò Tiết Giao đoạt ngọc bấy nay có một tình tiết tồn nghi, mà là tình tiết quan trọng. Đó là Tiết Giao đã đoạt viên ngọc đời của Hồ Nguyệt Cô bằng cách nào? Có hai cách thường được các gánh, các đoàn Tuồng trình diễn. Cách thứ nhất, Tiết Giao vờ đau bụng để Nguyệt Cô trao cho hắn viên ngọc có phép chữa được bách bệnh. Thứ hai, Tiết Giao làm tình với Nguyệt Cô và trong cuộc truy hoan đó, Nguyệt Cô đã nôn ra viên ngọc. Thì giờ đây, trong nguyên bản vở Tuồng giấy trắng mực đen đã rõ như sau:
Đánh nhau chán, rồi “hai người xuống ngựa, nắm tay nhau vào miếu, ngồi sát nhau và ôm nhau, đại loạn, Nguyệt Cô thổ ngọc Tiết Giao giơ tay hứng lấy”.
Như vậy, ta có đủ cơ sở để bàn về trường hợp Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Lâu nay ta đã xác định tấn bi kịch của Hồ Nguyệt Cô trong hai câu:
Tiếc mấy bao năm công tu luyện
Giờ đây một phút bỗng tan tành.
Là tấn bi kịch của sự buông lỏng bản thân trong một phút mà phá nát cả một đời (tu luyện) rồi rút ra kết luận về cái khó của việc làm người. Bản thân chúng tôi (T.T) cũng chỉ dừng lại ở đó khi làm bài thơ Vịnh Hồ Nguyệt Cô:
Thiên khổ thành nhân tu
Nhất lạc hồ lý hóa
Thành nhân chân thâm nan
Tác nhân bội dã.
(Ngàn năm khổ tu thành người
Một phút sướng hóa hồ ly
Thành người thật rất khó
Làm người càng khó gấp bội)
Thế nhưng, Nguyễn Thế Khoa với suy nghĩ và chiêm nghiệm khác biệt của mình, đã nhìn trường hợp nàng Hồ Nguyệt Cô là tấn bi kịch làm người. Anh cho rằng quan hệ của Tiết Giao – Nguyệt Cô không hề là tình yêu, chỉ là âm mưu lừa đảo lợi dụng dục vọng của con người để chiến thắng trên chính trương, chiến trường. Cuộc đời con người quá nhiều cạm bẫy đến nỗi một cô gái sau nghìn năm tu luyện từ kiếp cáo mà thành đến với cuộc đời vì quá tin vào con người mà dính ngay bẫy tình phải lập tức trở về kiếp cáo. Theo anh, đây là bi kịch của tình yêu, niềm tin bị lừa gạt, thông điệp Con người hãy cảnh giác của J. Phuxich đã vang lên trong vở tuồng này. Đánh giá thế nào thì tùy bạn đọc, còn riêng tôi, tôi cho đây là một nhận thức mới mẻ, sắc sảo.
02.1.3. Vở Liệu đố (Chữa bệnh ghen) được Nguyễn Thế Khoa, sau những phân tích lý giải kỹ lưỡng, đã xác định là “vở Tuồng hiện thực tâm lý” (tr 75 – 92). Đọc đến đây tôi bỗng nhớ đến một số vở kịch hiện thực tâm lý trữ tình của A. Tsêkhốp. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, ta có thể xác định thêm cho vở Liệu đố cái tính trữ tình sau cái tính hiện thực tâm lý không?
02.2. Về Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa dành nhiều hơn số tiểu luận, so với Nguyễn Diêu, bởi đơn giản sự nghiệp của Đào Tấn đồ sộ hơn, đa diện hơn. Mặc dù Nguyễn Diêu là thầy dạy Đào Tấn, là người khai sáng thời đại tuồng mà Đào Tấn kế nghiệp nhưng xưa nay hiện tượng trò vượt thầy, không phải là hiếm, bởi vì, hậu sinh khả úy mà. Dù đã có rất nhiều người viết về Đào Tấn trong hơn trăm năm qua nhưng có thể nói rằng có nhiều tổng hợp xuất sắc và nhiều luận điểm mới mẻ, độc đáo trong hệ thống tiểu luận về Đào Tấn đã được Nguyễn Thế Khoa đầu tư nhiều công phu, trí lực và tình cảm.
Hệ thống đó mở đầu bằng tiểu luận có nội dung bác bỏ giai thoại Đào Tấn sửa tuồng Nguyễn Diêu. Đây là một giai thoại giả mà trước nay ai cũng tưởng là thật để hết lời ngợi ca, làm theo, coi là bằng chứng đẹp của tình thầy trò và của tính hợp tình hợp lý của nghệ thuật tuồng. Chỉ đến Nguyễn Thế Khoa, cái giả mới bị vạch trần rất thuyết phục và giai thoại hằng được bao thức giả và cả giới tuồng tôn sùng ấy chắc chắn sẽ bị chôn vùi.
Sau bài tiểu luận đầy tính phát hiện đó, tác giả tiếp tục bằng hai tiểu luận về Đào Tấn mang tính chân dung, thân thế, sự nghiệp… và kết thúc bằng các tiểu luận trình bày, phân tích một số vở Tuồng tiêu biểu của Đào Tấn, ông hậu tổ nghề tuồng. Tôi đánh giá cao Nguyễn Thế Khoa trong phẩm chất biết xác định cái cốt tử nhất trong mỗi vở tuồng của Đào Tấn để khẳng định chắc chắn ngay trong đầu đề tiểu luận: Tân dã đồn – Chữ Hiếu nặng hơn chữ Trung (tr 149 – 152), Cổ thành với một Trương Phi Việt Nam (tr 153 – 161), Cái lớn của Đào Tấn qua bộ Tuồng Phong Thần (tr 162 – 192), Diễn Võ Đình – Bi kịch lạc quan (tr 193 – 198), Đào Tấn với kiệt tác Hộ sanh đàn (tr 199 – 216).
03. Tất nhiên, những tìm tòi, phát hiện, xác định, khẳng định của Nguyễn Thế Khoa trong công trình này là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Song tôi đặc biệt chú ý đến việc Thế Khoa đi sâu tổng kết và hệ thống hóa những cách tân biên kịch lớn của hai tác gia Tuồng tiêu biểu cuối thế kỷ XVIV, đầu thế kỷ XX: Nguyễn Diêu và Đào Tấn.
03.1. Cách tân về đề tài và chủ đề: Không mặn mà (chữ dùng của Thế Khoa) với đề tài quân quốc và chủ đề tôn quân vốn là đề tài cốt tử và chủ đề xuyên suốt của Tuồng cổ. Hai nhà soạn Tuồng ấy đã tâm đắc đề tài về cuộc sống xã hội với chủ đề cơ ngợi giá trị tốt đẹp của con người, tình nghĩa của con người, chuyển trung quân thành ái quốc…” (tr 254).
03.2. Cách tân về điểm trung tâm của tác phẩm. Theo Thế Khoa, nếu Tuồng cổ tập trung vào tính sử thi của nội dung và nghệ thuật diễn tả, thì Nguyễn Diêu và Đào Tấn lại tập trung vào sinh hoạt đời thường và thế giới nội tâm của nhân vật (tr 254 – 255).
03.3. Cuối cùng là sự cách tân về thể loại: Tuồng pho (tức tuồng nhiều hồi) đổi mới thành Tuồng một hồi, tức là việc làm cho vở Tuồng chỉ được diễn trong một đêm. Theo tôi đây là cách tân vô cùng quan trọng, nó  mở ra một bến bờ mới cho nghệ thuật viết Tuồng, diễn Tuồng và cả xem Tuồng. Và cách tân đó vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống Tuồng hiện nay.
04. Việc tác giả dành nhiều tiểu luận cho Đào Tấn hơn cho Nguyễn Diêu là một điều hợp lý. Bởi vì, các sáng tác của Đào Tấn, so với Nguyễn Diêu, cũng phong phú hơn, đa dạng hơn và phức tạp hơn. Dù có vẻ như trong thâm tâm Nguyễn Thế Khoa đánh giá Nguyễn Diêu với một Tiết Giao đoạt ngọc ở tầm nhân loại là cao hơn Đào Tấn. Nguyễn Thế Khoa cũng mạnh dạn gọi Đào Duy Từ là Tiên tổ tuồng, Nguyễn Diêu là Trung tổ tuồng, ở trước Đào Tấn là Hậu tổ tuồng thì cách gọi đó cũng phù hợp với dư luận chung và ý kiến của chúng tôi. Kết thúc phần Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa có tiểu luận dài nói về mối quan hệ của Đào Tấn và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều sử liệu mới mẻ, phong phú. Chỉ riêng tiểu luận này cũng đủ khẳng định Đào Tấn không chỉ là nhà soạn tuồng lớn mà còn là một nhà yêu nước lớn.
05. Đọc một công trình nghiên cứu văn học, chúng ta thường hay có suy nghĩ lẩn thẩn: giá như, giá như. Bây giờ ta hãy quên cái giá như ấy đi để nói rằng Nguyễn Diêu, Đào Tấn, một thời đại Tuồng là một đóng góp đáng trân trọng vào khoa Tuồng học nói chung, và vào quá trình nhận thức lịch sử Tuồng thời kỳ chuyển biến vô cùng quan trọng của nghệ thuật Tuồng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX…
PGS. Tất Thắng

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam